Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Ngăn chặn nạn trộm cắp ở bệnh viện: Nâng cao ý thức cảnh giác của người dân

Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn TP Hà Nội như: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức lúc nào cũng tấp nập người vào ra, trong đó có nhiều người đến từ các tỉnh xa.

Kết quả hình ảnh cho ngăn chặn trộm cắp ở bệnh viện

Ảnh minh họa

Lợi dụng tình trạng này, đạo chích đã trà trộn, nhân sơ hở của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để thực hiện hành vi trộm cắp, móc túi và lừa đảo. Chính vì vậy, Công an TP Hà Nội đánh giá đây là địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự, cần tập trung lực lượng để đấu tranh, ngăn chặn.

Muôn kiểu trộm cắp

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tôn Đạo, Trưởng phòng Bảo vệ An ninh trật tự, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Tài sản thường mất nhiều nhất là tiền và điện thoại. Nơi xảy ra mất thường là ở khu vực hiệu thuốc, thang máy, khu khám bệnh, khu điều trị và chủ yếu do các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp. Tại khu điều trị, đối tượng trộm cắp thường đi một mình và hoạt động từ 2 giờ đến 5 giờ sáng. Đó là khi người nhà trông bệnh nhân đã thấm mệt, thường ra hành lang trải chiếu nằm. Đối với khu khám bệnh, khu hiệu thuốc và thang máy luôn đông người, các đối tượng móc túi thường đi khoảng 2-3 tên. Thủ đoạn của chúng là quan sát kỹ "con mồi" từ xa, sau đó áp sát nạn nhân, xô đẩy hoặc đánh lạc hướng để đồng bọn thừa cơ rạch, móc túi".

Không chỉ có vậy, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của bệnh nhân và người nhà, nhất là những người từ tuyến tỉnh lên, các đối tượng đạo chích thường giả danh bác sĩ hoặc người nhà bệnh nhân, khoe có mối quan hệ, có thể lo được bảo hiểm, lo được bác sĩ tay nghề giỏi nhất hoặc đóng giả là người có bệnh cần đi khám để làm quen, làm thân, thừa cơ lừa đảo. Ngày 31-12-2016, Nguyễn Văn Điềm (sinh 1968), trú tại xã Đức Tín, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã bị lực lượng bảo vệ của Bệnh viện Bạch Mai bắt giữ. Tại cơ quan công an, Điềm khai nhận, do không có công ăn việc làm, lại thấy nhiều người ở tỉnh xa đến nên nảy sinh ý định lừa đảo. Điềm làm giả thẻ bác sĩ nội trú, ăn cắp được một bộ quần áo bác sĩ mặc lên người rồi đội mũ trắng, đeo khẩu trang y tế, đến phòng bệnh, tiếp xúc, hỏi han người nhà, bệnh nhân và ngỏ ý giúp đỡ. Tưởng Điềm là bác sĩ thật, người nhà bệnh nhân đã tin và đưa tiền. Số tiền chỉ vài triệu, nhưng đối với hầu hết người nhà bệnh nhân bị lừa đây là tài sản lớn, mà họ phải bán thóc, bán lợn mới có được.

16 giờ 30 phút ngày 2-11-2016, Vũ Thị Ngần (sinh 1972) ở khu 5 Tiền Hải, Thái Bình đã áp sát nạn nhân, dùng dao tem rạch túi áo lấy trộm 1.610.000 đồng. Khi bị bắt, thị Ngần khai, một ngày thường đi 5 đến 7 bệnh viện để trộm cắp, móc túi. Công an phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) đã lập hồ sơ chuyển đối tượng cùng tang vật về Công an quận Đống Đa xử lý theo thẩm quyền. 20 giờ 30 phút ngày 24-11-2016, Nguyễn Quang Vinh (sinh 1986) ở phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội đã lấy trộm túi xách tại Khoa Nội tiết - Bệnh viện Bạch Mai. Thấy bên trong túi có chìa khóa xe và vé xe của bị hại gửi tại bệnh viện nên đã vào bãi xe tìm và lấy trộm xe máy nhãn hiệu Piagio màu trắng. Bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an phường Phương Mai đã phối hợp với Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Đống Đa tiến hành bắt giữ đối tượng ngày 30-11-2016.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, có không ít vụ việc trộm cắp tại các bệnh viện là người nhà bệnh nhân lấy của nhau do để hớ hênh tài sản, nảy sinh lòng tham.

Chung tay ngăn chặn

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Hanh, Phó trưởng Công an phường Phương Mai: “Thời gian gần đây, hầu hết các bệnh viện lớn đều áp dụng các biện pháp cảnh báo bằng chữ, bằng âm thanh, lắp đặt nhiều ca-mê-ra và có các lực lượng chức năng túc trực để đối phó với nạn trộm cắp. Song, do quá tải bệnh viện, lượng người đến khám quá đông, nên tình trạng trộm cắp, móc túi vẫn liên tục xảy ra. Trong năm 2016, đã có 25 vụ trộm cắp, móc túi và 2 vụ lừa đảo tại Bệnh viện Bạch Mai được điều tra khám phá. Hầu hết là đối tượng chuyên nghiệp và ban đầu đều kêu oan, chối tội; kiểm tra hành lý, tư trang mang theo cũng có một quyển sổ khám bệnh, nhưng trước các chứng cứ có được từ quá trình điều tra, xác minh, trinh sát và sự phối hợp của lực lượng chức năng, người dân, cùng việc trích xuất ca-mê-ra làm căn cứ đấu tranh, đối tượng mới nhận tội.

Theo một cán bộ điều tra viên, bắt đối tượng có hành vi phạm tội tại bệnh viện để xử lý hình sự thì khó nhất là bắt đối tượng móc túi. Chúng thường đi theo nhóm, khoảng 3 tên, lợi dụng các khu khám bệnh, hiệu thuốc, thang máy lúc nào cũng đông đúc và sự sơ hở của nạn nhân để móc trộm. Một tên móc được bao giờ cũng tuồn cho đối tượng đi cùng, khi bị phát hiện thì thả ngay xuống đất. Đối tượng đi cùng nữa thì vờ như nhặt được, giơ lên giả vờ hỏi có ai làm rơi không để chối tội cho đồng bọn. Trường hợp như vậy thì trên tay đối tượng không còn tang vật nên rất cần lời khai của các nhân chứng. Thực tế cho thấy, khi đối tượng móc túi có thể đông người biết nhưng luôn biến động, có khi bắt xong đối tượng thì nhân chứng đã đi... khiến rất khó đấu tranh để đối tượng nhận tội.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai đón tiếp khoảng 20.000 lượt người vào, ra. Lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân nên hầu hết bệnh nhân và người nhà đều lơ là, tạo điều kiện cho các đối tượng trộm cắp thực hiện hành vi phạm tội”. Về phía bệnh viện, ông Nguyễn Ngọc Hiền có lời khuyên với bệnh nhân và người nhà: “Luôn luôn đề cao cảnh giác, giữ gìn tài sản cẩn thận và khi bị mất cắp thì nên trình báo để lực lượng chức năng phối hợp phát hiện, bắt giữ đối tượng”. Được biết hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai có hệ thống ký quỹ và ngân hàng, giúp người bệnh và người nhà có thể yên tâm gửi tiền. Đồng thời, bệnh viện cũng tổ chức thu tiền qua thẻ để người dân không phải mang theo quá nhiều tiền mặt. Trong trường hợp xấu nhất là mất thẻ thì cũng không mất được tiền.

Vấn nạn trộm cắp tài sản trong khu vực các bệnh viện đã và đang gây bức xúc cho dư luận xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, các bệnh viện cần có quy định chặt chẽ hơn đối với người nhà bệnh nhân khi ra, vào thăm nom người bệnh. Cùng với đó, lực lượng bảo vệ cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và phối hợp với lực lượng công an xử lý những trường hợp vi phạm. Các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn từ xa… Song, quan trọng hơn cả là ý thức tự bảo vệ tài sản của mỗi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trước hết, mọi người cần nêu cao cảnh giác, khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn nên chủ động báo tin để các lực lượng chức năng có biện pháp xử lý.

Nguồn Qdnd.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image