Nếu như trước đây, nhà vệ sinh ở bệnh viện là nỗi sợ của nhiều người thì hiện nay, tại một số bệnh viện ở Hà Nội, nhà vệ sinh đã cải thiện, sạch sẽ hơn.
Nhà vệ sinh không còn là nỗi sợ của người bệnh
Thường xuyên phải chăm cháu tại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Nhi Trung ương), chị Đinh Hồng Hoa (quê ở Thái Bình) chia sẻ, nhà vệ sinh ở bệnh viện bây giờ khá sạch sẽ. Hàng ngày đều có nhân viên lau dọn vệ sinh làm việc theo ca.
Trong khu vệ sinh đều có thùng đựng rác phân loại rác thải y tế, rác thải sinh hoạt, nước rửa tay.
Chị Trần Thị Minh Tâm (quê ở Hưng Yên) lên chăm sóc bố bị bệnh tai biến tại Bệnh viện Bạch Mai cũng tỏ ra khá hài lòng về khu vệ sinh ở bệnh viện.
“Mặc dù ở tầng 1 là nhà vệ sinh công cộng nhưng tôi thấy khá sạch sẽ. Các nhân viên dọn vệ sinh làm thường xuyên từ nhà vệ sinh công cộng đến nhà vệ sinh trong phòng bệnh. Nhà vệ sinh sạch sẽ, người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng thấy yên tâm hơn”- chị Tâm nói.
Qua khảo sát của phóng viên ở một số bệnh viện lớn tại Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức… đều có biển chỉ dẫn nhà vệ sinh.
Hàng ngày, các bệnh viện đều có nhân viên dọn vệ sinh túc trực, làm việc thường xuyên tại khu vực nhà vệ sinh. Các nhân viên làm việc liên tục từ 6h-11h và từ 13h-17h chiều.
Bà Lương Thị Phương, nhân viên dọn vệ sinh tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu hết mọi người đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, tuy nhiên cũng còn một số trường hợp thiếu ý thức như vứt giấy không đúng nơi quy định, không xả nước.
“Ngoài việc dọn dẹp vệ sinh giữ cho nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, khô thoáng, chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân giữ gìn vệ sinh, sau khi đi vệ sinh xong phải rửa tay sát khuẩn”- bà Lương Thị Phương nói.
80% nhà vệ sinh ở bệnh viện đạt yêu cầu
Vừa qua, tại Hội nghị “Giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay Bộ Y tế đã phân Tiêu chí nhà vệ sinh theo 5 mức, từ mức 1- 5, tương ứng với mức từ chất lượng rất tệ đến chất lượng sạch sẽ “5 sao”.
Về cơ bản, 80% nhà vệ sinh ở bệnh viện đạt yêu cầu (mức 3), còn 18% nhà vệ sinh bệnh viện chỉ đạt mức 1, 2, tức là còn rất bẩn, hôi, không có không có xà bông rửa tay, nền nhà còn ướt và chỉ một số ít nhà vệ sinh bệnh viện đạt tiêu chuẩn như khách sạn 4 sao, 5 sao.
Cụ thể, theo khảo sát của Bộ Y tế năm 2017 trên các cơ sở y tế toàn quốc, nhà vệ sinh ở mức “5 sao” chỉ đạt 2,1%; mức 4 là 32,98%; mức 3: 46%; còn mức 1 và 2 là: 2 và 17%.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, bên cạnh một số bệnh viện thực hiện tiêu chí nhà vệ sinh rất tốt, vẫn còn một số bệnh viện chưa quan tâm đúng mức; chưa có sự phân công, phân việc rõ ràng; Bên cạnh đó ý thức của một số người bệnh còn hạn chế...
Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, để nâng cao chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện, Bộ sẽ tập huấn, tuyên truyền giáo dục, nhắc nhở người bệnh, người dân và nhân viên y tế về vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh, giữ vệ sinh chung. Bên cạnh đó, chú trọng cung cấp trang thiết bị nhà vệ sinh như giấy vệ sinh, xà phòng, nước…
Tuỳ theo điều kiện của cơ sở khám, chữa bệnh, Giám đốc Bệnh viện cần phân công rõ người, đơn vị chịu trách nhiệm để đảm bảo cải thiện nhà vệ sinh./.
Nguồn: https://vov.vn