Dù đủ điều kiện đưa con sang Singapore, Thái Lan điều trị nhưng anh vẫn quyết định đưa con gái N.K (1 tuổi, ở Phnompenh, Campuchia) sang Việt Nam, bởi bác sĩ tận tình tư vấn qua facebook.
Bốn ngày sau phẫu thuật dị tật vòng nhẫn, vết mổ trên bàn tay bé N.K. đã khô và được cha mẹ tranh thủ bế đến chào tạm biệt bác sĩ Nguyễn Xuân Anh - Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO trước khi lên xe về nước.
Cô bé cười khanh khách khi được bác sĩ bế vào lòng.
Cha bé N.K chia sẻ: “Ở Campuchia chưa có chuyên khoa vi phẫu, tôi đã tham khảo ý kiến bạn bè để tìm bác sĩ tốt phẫu thuật cho con. Trong lúc phân vân giữa hai phương án bệnh viện Singapore hay Thái Lan, tôi lại được người bạn thân gợi ý sang thử Việt Nam vì bác sĩ cũng giỏi”.
Tin tưởng người bạn này, người cha tìm hiểu trên mạng xã hội rồi kết nối facebook với bác sĩ Nguyễn Xuân Anh – người đã từng mổ nhiều ca dị tật vòng nhẫn siết để hỏi xin tư vấn.
Nghe bác sĩ “gật đầu”, anh nhanh chóng gửi hình ảnh chụp cận cảnh vòng nhẫn, bàn tay, bàn chân của con và vô cùng ngạc nhiên khi được bác sĩ trả lời cặn kẽ. Thấy đáng tin tưởng, người cha hỏi luôn lịch mổ của bác sĩ và bố trí để đưa con qua Việt Nam thăm khám và điều trị sớm.
Dị tật vòng nhẫn siết chặt cánh tay bé N.K
Bé N.K. khi mới sinh ra đã được phát hiện mắc dị tật bẩm sinh vòng nhẫn siết dạng nặng. Cả hai tay hai chân của bé đều có những vòng dây siết chặt khiến một phần tay chân bị thiếu máu nuôi.
Các ngón tay trên bàn tay phải của bé bị rụng 2 đốt tay và dính chùm ngay trong bụng mẹ. Ở bàn tay còn lại, các ngón tay cũng bị thiếu đốt, vòng nhẫn siết chặt cổ tay khiến bé không thể nắm duỗi các ngón tay.
Theo bác sĩ Xuân Anh, đây là loại dị tật bẩm sinh thường gặp. Ngay trong bào thai, nước ối hình thành các dây siết chặt tay chân bé, gây tổn thương nặng nề. Khi ra đời, bé ngày lớn lên, các cấu trúc cơ xương, gân cũng phát triển theo.
Trong khi đó, vòng nhẫn vẫn cứ không thay đổi kích thước. Do đó, cha mẹ nên cho bé mổ càng sớm càng tốt giải phóng các vòng thắt. Trường hợp bé N.K bị dị tật loại nặng, nếu không phẫu thuật sớm có thể gây hoại tử chi vì thiếu máu nuôi.
Gia đình và bác sĩ đã thống nhất tiến hành phẫu thuật ngay cho bé khi sức khoẻ bé cho phép. Các bác sĩ đã phải bóc tách từ từ nhằm tháo bỏ vòng nhẫn trên tay bé. Các ngón tay dính chùm được các bác sĩ tách ngón, tạo vạt da, tránh sẹo co rút về sau.
Cánh tay bé được giải tỏa khỏi vòng nhẫn sau phẫu thuật
Dưới bàn tay khéo kéo của các bác sĩ Việt Nam, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Sau mổ, tay bé thoát khỏi vòng nhẫn siết chặt, các mạch máu nuôi lưu thông tốt, vết thương khô: “Yếu tố quan trọng cho một ca mổ thành công là gia đình đặt niềm tin vào bác sĩ. Ca mổ của bé N.K đã có được yếu tố đó” – bác sĩ Xuân Anh khiêm tốn chia sẻ.Đây là phẫu thuật khó bởi bé còn quá nhỏ, vòng nhẫn siết chặt các cấu trúng quan trọng là xương gân, mạch máu. Chỉ một thao tác thiếu chính xác, bác sĩ có thể cắt trúng cấu trúc xung quanh của bé gây thương tổn về sau.
Tuy nhiên, bé N.K sẽ “tái ngộ” với bác sĩ Việt Nam khoảng 3-4 lần nữa để sửa chữa những dị tật còn lại. Bởi em bé 1 tuổi không thể chịu được thời gian gây mê quá lâu, cuộc mổ diễn ra trong thời gian ngắn chưa thể giải quyết hết các thương tổn.
Theo các bác sĩ, chỉ cần bác sĩ Việt Nam dần thay đổi thái độ phục vụ thì không chỉ có người bệnh trong nước hài lòng, mà còn thu hút cả người bệnh khắp các nước đến điều trị.
Vũ Quỳnh/PNVN