Hạ đường huyết là rào cản vô hình trong kiểm soát biến chứng cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
Tại hội thảo cập nhật đái tháo đường thường niên (VNDU) tổ chức ngày 9/7 ở Đà Nẵng, các bác sĩ đã thảo luận về cách tiếp cận đa chiều trong quản lý đái tháo đường tuýp 2. Nhiều chuyên gia cũng bàn luận về cách giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết (tình trạng lượng glucose trong máu thấp bất thường), gặp ở người đái tháo đường đang điều trị bằng một số loại thuốc viên tăng tiết insulin và insulin.
Người bệnh có nguy cơ hạ đường huyết nếu sử dụng thuốc không đúng cách; ăn ít tinh bột hơn chỉ định của bác sĩ; bỏ bữa hoặc ăn trễ hơn bình thường; hoạt động nhiều; uống thuốc hoặc tiêm quá liều insulin.
Bệnh nhân có thể hạ đường huyết từ nhẹ đến nghiêm trọng, đòi hỏi sự hỗ trợ của người khác. Hơn một nửa số trường hợp xảy ra vào ban đêm. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Bủn rủn tay chân, tim đập nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, bồn chồn, đói, mắt mờ, mệt mỏi, nhức đầu, căng thẳng... là những biểu hiện thường gặp khi hạ đường huyết. Triệu chứng đa dạng, nhưng khó phát hiện vào ban đêm.
Hội thảo cập nhật đái tháo đường (VNDU) tổ chức ngày 9/7 ở Đà Nẵng thu hút nhiều chuyên gia tham dự. |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khoa Diệu Vân, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cảm giác khó chịu và tâm lý sợ bị hạ đường huyết khiến một số bệnh nhân tự giảm liều insulin. Điều này càng dẫn tới việc kiểm soát đường huyết không tốt, tăng nguy cơ biến chứng về lâu dài.
Hạ đường huyết có thể làm tăng chi phí y tế. Trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện, thăm khám bác sĩ, điều trị nội trú, sử dụng que thử glucose máu thường xuyên hơn, mất năng suất lao động. Nghiên cứu thực hiện trên 1.153 bệnh nhân đái tháo đường tại Malaysia cho thấy, mỗi đợt nhập viện do hạ đường huyết nghiêm trọng có thể kéo dài đến 5 ngày.
Hạ đường huyết cũng ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người bệnh về thể chất, tinh thần, công việc, hoạt động xã hội, đi lại, du lịch... Trong một nghiên cứu quốc tế, cơn hạ đường huyết làm giảm 40% khả năng tập trung, 36% khả năng tham gia hoạt động thể dục thể thao của người đái tháo đường tuýp 2.
Hiện nay, kiểm soát đường huyết bằng thuốc viên và insulin là biện pháp chính phòng ngừa biến chứng của đái tháo đường. Tuy nhiên, tâm lý sợ hạ đường huyết của cả bệnh nhân và bác sĩ có thể là rào cản khó đạt mục tiêu điều trị. Người bệnh cần phải tăng nhận thức về hạ đường huyết và được hướng dẫn cách xử trí kịp thời.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng xem xét kết quả của chương trình nghiên cứu lâm sàng BEGIN và BOOST trên 11.000 người tham gia, gồm 6 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng, điều trị theo mục tiêu tại 30 quốc gia trên thế giới về insulin thế hệ mới chứa hoạt chất IDegAsp. Kết quả cho thấy liệu pháp giúp kiểm soát đường huyết, bên cạnh đó giảm nguy cơ hạ đường huyết.
Theo Vnexpress