Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Nghề công tác xã hội trong bệnh viện: Kết nối người tử tế, san sẻ tình yêu thương

Một gia đình rất nghèo, bệnh trọng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, sau khi được Phòng Công tác xã hội kêu gọi vận động, hỗ trợ đã nhận hơn 200 triệu đồng từ các nhà hảo tâm. Gia đình này đã sẵn sàng tặng lại 50 triệu để hỗ trợ cho một gia đình khác đồng cảnh ngộ. Lòng tốt đã được sẻ chia…

 Bệnh viện Bạch Mai khám sàng lọc tim bẩm sinh cho học sinh trường Tiểu học Phúc Lợi (Lục Yên, Yên Bái), tháng 3/2018. Ảnh: TL

Bệnh viện Bạch Mai khám sàng lọc tim bẩm sinh cho học sinh trường Tiểu học Phúc Lợi (Lục Yên, Yên Bái), tháng 3/2018

Lan toả tình thương

Cuối tháng 3/2017, trang Facebook của Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) đăng tải thông tin chia sẻ về hoàn cảnh một gia đình gồm 3 người (ông Chu Văn Mai cùng vợ và con trai) ở Chi Lăng (Lạng Sơn) phải nhập viện cấp cứu, rất nguy kịch vì ngộ độc nấm. Cả gia đình không một ai có BHYT. Chỉ vài ngày sau khi vào viện, cậu con trai 30 tuổi vì bệnh quá nặng nên xin về nhà tử vong, để lại bố mẹ vật lộn giữa sự sống – cái chết và số tiền điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng chi trả cho việc điều trị với máy thở, kháng sinh, lọc máu, thay huyết tương...

Số tiền đó thật sự là quá sức đối với một gia đình người dân tộc, vùng sâu vùng xa, miếng ăn còn chạy từng bữa. Lời kêu gọi hỗ trợ bệnh nhân được phát ra, đầu mối là Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện. Hàng trăm nhà hảo tâm, chính quyền, người dân địa phương… đã tìm đến để san sẻ một phần gánh nặng cho gia đình bất hạnh này. Chỉ một thời gian ngắn, hơn 200 triệu đồng đã được trao cho hai vợ chồng.

Nhớ lại ngày đón bố mẹ ra viện, con gái ông Mai chia sẻ, suốt gần 3 tuần chăm sóc bố mẹ ở Trung tâm Chống độc, gia đình đã khóc cạn nước mắt vì không thể tin nổi sẽ có ngày bố mẹ cô đã được cứu sống. Rất xúc động vì niềm tin xã hội còn rất nhiều người tử tế, con gái ông Mai cho biết: “Sau này tôi cũng sẽ tham gia hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội vì nếu không có mọi người sẻ chia thì không có ngày đoàn viên này của gia đình tôi”.

Rơm rớm nước mắt, cô nhìn sang giường bên cạnh. Đó là hoàn cảnh của một bệnh nhân bị rắn độc cắn, gia đình rất khó khăn, không có BHYT như bố mẹ cô. Anh trai đã mấy lần viết đơn xin cho em về chấp nhận cái chết nhưng thấy bệnh nhân còn cơ hội sống, các thầy thuốc ở Trung tâm Chống độc đã cố gắng thuyết phục người nhà để bệnh nhân lại để tiếp tục điều trị. Chia sẻ khó khăn với người cùng cảnh ngộ, gia đình bệnh nhân Mai đã tận tay trao tặng lại số tiền 50 triệu đồng nhận được từ các nhà hảo tâm để giúp “giường bệnh hàng xóm” có tiền để chữa bệnh.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân không có BHYT, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) kết nối, kêu gọi hỗ trợ từ khi thành lập đến nay.

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Phòng Công tác xã hội không chỉ thực hiện các hoạt động từ thiện, hỗ trợ tiền cho người bệnh đơn thuần (năm 2017, phòng kêu gọi được hơn 5 tỷ đồng - PV), mà còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội khác, hỗ trợ toàn diện cho người bệnh về các nhu cầu xã hội như đặt các thùng thu gom đồ dùng thất lạc, hỗ trợ thủ tục hành chính, BHYT…

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thực hiện các chuyến đi khám sàng lọc tim bẩm sinh, tặng quà và học bổng cho học sinh nghèo tại các tỉnh, kết nối nguồn lực để can thiệp cho các trường hợp được phát hiện.

Là một trong những bệnh viện đầu tiên thành lập đơn vị phụ trách công tác xã hội tại miền Bắc, tròn 10 năm qua, Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Nhi Trung ương) luôn được đánh giá là điển hình mẫu mực trong hoạt động này. GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm 2017, Bệnh viện tiếp đón gần 1 triệu lượt bệnh nhi đến khám, trên 90.000 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó quá 1/3 là các bệnh nhân nặng, khó. Tuy nhiên, BHYT chi trả chỉ khoảng 50% phí điều trị. “Nếu không có công tác xã hội trợ sức, bệnh viện không thể hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bệnh nhi”, GS.TS Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Chăm sóc y tế + chăm sóc xã hội = Chăm sóc sức khoẻ toàn diện

Theo GS.TS Lê Thanh Hải, tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện có hàng chục bệnh nhi mắc bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hiếm gặp, phải điều trị vô cùng tốn kém. Có bệnh nhi chi phí điều trị trong 1 năm lên tới trên 12 tỷ đồng, riêng tiền thuốc đã tốn hơn 1 tỷ đồng, trong khi chi trả từ bảo hiểm y tế còn rất hạn chế…

“Nếu không có công tác xã hội, xã hội hóa, huy động nguồn quyên góp ủng hộ từ xã hội, sự chung tay giúp sức từ các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội thì các bệnh nhi nói trên không thể có cơ hội được điều trị, không thể cứu chữa được. Mỗi năm tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhờ làm tốt công tác xã hội, có hàng nghìn bệnh nhân nghèo được hỗ trợ chi phí điều trị, hàng triệu đơn vị máu từ người hiến, hàng triệu suất ăn miễn phí cho người bệnh nghèo”, GS.TS Lê Thanh Hải chia sẻ.

Được biết, từ con số kêu gọi xã hội hóa, tài trợ rất khiêm tốn vào khoảng 150 triệu đồng năm 2009, đến nay mỗi năm Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã kêu gọi được trên dưới 20 tỷ đồng để chăm lo cho bệnh nhi nghèo. Đây cũng là cầu nối quan trọng giữa bệnh viện với người bệnh, giữa các doanh nghiệp, nhà hảo tâm với bệnh viện và giữa người bệnh, người nhà bệnh nhân với nhau.

Th.S Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo các bệnh nhân khó khăn được chăm lo tinh thần, đủ kinh phí điều trị, đặc biệt là không cô đơn, không bị bỏ lại phía sau, những người làm nghề công tác xã hội phải “đi sớm, về muộn”, san sẻ một phần thời gian dành cho bản thân, gia đình, con cái.

Bất kể ngày lễ, Tết, họ đều phải sẵn sáng đáp ứng công việc, thậm chí, ngày lễ, Tết còn bận rộn hơn bởi lúc này, người bệnh rất “dễ cô đơn”. Bên cạnh đó, những người làm công tác xã hội cũng phải “rất tỉnh táo” để những nguồn ủng hộ được đến đúng người, đúng địa chỉ, tránh tình trạng một số trường hợp cha mẹ bệnh nhi biến con em mình thành “cần câu cơm” xin tiền từ thiện.

Trên thế giới, nghề công tác xã hội đã có tuổi đời hơn 100 năm, nhưng ở Việt Nam, đây vẫn là nghề mới mẻ. Trong lĩnh vực y tế, từ năm 2008, Bộ Y tế đã thử nghiệm bước đầu mô hình phòng công tác xã hội ở một số bệnh viện như: Nhi Trung ương, Ung bướu TPHCM, Bạch Mai, Chợ Rẫy… Từ năm 2011 đến nay, hầu hết bệnh viện tuyến Trung ương thành lập phòng công tác xã hội; hơn 80% bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện huyện và bệnh viện tư nhân cũng phát triển Phòng Công tác xã hội.

Lãnh đạo nhiều bệnh viện lớn của cả nước khẳng định, sự phối hợp chặt chẽ giữa chăm sóc y tế và chăm sóc xã hội là mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện tại các viện, nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện và sự hài lòng của người bệnh. Đặc biệt, nhiều bệnh viện đã tổ chức công tác xã hội rất tốt như có tổ hỗ trợ người bệnh tại phòng khám, tại các điểm tiếp đón người bệnh để giúp người bệnh tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ mà bệnh viện cung cấp. Hình ảnh ngành Y tế đã được cải thiện rất rõ rệt.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho hay, nhân lực ở Phòng Công tác xã hội, bộ phận công tác xã hội trong bệnh viện ở nước ta còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với nhân lực hiện có của bệnh viện.

Trong khi, với nhân lực làm công tác xã hội, tối thiểu phải chiếm từ 1 - 2% tổng số nhân lực của bệnh viện và được đào tạo bài bản. Họ không chỉ vận động tiếp nhận tài trợ, kết nối dịch vụ mà còn là người hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân; Hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế; Hỗ trợ chăm sóc hàng ngày cho người bệnh; Hỗ trợ pháp lý cho người bệnh; Truyền thông quan hệ cộng đồng… Để làm được điều này, TS Nguyễn Hồng Sơn cho hay Bộ Y tế sẽ xây dựng và hoàn thiện chương trình, tài liệu đào tạo, tài liệu tham khảo về công tác xã hội trong ngành Y.

Bộ Y tế cho biết đến hết năm 2020, Phòng Công tác xã hội sẽ được thành lập tại 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 60% bệnh viện tuyến tỉnh và 30% các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện có thành lập Phòng Công tác xã hội.

Nguồn Giadinh.net.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image