Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Những ngày đầu tăng viện phí: Ít xáo trộn vì người dân hiểu, bệnh viện lo

Sau một tuần kể từ khi Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế thực hiện tăng viện phí với nhóm người không có thẻ bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực thi hành, ghi nhận tại một số bệnh viện trung ương cho thấy hầu hết người bệnh đã được nắm bắt về thông tin điều chỉnh viện phí.

Các hoạt động khám, chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường, ít sự xáo trộn. Còn về phía bệnh viện, hầu hết các bệnh viện chưa triển khai tăng giá ngay từ những ngày đầu tháng 6. 

Lùi thời điểm tăng viện phí

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Người bệnh mong viện phí tăng, chất lượng dịch vụ cũng sẽ tăng theo, bệnh nhân không phải nằm ghép.

Tuy nhiên mới đây, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được lùi lại, theo lộ trình từng bước, có phân chia tiến độ, điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trao đổi với phóng viên, TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, BV đang chờ chỉ đạo của Bộ Y tế chứ chưa triển khai tăng viện phí ngay từ ngày 1/6.

“Chủ trương chúng tôi đã có rồi nhưng trước khi thực hiện thì phải có sự chuẩn bị chu đáo, phải triển khai bài bản, có lộ trình. Số người bệnh không có BHYT ở BV Bạch Mai chiếm tỷ lệ rất ít so với người có bảo hiểm nên việc tăng giá 

không ảnh hưởng quá nhiều đến việc điều trị. Vì thế, một mặt BV vẫn đang theo sát các chỉ đạo của Bộ Y tế, mặt khác cũng lên kế hoạch tổ chức triển khai làm sao để ít ảnh hưởng nhất tới người bệnh. Cụ thể, BV Bạch Mai sẽ thực hiện việc tăng viện phí đợt này theo lộ trình.

Chúng tôi sẽ phân nhóm bệnh nhân, tổ chức thành từng giai đoạn, tức tăng viện phí với từng nhóm và tiến dần tới tăng viện phí với tất cả người bệnh”, ông Dương Đức Hùng cho biết.

Tương tự BV Bạch Mai, hiện BV Việt Đức vẫn chưa tăng viện phí với người không có thẻ BHYT. Là BV hạng đặc biệt, thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Trong khi đó, các ca tai nạn đều rất hiểm nghèo, chấn thương sọ não, đa chấn thương, phải thực hiện phẫu thuật, nằm hồi sức cấp cứu dài ngày, một đợt điều trị thường vài trăm triệu đồng.

“Có khoảng 30 - 40% người vào cấp cứu ở BV không có BHYT. Với những bệnh nhân không có BHYT, viện phí chưa tăng đã là gánh nặng lớn rồi. Những ngày tới khi viện phí tăng, giường hồi sức cấp cứu gần 700.000 đồng/ngày, lớn hơn số tiền mua thẻ BHYT dùng trong cả năm”, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc BV cho biết. 

Trong những ngày đầu của đợt tăng giá viện phí, khảo sát tại một số BV tuyến Trung ương như BV Bạch Mai, BV K, BV Nhi,... hầu hết các BV chưa thực hiện điều chỉnh viện phí đối với người chưa có thẻ BHYT. Nhiều bệnh nhân khi được hỏi đều cho biết, họ đã nắm được thông tin điều chỉnh giá viện phí và giá dịch vụ y tế từ ngày 1/6.

Với họ, vấn đề đáng lo là khi áp dụng giá mới, bệnh nhân nghèo không có BHYT khó trang trải chi phí khám chữa bệnh, chắc chắn số bệnh nhân không đủ khả năng chi trả viện phí sẽ tăng nhiều. Mặt khác, chất lượng dịch vụ có thực sự tương xứng với mức giá hay không. 

Bệnh viện chủ động tăng chất lượng khám, chữa bệnh

Theo ghi nhận, lượng bệnh nhân đến các BV khá đông nhưng mọi hoạt động khám, chữa bệnh, thủ tục ra vào viện vẫn diễn ra trôi chảy, thuận lợi.

BV tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường đầu tư trang thiết bị, cải cách thủ tục hành chính... để người dân được phục vụ tốt nhất, nhanh nhất, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Như vậy, có thể thấy giá tăng nhưng về thực chất người bệnh sẽ được lợi. Trước hết là người bệnh được coi trọng, được đặt đúng vị trí là người trả tiền cho các dịch vụ còn BV là người phục vụ. 

Tại BV Xanh Pôn, trong ngày đầu tăng giá viện phí, bệnh nhân đến khám không có gì xáo trộn so với ngày thường, tuy nhiên lượng bệnh nhân đến khám ở BV rất đông sau khi BV nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhận được sự hài lòng của người dân. Được biết, trước đó, giờ khám của BV là 8h kém 15, giờ đã được đẩy lên sớm hơn là 7h.

Để tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân, hiện nay, BV Xanh pôn đã nhận đặt lịch hẹn khám bệnh qua mạng và qua điện thoại. Đồng thời để nâng cao chất lượng dịch vụ BV đã tự đầu tư phần mềm để tiếp thu ý kiến đánh giá của bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh.

TS. BS Nguyễn Tiến Quang - Trưởng khoa Điều trị A, BV K cho biết, hiện tại BV K đã giảm đáng kể thời gian chờ khám và có kết quả xét nghiệm. Tuyệt đại đa số các trường hợp đến khám thông thường được giải quyết trong ngày.

BV cũng tiến hành khám bệnh sớm từ 6h để đón tiếp và phục vụ người bệnh hiệu quả hơn, thời gian trả kết quả xét nghiệm sớm như kết quả xét nghiệm tế bào, giải phẫu bệnh trước kia 7- 10 ngày mới có kết quả, nay chỉ còn 3 ngày.

Thủ tục ra vào viện nhanh, thanh toán viện phí tăng bàn đón tiếp, bổ sung máy móc để không hẹn người bệnh sang ngày hôm sau. 

Như vậy, việc tăng giá dịch vụ y tế thống nhất trên toàn quốc sẽ khuyến khích các BV phát triển kỹ thuật y tế, đồng thời người dân được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật sẽ thống nhất tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh cùng hạng trên cả nước, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở khám, chữa bệnh, không phân biệt vùng miền. Việc chi trả từ tiền túi người dân sẽ giảm đi và giảm rất mạnh.

Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, nhất là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu, bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá dịch vụ y tế theo lộ trình và được Quỹ BHYT chi trả. Do đó, người bệnh sẽ không bị thu thêm những chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế.

Theo Pháp luật VN

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image