Trẻ bị sang chấn tâm lý
Cháu Thùy Vân, 10 tuổi, ở Uông Bí, Quảng Ninh, được mẹ đưa vào bệnh viện khám lại sau 6 tháng điều trị tại khoa Tâm thần phân liệt, bệnh viện Bạch Mai. Chị Linh, mẹ cháu Vân, chia sẻ: Chị sinh được 2 cháu, Vân là con đầu. Trước kia bố mẹ rất gần gũi cháu nhưng từ ngày chị sinh thêm bé trai gia đình ít có thời gian quan tâm. Cuối năm 2014, cháu Vân tự nhiên ít nói và lầm lì. Hay ốm và hay lẩm bẩm một mình. Nhiều khi cháu bảo có người đang mắng, dọa đánh và khi tắm thì có người nhìn trộm cháu, nhiều đêm ngủ thì giật mình kêu cứu. Vì tưởng con bị ai bắt nạt nên gia đình đã đi tìm hiểu nhưng không phải. Trong khi bệnh của cháu ngày nặng hơn, gia đình phải đưa cháu đi bệnh viện.
Theo TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Tâm thần phân liệt bệnh viện Bạch Mai: Gần đây khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân là trẻ nhỏ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trường hợp hai cháu kể trên cũng giống như nhiều trẻ khác khi nhập viện có biểu hiện rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi và nặng hơn là rối loạn tâm thần, gọi chung là bị những sang chấn tâm lý. Ban đầu khi có những biểu hiện của bệnh, gia đình thường ít chú ý hoặc biết nhưng dè dặt bởi các định kiến xã hội, đến khi bệnh nặng mới đưa đến bệnh viện. Nhiều cháu đã có những hành vi làm tổn thương mình và tổn thương người xung quanh, rất nguy hiểm.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, các gia đình ít có thời gian quan tâm tới con cái. Hay nhiều gia đình nghĩ con đã biết tự chăm sóc bản thân nên khi sinh thêm bé thứ hai thường dành thời gian chăm sóc cho bé mới sinh, ít quan tâm đến bé lớn. Nhiều khi do căng thẳng trong công việc, cuộc sống, bố mẹ thường hay quát mắng con cái, khi đó trẻ sẽ sinh tâm lý buồn chán vì cho rằng bố mẹ không còn cần mình.
Chữa bệnh cho trẻ ngay trong gia đình
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, quá trình phát triển tư duy của trẻ cần được quan tâm ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Người mẹ cần “vệ sinh tâm thần” cho trẻ như: Không bị mắc những bệnh truyền nhiễm, ăn uống cân đối và đủ chất dinh dưỡng. Tránh bị sang chấn tâm lý. Giai đoạn từ 5 đến 16 tuổi, nhận thức của trẻ còn non nớt vì cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Não chưa được biệt hóa hoàn toàn, đặc biệt là não thất, vì vậy không nên để trẻ bị sang chấn tâm lý. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội mang ý nghĩa cộng đồng.
Theo các bác sỹ, khi trẻ có biểu hiện rối loạn giấc ngủ như: Giấc ngủ nông, ngủ hay gặp ác mộng và sợ hãi khi ở một mình, thù gét những ai yêu thương mình, đặc biệt là thù ghét người đang yêu thương mình mà lại bỏ rơi mình. Nặng hơn, trẻ thường hoảng loạn kêu khóc, xa lánh mọi người, không ăn, không vệ sinh thân thể, hay cáu, đánh bạn thân và đập phá, gia đình cần cho trẻ đến khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần để được chữa trị kịp thời.
Còn theo bác sĩ Dũng, trẻ có thể khỏi bệnh hoàn toàn khi được người thân trong gia đình gần gũi và chia sẻ vì nguyên nhân dẫn tới những sang chấn tâm lý của trẻ phần nhiều từ phía gia đình, nhiều gia đình thiếu tinh tế trong việc chăm sóc con. Môi trường gia đình rất quan trọng đối với trẻ, trẻ sẽ hồi phục nhanh hơn nếu cảm thấy hạnh phúc và bố mẹ luôn yêu thương mình. Đặc biệt, trẻ sẽ không bị tái phát bệnh nếu gia đình phối hợp chặt chẽ cùng bác sĩ trong việc chăm sóc trẻ đúng cách.
Dù trẻ sinh ra không may bị khiếm khuyết, cha mẹ cũng nên dành tình yêu thương công bằng cho trẻ. Đừng bắt trẻ phải tự lập sớm nếu trẻ chưa sẵn sàng vì không phải đứa trẻ nào phát triển tâm, sinh lý cũng giống nhau. Cho trẻ thời gian để hoàn thiện mình và đừng đặt ra tiêu chuẩn đối với trẻ, hãy cho trẻ biết mình đúng và sai như thế nào trong sự động viên và khích lệ. Trẻ đang trong thời gian hồi phục, gia đình cần gần gũi hơn, động viên chia sẻ nhiều hơn, phải kiên trì không nên nóng vội và tuyệt đối không có cái nhìn định kiến với trẻ bị tâm thần.
Theo Lao động Thủ đô.