Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Ném tiền qua cửa sổ khi chữa 'bệnh lùn' cho con

Vì sinh thiếu tháng, bé Hà Tr nhỏ hơn các bạn cùng trang lứa. Mẹ bé luôn lo lắng và mong muốn con cao hơn một chút, mua các thực phẩm được quảng cáo kích thích chiều cao cho con.

Tốn hàng chục triệu, con vẫn không cao

Tâm lý muốn con cao lớn luôn hiện hữu trong đầu các ông bố bà mẹ, vì thế nhiều gia đình không tiếc tiền chi tiền ra mua các sản phẩm dinh dưỡng với hyvọng tăng chiều cao được cho con. Tuy nhiên, các bác sĩ đều khuyến cáo, thấp còi do thiếu hoóc môn tăng trưởng hoặc do bệnh lý khác thì rất khó có thể cải thiện bằng các thực phẩm dinh dưỡng, hoặc thuốc đường uống khác.

Bé Nguyễn Hà Tr., 8 tuổi trú tại Vinh, Nghệ An khi sinh ra thiếu tháng, bé chỉ nặng 1,9 kg nên so với bạn bè cùng lứa tuổi Hà Tr nhỏ hơn nhiều.

Bố mẹ của bé rất chăm sóc con, thường xuyên mua sữa hay bất cứ sản phẩm nào được quảng cáo tăng trưởng chiều cao cho con. Tuy nhiên đến năm 8 tuổi bé vẫn chỉ cao bằng đứa trẻ lên 5.

Chị Vũ Thị Mai mẹ của bé Hà Tr., cho biết chị đã đưa con đi khám ở các trung tâm dinh dưỡng bác sĩ cho biết cháu bị còi xương, suy dinh dưỡng và bù đắp bằng liệu pháp dinh dưỡng nhưng không có tác dụng.

Tháng 8 năm ngoái, chị Mai đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) khám. Sau khi làm các xét nghiệm, cháu được chẩn đoán là bị lùn do thiếu nội tiết tố tăng trưởng. Việc điều trị nội tiết tố tăng trưởng bằng được tiêm phải được thực hiện theo định kỳ dưới sự giám sát của bác sĩ.

bac-si-dung_171026385.jpg

PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo các bác sĩ, dù tỷ lệ trẻ bị lùn do thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng không nhiều, khi thấy con có dấu hiệu tăng trưởng chậm dưới 4cm/năm, cha mẹ cần chú ý để có thể đưa con đi khám kịp thời.

PGS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết trẻ bị thấp còi do thiếu hooc môn tăng trưởng có nhiều, nhưng mẹ và gia đình hay các bác sĩ dinh dưỡng đều không nghĩ đó là bệnh lý, mà chỉ coi ở vấn đề dinh dưỡng.

Có những bà mẹ tốn vài chục triệu mua thuốc quảng cáo tăng trưởng chiều cao cho con mà không có tác dụng. Bệnh lùn không chỉ xảy ra do trẻ sinh thiếu tháng mà ngay cả trẻ sinh đủ ngày, đủ tháng cũng dễ bị lùn do thiếu hooc môn tăng trưởng.

Cần chữa càng sớm càng tốt

PGS Dũng cho biết, trường hợp của bé Phạm Khánh L. 10 tuổi bị lùn do thiếu nội tiết tố, và các bác sĩ phải khám và điều trị kích thích tăng trưởng bằng cách bù hooc môn thiếu. Nhờ thế, đến nay bé tăng thêm được 6 đến 8 cm/năm. Những trẻ đáp ứng thuốc tốt có thể tăng khoảng 10cm/năm. Phương pháp này cung cấp lượng nội tiết tố tăng trưởng đều đặn để trẻ có chiều cao trưởng thành gần mức bình thường.

Bình thường ở trẻ có 3 giai đoạn phát triển chiều cao. Từ sơ sinh đến 3 tuổi, trẻ tăng 8-10 cm/năm; từ 3-10 tuổi ở bé gái và 3-13 tuổi ở bé trai, trẻ tăng 6-7 cm/năm và giai đoạn dậy thì có thể tăng vọt 8-12 cm/năm.

Tuy nhiên, khi đến tuổi trưởng thành, sụn đã đóng thì trẻ không thể tăng chiều cao được nữa. Vì thế khi cha mẹ thấy con không được cao như bạn bè cùng trang lứa, không phải di truyền nên cho con đi kiểm tra ngay, vì có thể bị lùn do thiếu hooc môn tăng trưởng.

PGS Dũng cho biết, đối với việc thiếu hooc môn tăng trưởng, điều trị càng sớm càng tốt. Hiện nay, chi phí điều trị hooc môn tăng trưởng còn cao. Một trẻ điều trị mất từ 50-80 triệu đồng/năm. Và trẻ phải điều trị trong vòng 2-4 năm tuỳ từng bé.

Điều này là vấn đề khó khăn của nhiều gia đình vì chi phí cao. Tuy nhiên, bỏ tiền ra mua các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo tăng chiều cao chỉ như ném tiền qua cửa sổ - bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Nguồn News.zing.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image