Nhiều bệnh viện và Sở Y tế tỉnh, thành phố đã và đang rà soát lại quy trình và tăng cường kiểm tra việc vận hành chạy thận nhân tạo.
Theo Hội đồng chuyên môn, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bị tai biến, trong đó 8 người tử vong là do sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình lọc máu chu kỳ. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, nhiều bệnh viện và Sở Y tế tỉnh, thành phố đã và đang rà soát lại quy trình và tăng cường kiểm tra việc vận hành chạy thận nhân tạo.
Nguồn nước lọc được cho là nguyên nhân gây nên vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình.
Vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã cho thấy một số lỗ hổng có thể dẫn đến mất an toàn cho bệnh nhân. Trong đó, nguồn nước dùng để lọc máu chu kỳ phải đảm bảo độ tinh khiết cao, nhưng việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại Bệnh viện này lại phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị cung cấp thiết bị là Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. Được biết, một ngày trước khi xảy ra vụ tai biến, Công ty Thiên Sơn đã thuê một đơn vị khác đến sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Tiến sỹ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, từ vụ việc này cần giám sát năng lực người thực hiện bảo dưỡng các thiết bị y tế: “Thứ nhất, những người bảo dưỡng, bảo trì thiết bị y tế phải có chuyên môn nghiệp vụ. Thứ 2 là phải có tư cách pháp nhân, tức là người kỹ sư của bệnh viện hay đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng phải biết, phải có chứng chỉ hành nghề”.
Trong ngày 29/5 xảy ra tai biến đối với 18 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, phòng Vật tư của Bệnh viện này đã không tiến hành kiểm nghiệm nước theo quy định, trước khi vận hành lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ lỗ hổng này, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu hơn 10 cơ sở y tế có chạy thận nhân tạo rà soát lại quy trình thực hiện, để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự.
“Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các đơn vị này rà soát lại toàn bộ các quy trình, từ các thiết bị y tế phục vụ bệnh nhân, các vật tư tiêu hao, nguồn cung ở đâu, phải đảm bảo đúng quy định và rà soát các quy trình đã được ban hành và rà soát các cán bộ đã được đào tạo. Chúng tôi đã tổ chức hội nghị đối với các bệnh viện thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo (cả cơ sở công lập và tư nhân); đồng thời yêu cầu Bệnh viện Thận Hà Nội cùng các chuyên gia rà soát, xây dựng quy trình thống nhất trong ngành để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân” - ông Hiền nói.
Theo Bộ Y tế, từ năm 2014, Bộ đã ban hành hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo và hướng dẫn Quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận. Về nguyên tắc, trang thiết bị y tế trong bệnh viện đều phải được kiểm chuẩn, bảo dưỡng. Tùy theo mức độ và chủng loại thiết bị, giám đốc bệnh viện sẽ quyết định việc phối hợp với các đơn vị có chức năng thực hiện việc sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị y tế.
Văn Hải/VOV