PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, là tấm gương sáng trong việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, được nhiều người biết đến với những đơn thuốc không kháng sinh mà vẫn đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh.
Nhìn PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng tất bật thăm khám, nhưng vẫn dịu dàng, tận tình quan tâm, đủ biết vì sao ông lại “được lòng” các bệnh nhân nhi đến vậy. Dáng người gầy, cao với mái tóc pha chút “nghệ sĩ” và nụ cười thân thiện, tính cách vui vẻ, khiến ai gặp ông cũng thấy thật dễ gần. Không chỉ giỏi chuyên môn, với tinh thần, trách nhiệm cao, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng đã có nhiều đóng góp trong phòng chống kháng thuốc.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng. |
Là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, viết sách về kháng sinh, hơn ai hết, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng hiểu được những tác hại của việc lạm dụng kháng sinh, nhất là những trường hợp kháng đa thuốc nguy hiểm tới mức không còn biện pháp để cứu chữa. Vì thế, với ông, mỗi đơn thuốc khi kê cho bệnh nhân là tất cả tình thương và trách nhiệm của người thầy thuốc.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thăm khám cho bệnh nhân nhi. |
Tuy nhiên, việc giải thích cho bệnh nhân hiểu điều đó cũng không hề đơn giản. Vì nhiều người vẫn “hồn nhiên” nghĩ rằng, kháng sinh là thuốc để trị nhiều loại bệnh, mà không hiểu rõ tác dụng thực tế của nó chỉ được dùng trong các trường hợp bệnh gây ra do vi khuẩn. Thậm chí, nhiều khi ông còn phải đấu tranh với người bệnh để… không kê kháng sinh.
“Mới cách đây mấy hôm, có một phụ huynh dẫn con đến và kể rằng đứa trẻ có triệu chứng sốt 40 độ C đã 3 ngày và ho nhiều. Sau khi tôi thăm khám và chẩn đoán trẻ bị sốt vi rút và chỉ định chỉ dùng các thuốc điều trị triệu chứng, thì vị phụ huynh này thắc mắc tại sao tôi không kê kháng sinh, thậm chí còn “van vỉ”: “Bác kê kháng sinh cho cháu nhanh khỏi”. Lúc đó, tôi phải giải thích cặn kẽ rằng dùng kháng sinh trong trường hợp này không có tác dụng, lại còn phải dẫn chứng rất nhiều trường hợp mới có thể “khuất phục” được người nhà bệnh nhân”, PGS. Dũng kể.
Cũng theo PGS. Dũng, người thầy thuốc khi kê đơn cho bệnh nhân, ngoài nắm chắc các nguyên tắc về sử dụng kháng sinh và áp dụng cho hợp lý, còn phải có trách nhiệm rất lớn, phải đặt tương lai của bệnh nhân lên hàng đầu. Khi kê đơn cho bệnh nhân, là trong đầu ông đã phải lên một quy trình rất rõ ràng: Nếu nguyên nhân bệnh là do vi rút thì dứt khoát không kê kháng sinh, mà chỉ điều trị triệu chứng. Nếu phải chỉ định dùng kháng sinh thì chọn loại kháng sinh, liều lượng phù hợp, làm sao để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu nhất, đặc biệt là tư vấn, dặn dò bệnh nhân thực hiện đúng theo đơn, đúng thời điểm, và theo dõi những diễn biến cơ thể khi dùng thuốc.
“Phải làm sao để mỗi lần kê xong đơn thuốc, người thầy thuốc không phải lăn tăn, day dứt mà cảm thấy thật thoải mái vì mình đã làm tròn nhiệm vụ là đặt sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Nguồn baotintuc.vn