Những BN này có nguy cơ cao bị tăng hoặc hạ đường huyết quá mức, đặc biệt trong dịp Tết, một số phải nhập viện cấp cứu vì hiểu sai về điều trị insulin. Để có kỳ nghỉ Tết vui vẻ và khỏe mạnh, các bệnh nhân ĐTĐ cần chú ý những điểm sau:
A. TUÂN THỦ PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ INSULIN:
1. Luôn nhớ phải ăn sau khi tiêm từ 10 - 30 phút, tùy loại insulin. Không tiêm khi chưa có/chưa thấy đồ ăn. Tuyệt đối tránh tiêm xong rồi mới đi tìm/chế biến đồ ăn vì sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết
2. Ngay cả khi bị ốm, sốt, mệt nhiều hay ăn kém, buồn nôn cũng không được bỏ mũi tiêm insulin. Lưu ý là khi bị ốm sốt thì đường huyết sẽ tăng cao dù ăn ít hay không ăn
3. Không tự động bỏ hay bớt mũi tiêm insulin. Nếu không thể tiêm được trước ăn thì có thể tiêm bù vào ngay sau bữa ăn.
4. Các loại insulin đều có thời gian tác dụng nhất định, nên khi 1 mũi tiêm hết tác dụng thì sẽ cần đưa thêm vào 1 mũi insulin mới. Vì vậy dù ngày Tết thì bệnh nhân ĐTĐ vẫn cần tiêm đúng giờ như ngày thường, tất nhiên có thể sớm hoặc chậm hơn 30 – 60 phút.
5. Không được tăng liều thuốc uống để bù cho mũi tiêm insulin vì các thuốc uống đều có liều tối đa. Uống liều quá cao chưa chắc đã giảm được đường huyết mà lại gây tổn thương gan thận
6. Khi đi chơi xa cần tính toán để mang đủ số lọ/bút insulin kèm bơm/kim tiêm thừa ít nhất 2-3 ngày để phòng khi ở thêm hoặc trục trặc tàu xe thì vẫn có đủ thuốc. Tốt nhất là mang thêm 1 lọ hoặc 1 bút insulin mỗi loại
B. TIÊM INSULIN ĐÚNG KỸ THUẬT:
7. Tiêm đúng vị trí ở bụng (tiêm xa rốn, không phải quanh rốn) hoặc đùi (mặt trước ngoài)
8. Các mũi tiêm nên cách nhau 3 cm, không được tiêm nhiều mũi chỉ ở 1 vùng hay 1 vị trí
9. Dù trời lạnh vẫn phải bộc lộ rộng vùng tiêm để xác định chính xác vị trí tiêm và sát trùng đầy đủ
10. Thay bơm tiêm hoặc kim tiêm thường xuyên hoặc thay hàng ngày. Khi tiêm bút, nên bỏ kim sau mũi tiêm cuối ngày, không nên để kim tiêm gắn trên bút qua đêm
11. Không được vứt kim tiêm bừa bãi, phải có lọ đựng kim đã dùng để gửi đến chỗ hủy dụng cụ y tế
C. BIẾT CÁCH CHỈNH LIỀU INSULIN:
12. Duy trì đúng liều insulin bác sỹ kê nếu đường huyết đạt mục tiêu (đói từ 4,4 – 7,2 mmol/L và sau ăn < 11 mmol/L)
13. Cân nhắc tăng liều mũi insulin từ 1-2 đơn vị khi đường huyết (đo trước khi tiêm) cao hơn mục tiêu, ăn đồ ngọt, ăn nhiều bánh chưng hay cơm, thịt...
14. Cân nhắc giảm liều mũi insulin từ 2-4 đơn vị khi đường huyết (đo trước khi tiêm) thấp hơn mục tiêu, ăn ít hơn ngày thường, uống rượu nhiều, vận động nhiều hay leo núi...
D. BẢO QUẢN INSULIN:
15. Không cần bảo quản lạnh các lọ/bút insulin đang sử dụng. Lưu ý là lọ/bút insulin chưa sử dụng thì phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (từ 2-8 độ), nhưng lọ/bút đang dùng thì sau có thể để ở nhiệt độ dưới 30 độ C là được, do đó không nên cất lại vào tủ lạnh và cũng không cần để insulin trong phích đá hay túi có đá khô khi đi chơi xa/ dài ngày.
16. Khi đi chơi, tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào lọ/bút insulin
E. MỘT SỐ LƯU Ý KHÁC:
17. Bệnh nhân tiêm insulin cần có máy đo đường huyết cá nhân, và đo thường xuyên trong nưhnxg ngày Tết. Tốt nhất là có máy đo đường huyết liên tục (Continuos Glucose Monitoring – CGM)
18. Khi đi chơi xa, phải luôn có đồ ăn, kẹo... để ăn ngay khi đường huyết thấp hoặc đói nhiều
19. Những người đang phải tiêm nhiều mũi insulin hàng ngày thì không nên lái xe
20. Phải có ít nhất 1 người thân hoặc người đi cùng biết bệnh nhân đang tiêm insulin
Kính chúc các bác bệnh nhân đái tháo đường và Gia đình Ăn Tết vui vẻ, khỏe mạnh. Sau Tết các bác nhớ đi khám bệnh đúng hẹn. Địa điểm: Phòng khám theo yêu cầu, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, tại Tầng 4 nhà K1, BV Bạch Mai. Tổng đài đặt lịch khám: 1900.888.866
TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết Đái tháo đường