Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Ngộ độc chì - Tảng băng chìm

TS.BS Phạm Duệ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm 2012 là năm đỉnh điểm phát hiện các tình trạng bệnh nhân ngộ độc chì, tuy nhiên cho đến nay nó không hề giảm mà giống như tảng băng chìm, chúng ta chỉ nhìn thấy cái chóp của nó. Rất nhiều cháu bé bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam đã không được phát hiện kịp thời. Việc bán thuốc cam không rõ nguồn gốc, thuốc cam “rởm” vẫn tràn lan và nhiều bậc phụ huynh do thiếu hiểu biết vẫn đang vô tình “đầu độc” con mình đang là vấn đề đáng được báo động.

“Bồi bổ”hay “đầu độc”con?!

Phát hiện bị ngộ độc chì từ năm 2012, từ đó đến nay cháu N. T. T. H (4 tuổi) ở Ninh Hòa, Hoa Lư, Ninh Bình trở thành bệnh nhân thường xuyên của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Theo lời kể của chị H (mẹ cháu N.T.T. H), ở quê chị, gia đình nào có con nhỏ cũng mua thuốc cam cho uống để trẻ hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh... Cũng vì thế, ngay từ khi con mới được 1 tháng tuổi, chị đã mua thuốc này về “bồi bổ” cho con. Đến lúc con được 6 tháng tuổi, tự dưng chị thấy con hay bị nôn trớ và co giật nên đã đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong máu của cháu vượt quá ngưỡng cho phép nhiều lần. Ngay lập tức, bé H. được chuyển sang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị thải chì.

Chị H vừa chăm con, vừa mếu máo nói với chúng tôi: “Chỉ vì thiếu hiểu biết mà mình đã hại con. Thương cháu mới tý tuổi đầu đã ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Trí nhớ của cháu cũng không bằng các bạn cùng tuổi, học trước quên sau, 4 tuổi rồi mà vẫn chưa nhận biết và phân biệt được các màu sắc, chẳng biết sau này lớn lên sẽ thế nào nữa, liệu có phát triển bình thường hay không?”. Từ hoàn cảnh đau thương của mình, chị H mong muốn chia sẻ để các bậc phụ huynh hãy cẩn trọng khi cho con dùng thuốc cam để không dẫm lên vết xe đổ của mình. Tuy nhiên theo chị, ở quê cứ 10 cháu nhỏ thì có tới 8 cháu được bố mẹ cho dùng thuốc cam. Rất nhiều cháu bị co giật, nôn trớ nhưng họ không cho con đi khám và xét nghiệm ngộ độc chì. Mỗi lần con bị giật thì lại đưa lên bệnh viện tỉnh điều trị, hết giật thì về. Họ không đưa con đi khám và xét nghiệm chì vì họ không tin, họ nói trong người ai chả có chì!!

bs_nguyen.jpg 

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên đang thăm khám cho một cháu bé bị ngộ độc chì.

TS. BS Phạm Duệ cảnh báo: Triệu chứng của ngộ độc chì không đặc hiệu nên dễ bị nhầm với các bệnh khác. Rất nhiều trẻ ngộ độc chì nhưng không có biểu hiện lâm sàng, rất khó phát hiện và bị bỏ qua, do đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và tinh thần của trẻ. Nhẹ thì sẽ giảm chỉ số IQ, tức là chỉ số thông minh, ảnh hưởng đến khả năng học tập, tiếp thu kiến thức. Nặng hơn thì sẽ dẫn đến rối loạn về sự phát triển ý thức, rối loạn tâm thần của trẻ. Đặc biệt, những trẻ bị ngộ độc chì nặng hơn nữa sẽ bị trì độn, không có khả năng học tập, không có khả năng tự phục vụ mình và nhận biết về xung quanh, giống như những trẻ bị bệnh Down (trì độn bẩm sinh).

Nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc chì

Ths. BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chì tồn tại ở rất nhiều nơi trong môi trường: sơn có chì, bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm chì, làng nghề, nước, không khí do xăng dầu có chì, thực phẩm như đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì…Chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, tiêu hóa, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng đặc biệt là xương và tủy. Để tự thải trừ một lượng lớn chì ra khỏi cơ thể phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm ở các làng nghề tái chế chì từ ắc quy, khai thác quặng chì, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc “cam” dạng bột hoặc viên (đặc biệt lại có màu vàng, cam, đỏ, hồng)cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc chì. Vì vậy khi trẻ có dấu hiệu bất thường, dễ cáu gắt, giảm trí nhớ, kém thông minh; mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, da tái do thiếu máu, thường có những cơn đau bụng cấp (đau bụng chì), viêm thận kẽ… thì rất có thể đó là dấu hiệu của ngộ độc chì.

Theo các chuyên gia, chì là một chất cực độc, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, khi vào cơ thể nó theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… khiến trẻ đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt thần kinh mắt, mất tiếng nói. Sau đó, trẻ có thể co giật từng cơn, vì thế dễ nhầm với bệnh động kinh. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị hôn mê và tử vong.

Nguy cơ ngộ độc chì còn từ các hoạt động đời sống hàng ngày chứ không chỉ do uống thuốc cam. Trẻ em cũng có thể bị ngộ độc chì do ngậm đồ chơi có pha chì hay ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì, uống nước dẫn qua đường ống pha chì, hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm bình ăcquy... Trẻ em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn, hầu hết là do nuốt phải vật có chứa hàm lượng chì khá lớn (sơn, thức ăn nhiễm bụi chì hoặc chì thôi ra từ vật đựng thức ăn, nước uống, ngậm hoặc mút tay bốc những đồ chơi sơn chì), ngậm pin có chì.

Các bác sĩ khuyến cáo để tránh nhiễm độc chì cần chú ý cải thiện điều kiện sinh hoạt và làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó có thể xâm nhập vào cơ thể. Cha mẹ cần lưu ý xem đồ dùng sinh hoạt như cốc thủy tinh, chén bát nhựa, đồ chơi trẻ em... in hình màu mè sặc sỡ có chứa nồng độ chì quá giới hạn cho phép hay không. Cha mẹ cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ bị nhiễm độc chất từ việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Tốt nhất không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt. Bố mẹ làm công việc liên quan đến chì thì khi về nhà nên tắm rửa trước khi tiếp xúc với trẻ. Đặc biệt, không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam mua của những ông lang, bà mối bán ở chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh. Nếu con có biểu hiện bất thường, nên đưa con đi khám để được các bác sĩ hướng dẫn chữa bệnh cụ thể.

Bài, ảnh: Mai Thanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image