Tập trung cho y tế cơ sở, xây dựng cơ chế tự chủ bệnh viện, quy định mức trần giá khám chữa bệnh theo yêu cầu… là những nội dung chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với Báo điện tử Chính phủ nhân dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng |
6 nhiệm vụ trọng tâm
Thưa Bộ trưởng, năm 2018, ngành y tế đặt trọng tâm thực hiện 10 nhiệm vụ quan trọng và đã có những kết quả tích cực. Xin Bộ trưởng cho biết, sang năm 2019, mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2019, ngành y tế tập trung triển khai các nhiệm vụ, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương số 20, 21-NQ/TW về công tác y tế, dân số, Nghị quyết 18, 19/NQ-TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới cơ sở y tế, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập… Cụ thể, ngành sẽ tập trung trong 6 vấn đề sau:
Thứ nhất, tập trung các hoạt động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, triển khai đồng bộ các giải pháp để các trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình…
Thứ hai, chủ động phòng chống dịch bệnh, tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dân số về thể chất, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống chính sách về khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các tuyến; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tăng sự hài lòng của người dân...
Thứ tư, tiếp tục thực hiện lộ trình giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí; tăng cường cơ chế tự chủ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đơn vị tự chủ; hướng tới bảo hiểm y tế và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư trong y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Thứ năm, đổi mới công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề y dược. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý quỹ bảo hiểm y tế; hoàn thành kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.
Thứ sáu, mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế. Phát triển công nghiệp dược, y học cổ truyền, tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng; quản lý chặt chẽ phòng khám tư nhân, cơ sở bán thuốc; phòng chống thuốc giả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngành Y tế tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Năm 2018 là năm Bộ Y tế đẩy mạnh y tế cơ sở. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế sẽ tập trung triển khai nhiệm vụ này như thế nào trong bối cảnh nút thắt chính của vấn đề y tế cơ sở là nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế và trong khoảng thời gian bao lâu chúng ta có thể bứt phá thành công?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngay từ đầu năm 2018, ngành y tế tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung quan trọng để y tế cơ sở thực sự trở thành nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam. Đến nay, qua 1 năm thực hiện, đồng thời với việc triển khai các khóa đào tạo y học gia đình, đào tạo quản lý tại các trạm y tế xã điểm (26 xã) và trạm y tế xã các tỉnh tham gia dự án ODA WB, EU, ADB; Sở Y tế, Trung tâm y tế huyện cũng kịp thời bổ sung và đẩy mạnh luân phiên cán bộ y tế cho trạm; các trạm y tế xã điểm đã bước đầu được sắp xếp lại công năng, sửa chữa, nâng cấp, thay đổi nội thất, trang bị thêm máy tính, đẩy nhanh tiến độ mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế theo danh mục và nhu cầu sử dụng; ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp; cung cấp phần mền quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối thanh toán bảo hiểm y tế và quản lý, báo cáo thống kê hoạt động của trạm; các nhiệm vụ của trạm y tế bước đầu được triển khai trên diện rộng theo nguyên lý y học gia đình.
Nhiều trạm y tế đã lập hồ sơ, quản lý sức khỏe cả nhân, trong đó Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đã lập hồ sơ quản lý khoảng 85% dân số. Đa số các trạm y tế đã triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm. Đến nay, đã có 9.655 trạm y tế xã triển khai quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt; 7.536 trạm y tế quản lý bệnh nhân động kinh. Tuy nhiên quản lý và điều trị số bệnh nhân tăng huyết áp mới được 13,6% và bệnh đái tháo đường được 28,9%.
Theo kế hoạch, đến hết quý I/2019, giải quyết cơ bản về cán bộ và trang thiết bị y tế cho 26 trạm y tế xã điểm và trạm y tế ở các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh thụ hưởng dự án WB, ADB, EU. Lộ trình đến 2025 bảo đảm khoảng 70% trạm y tế được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và đến năm 2030, toàn bộ các trạm y tế trong cả nước đủ điều kiện và thực hiện mô hình này.
Năm 2019 sẽ có quy định mức trần giá KCB theo yêu cầu
Thưa Bộ trưởng, câu chuyện tự chủ y tế tại các đơn vị y tế công lập hiện nay đang rất được dư luận quan tâm. Vậy Bộ Y tế có chủ trương tự chủ ra sao trong các cơ sở y tế để đảm bảo hài hòa lợi ích cơ sở y tế và người bệnh? Đến khi nào Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư quy định mức trần giá dịch vụ theo yêu cầu, để thực hiện thống nhất trong các bệnh viện công lập?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện công trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức lại bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính một cách có hiệu quả.
Bên cạnh những mặt tích cực, còn những mặt hạn chế trong việc giao tự chủ cho các bệnh viện như gia tăng chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, kéo dài thời gian nằm điều trị, có xu hướng tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí tối thiểu để tăng chênh lệch thu, chi. Do đó, Bộ Y tế cần có những giải pháp để công tác tự chủ tài chính của bệnh viện nói chung, trong đó có các bệnh viện công thuộc Bộ Y tế được tốt hơn trong thời gian tới, gồm:
Thứ nhất, phân loại đơn vị làm 4 nhóm: Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; Tự bảo đảm chi thường xuyên; Tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Trong đó, nhóm 1 là đơn vị đã đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách Nhà nước hoặc ngân sách Nhà nước đầu tư nhưng kể từ khi giao nhóm 1 phải tự đầu tư, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Thứ hai, phải xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý sử dụng tài sản, tài chính, nhân lực của bệnh viện.
Thứ ba, giao quyền tự chủ phải gắn với khả năng tự chủ tài chính của bệnh viện, mức tự chủ tài chính của bệnh viện cao thì được tự chủ cao hơn về tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính. Các đơn vị tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; tự bảo đảm chi thường xuyên có quy mô lớn phải có Hội đồng quản lý để quyết định các vấn đề mang tính chiến lược, các vấn đề quan trọng của bệnh viện;
Thứ tư, tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng; tăng cường vai trò giám sát của người lao động.
Thứ năm, phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý năng động, có năng lực quản lý, nắm chắc tư tưởng, đường lối của Đảng, Nhà nước về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ sáu, xây dựng, ban hành cơ chế giá dịch vụ gắn với đánh giá chất lượng bệnh viện, các bệnh viện được đánh giá chất lượng cao sẽ được hệ số giá cao hơn và ngược lại.
Bộ Y tế đang trong quá trình xây dựng để ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Thông tư sẽ quy định nguyên tắc tính giá được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư, giao cho Thủ trưởng đơn vị có tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu có trách nhiệm xây dựng và quyết định mức thu các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.
Riêng đối với các cơ sở y tế có sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, thủ trưởng đơn vị được quyết định mức thu không vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành. Dự kiến Thông tư sẽ ban hành và thực hiện trong đầu năm 2019.
Ngành y tế tiến tới làm tăng sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Giảm nằm ghép bệnh nhân từ 58% còn 16%
Thưa Bộ trưởng, một vấn đề trăn trở nhiều năm của ngành y tế là giảm quá tải bệnh viện. Chính phủ đã giao Bộ Y tế đến năm 2020 giải quyết căn bản tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến cuối. Theo đánh giá của Bộ trưởng, việc giải quyết quá tải bệnh viện đã đạt hiệu quả chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là nhiệm vụ của ngành y tế trong nhiều năm qua. Nhiều đề án quan trọng đã được chỉ đạo triển khai mạnh mẽ để giảm quá tải bệnh viện. Kết quả khảo sát trực tuyến trên 1 triệu người bệnh cho thấy, tỉ lệ khi điều trị nội trú đạt 75,6%, ngoại trú đạt 66,3%, nhiều bệnh viện có tỉ lệ người bệnh hài lòng tới 80-90%. Số liệu năm 2012 và 2018 cho thấy tỉ lệ bệnh nhân phải nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7% ở tuyến Trung ương; và ở tuyến tỉnh từ 47% xuống 11,4%.
Đây là sự chuyển mình ngoạn mục của ngành y tế, giảm tỉ lệ nằm ghép xuống hơn 3 lần, mang lại sự thoải mái và hài lòng cho người bệnh. Bên cạnh đó, mạng lưới 17 bệnh viện vệ tinh đã giúp giảm tỉ lệ chuyển tuyến Trung ương đối với chuyên khoa tim mạch, ngoại khoa là 98,5%, ung thư 97%, sản khoa 99%, nhi khoa 73%.
Hiện, tình trạng quá tải vẫn còn diễn ra ở Hà Nội và TPHCM và cần tiếp tục các giải pháp quyết liệt. Sắp tới, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đi vào hoạt động đồng bộ ở tất cả các khu vực sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến Trung ương.
Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy nhanh việc làm thủ tục khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, thì việc có cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người dân là rất cần thiết. Việc này sẽ được Bộ Y tế cập nhật hoặc phối hợp với các đơn vị y tế địa phương, các bệnh viện triển khai như thế nào? Các kết quả đạt được ra sao và lộ trình đến lúc nào có thể hoàn thành?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngày nay, công nghệ thông tin (CNTT) là bước đột phá của khoa học kỹ thuật, tác động và làm thay đổi tích cực mọi lĩnh vực trong đời sống của con người. Đối với y tế, hiện nay, việc ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, y tế từ xa (telemedicine), xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí…, giúp quá trình quản lý bệnh viện được minh bạch hóa, giảm thủ tục hành chính, giảm hời gian khám, chữa bệnh, giảm thời gian chờ mua thuốc, làm thủ tục xuất viện…, hiệu quả công việc cao hơn, người dân hài lòng hơn.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để các bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ thông tin y tế, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, chuyên môn; áp dụng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế vào các hệ thống công nghệ thông tin nhằm nâng cao việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã kết nối liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước giảm thiểu giấy tờ sổ sách tại trạm y tế xã/phường/thị trấn.
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng xong phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID).
Theo kế hoạch, từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019, sẽ triển khai và hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm.
Từ tháng 7/2019, triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Đến cuối năm 2019 sẽ hình thành hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân. Khi người dân đến cơ sở y tế, thầy thuốc ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ cần một click chuột máy tính sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó, giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn http://baochinhphu.vn