Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Mối lo khi đang ngủ ngáy rồi ngưng thở 10 giây

Nếu bạn thường thức giấc vào ban đêm, “kéo gỗ” rất to, có thể đi vệ sinh 3-4 lần, ngủ không ngon giấc; ban ngày ngủ dậy mệt mỏi, đau đầu, không sảng khoái, rất buồn ngủ, thậm chí ngủ gật, rất khó tập trung… Đó có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ.

 Nếu trong gia đình có người thường xuyên ngáy, ngáy to; hay buồn ngủ vào ban ngày; thức giấc nhiều lần trong đêm… thì nên đi khám chuyên khoa Hô hấp. Ảnh minh họa: TL

Nếu trong gia đình có người thường xuyên ngáy, ngáy to; hay buồn ngủ vào ban ngày; thức giấc nhiều lần trong đêm… thì nên đi khám chuyên khoa Hô hấp. 

Đang ngủ thì ngưng thở 10 giây, rồi lại… thở

Ông T.T.V (60 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) có thể trạng to béo. Từ lâu, mỗi lần ngủ, ông đều ngáy, không những thế còn ngáy rất to. Rất nhiều lần khiến người bên cạnh ức chế, khó chịu.

Lúc đầu vợ và các con ông vẫn cho rằng, có thể ban ngày ông làm việc mệt nhọc nên ngủ ngáy to. Nhưng kể cả những ngày đi du lịch, đi chơi, ông V vẫn “sấm vang rền”, nhiều lần vợ ông còn đập đập, lay lay người ông để ông ngừng “kéo gỗ” nhưng rồi ông lại ngáy tiếp. Điều làm vợ con ông lo lắng là thỉnh thoảng trong cơn ngáy, ông lại… ngưng thở đột ngột.

“Đang cơn ngáy to, ông ấy bỗng dưng im bặt khoảng vài giây, sau đó tiếng ngáy mới trở lại. Ban đầu, tôi cũng nghĩ bình thường nhưng rồi cứ lặp đi lặp lại nên rất lo. Có lần, tôi thử nghe gần thì tá hoả khi thấy chồng ngưng ngáy, đồng thời ngưng luôn… thở. Tôi vội lay mạnh, gọi tên chồng. Vài giây sau, chồng “ư hử”, cựa mình mở mắt, thậm chí sặc sặc lên vài tiếng như không có chuyện gì xảy ra, rồi lại ngủ tiếp, ngáy tiếp”, vợ ông V nhớ lại. Mỗi tội tình trạng “thở, ngưng 10 giây, rồi lại thở” của ông V lặp lại tới rất nhiều lần trong đêm khiến vợ ông lo lắng không ngủ được. Sáng hôm sau tỉnh giấc, ông V rất ngạc nhiên khi nghe vợ mình kể lại, ông bảo: Hoàn toàn không biết gì, thậm chí còn không biết mình ngáy, mình ngưng thở.

Hỏi rất nhiều người về triệu chứng của chồng, vợ chồng bà V được chỉ đi khám chuyên khoa Hô hấp. Bác sĩ chẩn đoán, ông V mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, mức độ nhẹ nhưng để lâu thì sẽ nguy hiểm. “Bệnh quá lạ lùng, tôi chưa bao giờ nghe”, vợ ông V bộc bạch.

Theo GS.TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, ngưng thở khi ngủ là trong quá trình ngủ, người bệnh bị ngưng lưu thông không khí trên 10 giây, có lúc giảm lưu thông không khí gọi là giảm thở.

Các bác sĩ cho biết, hội chứng ngưng thở khi ngủ là rối loạn đặc trưng bởi sự ngưng thở từng lúc về đêm trong khi ngủ, có thể dẫn tới thiếu oxy máu và các tình trạng nguy hiểm khác. Vấn đề là, dù đây là tình trạng nội khoa thường gặp nhưng không được nhận biết.

Vì sao lại có tình trạng này? Ai dễ mắc?

Về mặt giải phẫu, bình thường đường hô hấp trên được nâng đỡ bởi các cấu trúc xương nhỏ, sụn bao quanh mũi và vùng hầu họng. Đặc điểm này giúp cho đường thở vẫn mở ra, không bị xẹp trong lúc ngủ, không khí vẫn lưu thông từ mũi và miệng vào trong phổi một cách dễ dàng.

Đối với người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, những thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng bị tụt vào trong đường thở, kèm theo kích thước của đường hô hấp trên bị giảm do sự phì đại quá mức của mô mềm bao xung quanh. Đường hô hấp trên bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn gây tắc nghẽn lưu lượng khí, kết hợp với giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp trong lúc ngủ và do đó gây ra ngưng thở.

Ngưng thở khi ngủ có thể được quan sát bởi những thành viên trong gia đình. Các triệu chứng rất đặc trưng như: Ngủ ngáy, ngáy to; hay buồn ngủ vào ban ngày; thức giấc nhiều lần trong đêm; đi tiểu đêm nhiều; đau đầu buổi sáng; giảm trí nhớ, kém tập trung khi làm việc...

Các trường hợp mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ gặp cả cháu bé, thậm chí còn rất ít tuổi, thanh niên và người trung tuổi, người lớn tuổi. Trong đó, trẻ em hay gặp ở nhóm có liên quan bất thường đến căn nguyên tai-mũi-họng. Đặc biệt, đối tượng trẻ em thừa cân béo phì cũng rất lớn do tình trạng lười vận động, sử dụng thức ăn nhanh khá phổ biến. Đối tượng thanh niên béo phì, thừa cân, người lớn tuổi tăng huyết áp... cũng là đối tượng dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Ngoài ra, nam giới thường xuyên hút thuốc lá; dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc an thần; phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng là nhóm đối tượng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Dù là tình trạng rất nhiều người mắc phải, nhưng không phải ai cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng để đi khám.

Ngưng thở khi ngủ khiến người bệnh ngủ không sâu, không hồi phục được sức khỏe sau khi ngủ, ban ngày thì buồn ngủ, khiến người bệnh không tập trung. Thậm chí nhiều người ngủ gật ban ngày, không cưỡng được cơn buồn ngủ ập đến. Với trẻ em thường không tập trung trong học tập, người lớn thì ảnh hưởng tới lao động, nhất là các công việc đòi hỏi sự chính xác, tập trung, đặc biệt nguy hiểm với những người đang tham gia giao thông.

TS Ngô Quý Châu phân tích thêm, khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... từ đó gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp, có nguy cơ mạch vành, mạch máu não, có thể bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não. Chính vì vậy, ngưng thở khi ngủ về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột tử.

Nếu trong gia đình có người thường xuyên ngáy, ngáy to; hay buồn ngủ vào ban ngày; thức giấc nhiều lần trong đêm; đi tiểu đêm nhiều; đau đầu buổi sáng; không biết mình có ngủ được hay không; giảm trí nhớ, kém tập trung khi làm việc... thì nên đi khám chuyên khoa Hô hấp để chẩn đoán tình trạng bệnh.

Những căn nguyên chính dẫn đến bệnh lý hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ:

- Người mắc bệnh béo phì.

- Người có hàm dưới tụt vào trong (móm hay cằm lẹm) dễ gây xẹp đường thở trên.

- Người mắc các căn bệnh mãn tính như: Phổi mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, các bệnh lý về thần kinh cơ.

- Người hút thuốc lá lâu năm và với tần suất cao có thể mắc phải các bệnh lý về tăng huyết áp, hô hấp, suy tim, đái đường mãn tính có nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đường thở.

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image