Nói đến GS.TS.BS Nguyễn Gia Bình, trong ngành y có lẽ hầu hết mọi người đều biết ông là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hồi sức tại Việt Nam. Ông đã gắn với nghiệp này đến nay đã hơn 40 năm. Ông từng giữ chức vụ Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bệnh Mai (Hà Nội) trong nhiều năm liền.
Trong cuộc chiến chống với COVID-19 vừa qua, GS.TS.BS Bình với vai trò là tổ trưởng tổ hội chẩn các bệnh nhân nặng COVID-19, ông và các cộng sự đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng phác đồ điều trị bệnh. GS.TS.BS Bình được nhiều các thế hệ bác sĩ yêu mến gọi là. Ông cũng từng được dân mạng thân thương gọi là “bộ não” điều trị COVID-19 của Việt Nam.
Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có dịp trò chuyện cùng GS.TS.BS Nguyễn Gia Bình bên lề Hội nghị Hồi sức cấp cứu chống độc mới đây tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).
PV: Thưa GS.TS.BS Nguyễn Gia Bình, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, cộng đồng mạng đã nhiều người phong ông là “bộ não” điều trị COVID-19 của Việt Nam, ông có suy nghĩ gì về điều này?
GS.Nguyễn Gia Bình: Không phải như thế đâu, còn rất nhiều các thầy, cô và các chuyên gia khác. Tôi cũng đã chia sẻ trên facebook cá nhân của mình, tôi chỉ là một thành viên trong đội ngũ hàng triệu người Việt Nam tham gia phòng chống dịch thôi. Hãy ghi nhận nỗ lực cứu chữa thành công của những đồng nghiệp tuyến đầu, ngày đêm vượt khó khăn, vất vả và nguy hiểm để giành giật sự sống cho người bệnh, cònchúng tôi chỉ là những người đứng đằng sau. Cảm ơn các bạn đã dành tình cảm đó cho tôi, nhưng tôi chỉ là một bác sĩ “Hai lúa” mà thôi.
PV: Bác sĩ “Hai lúa”?. Tôi được biết ông là một người Hà Nội gốc, thuộc hàng trí thức nhưng sao lại tự gọi mình như vậy?
GS. Nguyễn Gia Bình: (Cười) Tôi thực sự là bác sĩ “Hai lúa”. Tôi sống đơn giản, chân phương và chuyên tâm vào chuyên môn, cần mẫn như một anh nông dân, nên có sao nói vậy. Tôi thấy mình phù hợp với tên gọi đó và thích điều đó.
PV: Với thâm niên gần 40 năm tuổi nghề, ông đã truyền cảm hứng cho các thế hệ bác sĩ sau mình như thế nào. Để họ gắn bó, cống hiến với một nghề mà rất vất vả, lại luôn thầm lặng phía sau?
GS.TS Nguyễn Gia Bình: Tôi cũng chẳng có bí quyết gì cả. Chỉ là có kiến thức, kinh nghiệm gì thì mình chia sẻ cho các bạn. Ví dụ, trong các buổi hội chẩn chuyên môn của khoa hoặc của bệnh viện và bây giờ là hội chẩn trực tiếp qua hệ thống Telehealth với các đồng nghiệp tuyến trước, tôi luôn nói với các bạn đồng nghiệp rằng: Nghề của chúng ta là cứu người, và luôn không ngừng cập nhật kiến thức mới. Nếu các bạn không tự làm mới mình thì các bạn sẽ tụt hậu. Nếu các bạn chăm chỉ hơn, chịu khó hơn và chủ động hơn, các bạn sẽ nhận được nhiều kiến thức và tự tin hơn. Đặc biệt, khi các bạn phải làm việc trong môi trường còn nhiều khó khăn như : thiếu dụng cụ , máy, xét nghiệm, thiếu cập nhật thường xuyên, thiếu sự giúp đỡ của các đồng nghiệp đi trước có kinh nghiệm hơn, điều kiện sống và làm việc của cá nhân cũng như gia đình vẫn còn khó khăn
Bên cạnh đó, khi tham gia các buổi hội chẩn trực tuyến các bạn bác sĩ tuyến dưới có thể đưa ra các chỉ định chưa được đúng lắm, tôi không trách hay cáu gắt. Tôi chỉ nói với các bạn ấy làm tốt rồi chỉ cần thay đổi một chút trong chẩn đoán và điều trị thì kết quả sẽ tốt hơn. Tôi muốn động viên và khích lệ tinh thần để các bạn tin tưởng hơn vào bản thân mình và có động lực hơn để làm việc và luôn tự học, tự nâng cao trình độ liên tục. Vì tôi biết có những khó khăn trăm bề, nhưng các bạn ấy cũng đã cố gắng rất nhiều để làm tốt nhiệm vụ của mình.
Ngày xưa, khi chúng tôi còn là sinh viên y đi thực tập ở bệnh viện hoặc mới đi làm, chúng tôi cũng bắt đầu công việc của một hộ lý, điều dưỡng. Sở dĩ làm công việc đó để chúng tôi có sự cảm nhận về hoàn cảnh của người bệnh. Từ đó chúng tôi có sự đồng cảm với bệnh nhân. Khi có sự đồng cảm với người bệnh, bạn sẽ ý thức và tự nhắc nhở mình mỗi khi đưa ra các chỉ định cho bệnh nhân.
Tôi cũng chia sẻ thêm, trong các chuyên ngành thì ngành hồi sức các nhân viên y tế làm việc rất vất vả luôn trong tình trạng quá tải. Bởi các bệnh nhân nằm hồi sức đều là bệnh nhân nặng người nhà không thể vào mọi việc chăm sóc bệnh nhân đều do các nhân viên y tế đảm nhiệm do đó họ thường xuyên làm thêm giờ, quá tải, sử dụng rất nhiều trang thiết bị, vật tư tiêu hao …Với cơ chế giá viện phí của các bệnh viện công như hiện nay thì các khoa hồi sức đang làm thâm hụt tài chính của bệnh viện, vì thế thường không được quan tâm đúng mức. Thu nhập cũng chưa xứng đáng với công sức bỏ ra, không đảm bảo được cuộc sống ổn định. Chúng tôi rất buồn khi hàng ngày có nhiều đồng nghiệp ra đi, chuyển đến noi làm việc mới nhẹ nhàng hơn thu nhập cao hơn, lứa sinh viên mới thì cũng ít theo ngành hồi sức cấp cứu, chống độc.
PV: Có thể nói ông đã “dành trọn cả tuổi thanh xuân” để gắn bó với chuyên ngành hồi sức cấp cứu, vì thế ông có rất nhiều thế hệ học trò. Chắc hẳn những dịp này nhiều học trò sẽ đến thăm và cảm ơn thầy?. Một câu hỏi hơi tò mò một chút vì sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
GS. Nguyễn Gia Bình: Tôi không nhận mình là thầy giáo và cũng không coi các bạn bác sỹ, các bạn học viên là học trò, mà tôi coi họ là đồng nghiệp của tôi. Tôi chỉ là người đi trước có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi chỉ truyền đạt lại cho các bạn đi sau.
Hàng năm vào dịp 20/11 cũng nhiều thế hệ bác sĩ đến chúc mừng tôi, nhưng tôi thường nói với các bạn không phải cầu kỳ, các bạn lại vất vả thêm. Quan tâm thì chỉ cần hỏi thăm và nhắn nhủ nhau một vài câu là được.
PV: Xin chân thành cảm ơn GS.TS.BS Nguyễn Gia Bình đã dành thời gian cho chúng tôi. Chúc ông mạnh khỏe và hạnh phúc!
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn