Tình thương níu ở lại
Bệnh nhân Lò Văn Thu (5 tuổi, Sơn La) mắc bệnh lơ-xê-mi (ung thư máu), đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Khi nhập viện, mắt phải của bé Thu sưng to, lồi hẳn ra bên ngoài, mới thoạt nhìn thôi có thể cảm nhận được nỗi đau đớn của đứa trẻ. Chị Bun (mẹ Thu) hơn 20 tuổi, người dân tộc Xinh Mun, không hiểu hết về bệnh tình của con. Con đau, con khóc chị cam chịu, có lúc cũng cố gắng dỗ dành, nhưng đứa trẻ không thôi đau đớn, quấy khóc. Cháu bé còn bị rối loạn tiêu hóa, không ăn uống được gì, sức khỏe ngày một yếu đi, người mẹ trẻ cũng chỉ bất lực đứng nhìn con.
Công tác xã hội trong bệnh viện - kết nối những tấm lòng
Biết được hoàn cảnh của cháu bé và gia đình, nhân viên công tác xã hội (CTXH) đã đến với người bệnh, cùng thăm nắm tình hình, tìm hiểu lối sống và nhu cầu của bệnh nhân để hỗ trợ kịp thời. Chị Bun được nhân viên CTXH hướng dẫn từ cách giặt khăn mặt, lau rửa vệ sinh cho con đến việc chăm cho con ăn uống để đảm bảo sức khỏe trong quá trình điều trị. Cùng đó, những khó khăn về điều kiện gia đình cũng được nhân viên CTXH tìm hiểu kỹ lưỡng, hỗ trợ tháo gỡ hợp lý. Những phiếu ăn dinh dưỡng, những bữa ăn miễn phí được phục vụ và cả những chi phí tàu xe đi lại cũng được hỗ trợ. Việc chăm sóc con của chị Bun trở nên đơn giản, dễ dàng hơn. Cháu bé được bác sĩ yên tâm điều trị hiệu quả, bệnh tình nhờ đó thuyên giảm hơn.
Người bạn tâm tình
Đối với bệnh nhân gặp phải bệnh hiểm nghèo, việc ổn định tâm lý là yếu tố quan trọng giúp họ có được niềm tin trong suốt quá trình điều trị bệnh. Và những người làm công tác xã hội trong bệnh viện đã giúp họ vượt lên số phận để chiến thắng bệnh tật. Thăm hỏi, chia sẻ, động viên bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, nhất là bệnh nhân nặng đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Viện Tim mạch, Khoa Hồi sức tích cực là công việc thường lệ của những người làm công tác xã hội và chuyên viên điều trị tâm lý của Bệnh viện Bạch Mai. Việc làm này từng bước góp phần giúp tâm lý bệnh nhân được ổn định, bớt lo lắng. BSCKII Phạm Thị Bích Mận - Trưởng phòng Công tác xã hội Bạch Mai vẫn còn chưa quên câu chuyện một bệnh nhân ở Hà Tây (cũ) điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân này phải lọc huyết tương đến 20 lần, gia đình vì quá neo đơn, vay mượn được ít tiền chỉ vừa đủ trả tiền giường, BHYT lại không có… Người nhà đã tính quẫn là xin về để chờ ngày đẹp… về với tiên tổ. Cán bộ công tác xã hội đã gặp gỡ trực tiếp động viên gia đình cùng phối hợp với thầy thuốc để người bệnh được yên tâm chữa trị. Như mưa dầm thấm lâu, với sự cố gắng không mệt mỏi của thầy thuốc trực tiếp chữa bệnh, gia đình đã cùng động viên người bệnh yên tâm điều trị vượt qua lằn ranh mong manh giữa tử thần với cuộc sống!
Hoạt động công tác xã hội đã được triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai với nhiều nội dung hỗ trợ như hướng dẫn thủ tục và quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân mới nhập viện, cung cấp thông tin, tư vấn các dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng, chuyển tải thông tin của người bệnh tới cán bộ y tế, giải quyết những thắc mắc về công tác điều trị và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh cùng gia đình họ. “Gần 2 năm chính thức được thành lập, phòng công tác xã hội của BV đã huy động từ các nhà hảo tâm được gần 10 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp đến tận tay người bệnh. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh, chúng tôi mong muốn là người bạn và là gạch nối giữa người bệnh với thầy thuốc”, BSmaan Phạm Thị Bích Mận chia sẻ.
Những nụ cười hạnh phúc của các bệnh nhân được hỗ trợ cả về mặt tâm lý, tinh thần và vật chất như trường hợp của bệnh nhân Thu ở trên cho thấy nhiều nhân viên CTXH đang làm việc bằng sự yêu nghề, bằng trách nhiệm sâu sắc, họ chính là những người kết nối yêu thương, cùng thúc đẩy nghề CTXH trong y tế phát triển, góp phần trong chăm sóc, điều trị, đem lại sự hài lòng, thân thiện cho người bệnh mỗi khi đến với bệnh viện.
Nguồn suckhoedoisong.vn