Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Nhận diện muỗi truyền sốt xuất huyết: Ưa nước sạch, đốt người từ 8-10 giờ sáng

Dấu hiệu nhận diện rõ nhất loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn khoang trắng - đen, đốt người từ 8 – 10 giờ sáng; ưa nước sạch, đẻ trứng trong vùng nước đọng sạch.

Chiều 24/7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ và sốt xuất huyết (SXH). Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng trong 7 tháng đầu năm 2017, số ca mắc được ghi nhận là gần 59.000 ca, gần 50.000 ca nhập viện, có 17 ca tử vong vì SXH.

Hà Nội là một trong những trọng tâm của dịch sốt xuất huyết năm 2017. Mỗi tuần số ca bệnh tăng từ 1.200-1.400 ca mới. Đã có 3 ca tử vong.

Các chuyên gia cho biết, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đốt người vào ban ngày, từ 8-10 giờ sáng, khác với loại muỗi truyền bệnh viêm não (đốt vào ban đêm).

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là loại muỗi vằn khoang trắng - đen

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là loại muỗi vằn khoang trắng - đen

Do đó, người dân phải tự bảo vệ để tránh muỗi đốt bằng cách xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để bảo vệ cả ngày lẫn đêm.

Mặc quần áo dài che kín tay chân khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi; Sử dụng thuốc diệt muỗi thận trọng khi sử dụng thuốc này đối với trẻ nhỏ và người già; Dùng các dụng cụ bắt muỗi và diệt muỗi vào ban ngày.

Cần dùng màn để tránh muỗi đốt trẻ em, người già và những người khác khi ngủ ban ngày.

Muỗi nhiễm virus gây bệnh khi chúng hút máu người bị bệnh. Màn chống muỗi và dụng cụ diệt muỗi sẽ giúp ngăn ngừa có hiệu quả để tránh muỗi đốt người và giúp ngăn chặn lây lan của vi rút sốt xuất huyết.

Muỗi truyền SXH là loại muỗi ưa nước sạch, không sống ở nơi cống rãnh, nước bẩn. Người dân cần phải chủ động phòng bệnh trước hết là diệt loăng quăng, lật úp tất cả các vật dụng có thể chứa nước sạch, diệt muỗi.

Để phòng muỗi sinh sản, cần đậy kín lu, vại, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ trứng. Hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra, thả cá để ăn lăng quăng, bọ gậy.

Không để ứ đọng nước ở các dụng cụ chứa nước mưa, chum vại vỡ, nếu có thì phải úp xuống. Rác thải như non bia, túi ni lông, vỏ sữa chua, rác thải… phải đem đốt hoặc chôn lấp.

Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu thực tế khi đi kiểm tra, phát hiện nhiều hộ dân trong nhà sạch nhưng ngoài vườn đầy các dụng cụ chứa nước đọng, như vỏ lon nước ngọt, vỏ hộp sữa chua… Đây đều là những vật dụng nước đọng là nơi muỗi SXH ưa đẻ trứng, loăng quăng.

Liên quan đến việc một số khoa, bệnh viện ngành truyền nhiễm tuyến trung ương bị quá tải vì người mắc SXH nhập viện quá đông, Bộ trưởng khuyến cáo, khi bị sốt cao dùng thuốc hạ sốt không đỡ, trong vùng dịch SXH nên vào viện gần nhất để khám. Tuyệt đối không đổ xô lên tuyến Trung ương bởi tình trạng quá tải nằm ghép khi có quá nhiều bệnh nhân sẽ gây nên tình trạng nhiễm chéo bệnh.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo phải phân loại bệnh nhân, phân tuyến cho các bệnh viện tuyến huyện, thành phố. Không thể để bệnh nhân SXH độ 1 – 2 nằm lẫn độ 3 – 4 sẽ khó trong việc giám sát, phát hiện nguy cơ biến chứng vì quá tải.

Võ Thu

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image