Có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 27/12, phóng viên chứng kiến rất đông bệnh nhi đang chờ khám ở các chuyên khoa hô hấp. Chị Nguyễn Thị Lệ, Cống Vị, Ba Đình nói, mấy hôm trước bé bắt đầu khò khè, hơi sốt, sổ mũi, nghĩ con chỉ bị nhẹ nên không đưa đi viện khám. Đêm qua khi trời chuyển lạnh, bé khó thở, thở nhanh, gia đình phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sỹ kết luận bé bị viêm phổi phải nhập viện điều trị.
Chị Lệ không phải là trường hợp cá biệt. Tại các phòng khám, chúng tôi thấy nhiều gương mặt lo lắng của các bậc phụ huynh khi con em cứ ho, sốt dai dẳng mãi, dùng các bài thuốc dân gian, thuốc ho bán trên thị trường đều không khỏi, đành phải đưa đi bệnh viện kiểm tra. Theo bác sỹ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khi thời tiết chuyển lạnh, số trẻ tới khám không có gì biến động quá nhiều so với thời gian trước, trung bình vẫn khoảng 2.500 trẻ đến 3.000 trẻ/ngày, song số trẻ nhập viện do các bệnh nặng lại có xu hướng tăng cao.
Không những chỉ mối lo viêm phổi đe dọa mà khi thời tiết lạnh, nguy cơ mắc cúm ở trẻ nhỏ cũng tăng cao. Bác sỹ Nguyễn Danh Đức, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Medlatec cho biết, cúm có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu lơ là và gặp các loại cúm virus có động lực mạnh, theo dõi và chăm sóc bệnh không đúng cách, bệnh cúm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết... gây suy đa phủ tạng và tử vong cho bệnh nhân rất nhanh.
Để phòng chống bệnh cho trẻ trong mùa đông, bác sỹ Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt - khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt lưu ý triệu chứng viêm mũi họng ở trẻ vì có nguy cơ biến chuyển thành viêm phổi. Theo đó, cha mẹ cần lưu ý 3 dấu hiệu là bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng.
Những bé có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen, viêm tiểu phế quản cần được đặc biệt quan tâm. Nếu bé có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú thì cần được đưa nhập viện ngay. Bởi hiện không ít phụ huynh chủ quan để trẻ ở nhà 2 - 3 ngày, khi vào viện thì đã chuyển viêm phổi.
Đột quỵ - Hung thần mùa đông
Đột quỵ trong mùa đông là bệnh lý rất nguy hiểm song hiện nhiều người còn quá thiếu kiến thức dẫn đến việc tăng nhanh ca đột quỵ và biến chứng nặng do bệnh gây ra. Theo Giáo sư Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, người cao tuổi sức đề kháng yếu nên gặp thời tiết giá rét hay mắc viêm họng mạn tính kéo dài, hoặc viêm mũi mạn tính rát, viêm phế quản, viêm phổi cấp tính…
Tuy nhiên khi thời tiết lạnh, người cao tuổi thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên họ dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm, đến khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng.
Ngoài ra, một số bệnh mạn tính kéo dài ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh. Song nguy hiểm phải nói tới chứng đột quỵ não ở người cao tuổi.
Do thói quen sinh hoạt, người cao tuổi hay đi vệ sinh về đêm, gặp gió lạnh đột ngột khiến người bệnh đột nhiên choáng váng, giảm ý thức, bại yếu một bên cơ thể. Trong các trường hợp nặng, người bệnh quỵ ngã đột ngột và bất tỉnh, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Bác sỹ Mai Duy Tôn, Trưởng phòng cấp cứu 1, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Có nhiều bệnh nhân đột quỵ ở vùng nông thôn do hiểu biết còn hạn chế nên thường được đưa đến viện muộn hoặc người thân sơ cứu không đúng cách khiến bệnh càng thêm nặng. Thậm chí, nhiều trường hợp cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, đến khoa cấp cứu thường có tình trạng là suy hô hấp do viêm phổi, nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến bệnh viện.
Kiều Việt Thành/GDTĐ