Trong lĩnh vực dược phẩm, tâm lý sính thuốc ngoại lâu nay vẫn còn đè nặng trong nhân dân và bắt nguồn từ việc kê đơn thuốc ngoại của một bộ phận không nhỏ các thầy thuốc.
Để người Việt dùng thuốc nội cần có cách gì?
Trong khi dược phẩm trong nước còn lép vế so với sản phẩm nhập khẩu ngay tại thị trường Việt Nam thì thuốc nội vẫn còn phải xếp hàng sau những dược phẩm đắt tiền có nguồn gốc nhập khẩu.
Toàn cảnh thị trường dược Việt Nam
Ngành dược là một ngành kinh doanh có điều kiện. Về mặt luật pháp, ngoài việc chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật áp dụng chung cho các ngành kinh tế như luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật cạnh tranh... ngành dược còn chịu sự điều chỉnh của Luật dược. Về mặt quản lý nhà nước, ngoài chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý kinh tế nói chung, ngành dược còn chịu sự quản lý của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế. Mặc dù hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp (DN) trong nước đã đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc đạt các tiêu chuẩn GPs, ISO 9001: 2000, tuy nhiên sức cạnh tranh của các sản phẩm của các DN dược trong nước chưa cao, tỷ trọng sản xuất phần lớn là các thuốc có giá trị thấp, chưa sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc hiệu có kỹ thuật khó, hàm lượng chất xám, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao. Thuốc sản xuất trong nước mới đạt 51%, thuốc nhập khẩu còn chiếm tỷ lệ 49%.
Cục Quản lý Dược cho biết, tính đến nay đã có 438 DN dược nước ngoài đăng ký hoạt động tại VN. Những quốc gia có nhiều công ty dược phẩm cũng như số đăng ký thuốc nhiều nhất trên thị trường Việt Nam là Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức... với hình thức phổ biến nhất là văn phòng đại diện và chủ yếu tham gia khâu nhập khẩu thuốc, chiếm tỉ lệ đến 70%. Trong khi đó, chỉ có 1/5 tổng số thuốc đang lưu hành tại Việt Nam được sản xuất bởi các công ty này. Các công ty dược nước ngoài đã vào Việt Nam chủ yếu thông qua hình thức liên doanh như giữa Công ty sản xuất Dược phẩm trung ương và Sanofi - Synthelabo của Pháp, Công ty Vinaspecia là liên doanh giữa Rhone - Poulenc (Pháp) với công ty XNK Y tế (VN), Stada VN là liên doanh giữa German Stada (Đức) và Công ty DP Khương Duy...
Cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp sản xuất trong nước
Người Việt dùng thuốc nội - Vấn đề nan giải?
Để các bệnh viện và người dân sử dụng thuốc nội theo chủ trương "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" cần có một chính sách quản lý vĩ mô từ khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối thuốc. Nếu thuốc nội không chiếm lĩnh được thị trường, không nâng cao chất lượng sản phẩm thì người bệnh vẫn sẽ không mặn mà với dược phẩm trong nước. Bên cạnh đó, cần có quy chế khuyến khích để các thầy thuốc kê đơn thuốc trong nước bởi vì việc dùng thuốc của người bệnh phụ thuộc vào bác sĩ. Hiện nay đa số các bệnh viện lớn đầu ngành ở các trung tâm trong cả nước đều có xu hướng sử dụng thuốc nhập khẩu rất nhiều khiến cho các thuốc ngoại càng có đất dụng võ. Tâm lý sính thuốc ngoại trong ngành y đang khiến cho người bệnh phải trả thêm những khoản không đáng có trong chi phí điều trị. Thuốc nội có lên ngôi được hay không trong chiến dịch "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" có lẽ lại phải bắt đầu từ ngòi bút kê đơn của các thầy thuốc tại các bàn khám bệnh trong cả nước.
Công nghiệp dược Việt Nam hiện đang đối mặt với tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực của quá trình mở cửa thị trường dược phẩm theo các cam kết quốc tế khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, dù được đánh giá là một trong những ngành có nhiều tiềm năng phát triển và khả năng mang lại lợi nhuận cao nhưng hiện chúng ta mới có một số ít doanh nghiệp tên tuổi trong gần 200 công ty dược phẩm của cả nước, và vẫn chưa có một "thương hiệu" nào được khẳng định trên thị trường thế giới. Nếu các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam không đầu tư đúng mực vào khoa học - công nghệ, nghiên cứu - phát triển và nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật, tiếp cận với trình độ quản lý của công nghiệp dược khu vực và thế giới thì thuốc nội vẫn còn lép vế trước thuốc ngoại và danh mục thuốc sử dụng trong bệnh viện cũng như các thuốc OTC vẫn chiếm đa số là thuốc nhập khẩu.
Lộ trình thực hiện GMP theo yêu cầu của "Chính sách quốc gia về thuốc" và "Chiến lược phát triển ngành dược" do Thủ tướng Chính phủ ban hành tuy đã đạt những thành quả bước đầu song cho đến nay số doanh nghiệp đạt GMP so với số doanh nghiệp chưa đạt GMP vẫn là một phân số mà tử số nhỏ hơn mẫu số nhiều lần. Việc để các sản phẩm của các nhà sản xuất đạt GMP và không đạt GMP song song lưu hành trên thị trường là một điều bất cập, không công bằng đối với người tiêu dùng và những nhà sản xuất đã nghiêm túc thực hiện GMP. Tình trạng này không góp phần vào việc làm lành mạnh hóa thị trường dược phẩm mà còn tạo điều kiện cho các dược phẩm không đạt chuẩn cạnh tranh không lành mạnh với các dược phẩm đạt chuẩn và làm nản lòng các nhà sản xuất nghiêm túc, đứng đắn bởi vì đầu tư cho GMP rất tốn kém và tất cả đều tính vào giá thành sản phẩm. Một giám đốc công ty dược tư nhân rất có kinh nghiệm trong thương trường về kinh doanh dược phẩm có nguồn gốc từ dược liệu trong nước đã cho biết: Nếu đầu tư GMP cho xí nghiệp dược phẩm thì giá thành sản phẩm của công ty rất khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của những doanh nghiệp không chịu đầu tư GMP. Ngay ở nguyên liệu đầu vào là các dược liệu thu mua của nông dân, nếu mua loại 1 thì có giá đắt gấp 3 lần cũng nguyên liệu đó loại 2. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các nhà máy đạt các chuẩn GMP, xây dựng hệ thống quản lý, công nghệ sản xuất, hệ thống phân phối... các doanh nghiệp dược trong nước cần phải có kế hoạch liên kết để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Một doanh nghiệp khó có thể làm tốt được tất cả các công đoạn của chu trình kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng cần thống nhất không sản xuất những mặt hàng đã có quá nhiều nơi khác làm. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác trong chuyển nhượng bản quyền sản xuất, gia công sản phẩm. Cần kiên quyết không cho nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước đã sản xuất trên dây chuyền GMP, giá thấp hơn mặt hàng cùng loại nhập khẩu, đã được thị trường chấp nhận, đáp ứng đủ cho công tác chữa bệnh. Trong phân phối có thể hợp tác là đại lý phân phối hàng sản xuất, hợp tác trong công tác đấu thầu để bổ sung năng lực, danh mục hàng, uy tín, mối quan hệ nhằm đạt hiệu quả trong việc quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp dược Việt Nam trên thị trường.
Theo nguồn: www.suckhoedoisong.vn