Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Những “trái ngọt” từ Đề án Bệnh viện vệ tinh

Mặc dù vẫn còn những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT), song cũng không thể phủ nhận hiệu quả, lợi ích mà Đề án này mang lại cho các bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện tuyến dưới đã thay đổi hoàn toàn về chất và lượng nhờ đó người dân được thụ hưởng kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải đi xa.

Một trong những điểm sáng trong thực hiện BVVT là BVĐK tỉnh Phú Thọ. Tham gia Đề án BVVT từ năm 2013 và trở thành vệ tinh của 5 bệnh viện lớn Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó mà trước đây chỉ có những bệnh viện Trung ương mới thực hiện được.

Đến nay, bệnh viện đã triển khai 100% các dịch vụ kỹ thuật loại I và trên 40% các dịch vụ loại đặc biệt. Nhiều dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa sâu thuộc nhiều lĩnh vực như: Ung bướu, Tim mạch, Ngoại khoa, Huyết học truyền máu... Nhiều kỹ thuật khó như: Phẫu thuật cắt bỏ các khối u nằm sâu trong ổ bụng (trong điều trị ung thư); Cấp cứu tim mạch và can thiệp tim mạch (trong lĩnh vực tim mạch); Phẫu thuật sọ não, cột sống, đã được các bác sĩ BVĐK tỉnh Phú Thọ thực hiện thành thạo. BVĐK tỉnh Phú Thọ cũng là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện ghép tạng thành công. Hiện, bệnh viện đã thực hiện ghép thận thành công cho 4 trường hợp, trong đó có 2 ca ghép thận  không cùng huyết thống. TS. Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, trước đây khi chưa thực hiện Đề án BVVT, tỷ lệ chuyển tuyến của BV là 40%, tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn 1%, nhiều chuyên khoa không còn tình trạng chuyển tuyến.

 

BVĐK tỉnh Phú Thọ là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công ca ghép thận.

BVĐK tỉnh Phú Thọ là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công ca ghép thận.

“Nếu không được các bác sĩ tìm ra khối u tủy sống, chắc giờ tôi đã liệt cả 2 chân rồi, gia đình tôi mừng lắm, xin cảm ơn các thầy thuốc” - đó là tâm sự của bệnh nhân Đặng Văn Luyện, 63 tuổi, trú tại xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. ông Luyện vừa được các bác sĩ Ngoại Thần kinh, BVĐK tỉnh Tuyên Quang phẫu thuật lấy khối u trong tủy sống giúp ông khỏi bị liệt.

Gia đình ông Luyện cho biết, trước khi nhập viện khoảng nửa năm, ông đã xuống Hà Nội khám, được kê đơn thuốc về uống nhưng không khỏi, gần đây đau lưng nhiều, liệt 2 chân, rối loạn cơ tròn nên gia đình đã đưa ông đến BVĐK tỉnh Tuyên Quang khám và điều trị. Sau khi chụp cộng hưởng từ và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, gia đình ông rất bất ngờ khi được các bác sĩ cho biết bệnh nhân có khối u trong tủy sống thắt lưng, kích thước khoảng (1,5x1,5)cm. BSCKII. Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết, do khối u nằm trong ống sống ngang mức L1 chèn ép toàn bộ ống sống và gây liệt chi, rối loạn cơ tròn. Nếu không được xử trí và mổ kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt vĩnh viễn và gây ra những biến chứng nguy hiểm tính mạng. Sau đó, bệnh nhân đã được các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh tiến hành phẫu thuật cột sống để loại bỏ khối u tủy cho bệnh nhân. Hiện bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng, thoát khỏi di chứng liệt.

Theo báo cáo của Bộ Y tế,  hiện cả nước có 22 bệnh viện hạt nhân với khoảng 100  BVVT nằm trong Đề án BVVT giai đoạn 2016-2020 với 10 chuyên ngành là nội, ngoại - chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Điều đáng mừng là đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ tuyến dưới, trong đó: Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh 4.000; tỉnh hỗ trợ huyện 2.000, huyện hỗ trợ tuyến xã 3.000 lượt cán bộ. Chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các kỹ thuật được bệnh viện tuyến dưới thực hiện tốt.

Thực hiện Đề án BVVT đã có hơn 4.500.000 người bệnh được khám, chữa bệnh, các thầy thuốc phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao... Đã góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương thể hiện ở chỗ làm giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoảng 30%, ở một số địa phương những loại bệnh trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến cao nay đã không còn người bệnh chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương, tim mạch.
 
Minh Hồng/SKĐS

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image