Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba (Hà Nội) vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy (Filler) để làm đẹp môi tại một cơ sở Spa ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Do không ưng ý với đôi môi của mình, chị Nguyễn Thị H. (23 tuổi quê ở Quảng Ninh, sống tại Hà Nội) đã tìm đến phương pháp tiêm chất làm đầy (filler) tại một Spa tại ngõ Vạn Kiếp (phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để đôi môi được đẹp hơn. Thế nhưng, thay vì đẹp lên, chị đã phải đi bệnh viện khám và điều trị để môi trở lại bình thường.
Môi dưới bị hoại tử do tiêm chất làm đầy (Filler)
Chiều ngày 7/7, BS Bạch Minh Tiến- Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) cho biết, cách đây 1 tuần, bệnh nhân này nhập BV Việt Nam- Cu Ba trong tình trạng viêm nhiễm ổ môi dưới, bệnh nhân đã điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Các bác sĩ đã tiến hành chích ổ áp xe này. Hiện nay, sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân sức khỏe tốt, không sốt, môi dưới gần như bình thường. “BV đã làm kháng sinh đồ xác định do trùng hợp ổ tụ cầu vàng, đó là 1 loại vi khuẩn trên da, do đó các bác sĩ cũng chưa xác định được việc ổ áp xe này có liên quan đến việc tiêm chất filler hay không”- BS Tiến nói
Tuy nhiên, liên quan đến sự việc này, ngay trong chiều 6/7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm phối hợp cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở Spa này để làm rõ vụ việc, nhưng khi cơ quan chức năng có mặt thì cơ sở đã đóng cửa.
Về sự việc này, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, với việc thực hiện dịch vụ này thì đó là cơ sở hoạt động không phép. Theo quy định, cơ sở Spa chỉ được thực hiện các dịch vụ chăm sóc da thông thường. Còn với dịch vụ tiêm filler thì phải được thực hiện tại phòng khám được cấp phép. Người thực hiện kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn. Chất filler khi sử dụng cho khách hàng phải là sản phẩm được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế và phải có nhà nhập khẩu chứng minh nguồn gốc rõ ràng.
Theo cơ quan quản lý Spa này đã thực hiện kỹ thuật tiêm chất làm đầy môi khi chưa được cấp phép
“Nếu hành nghề không đúng chuyên môn sẽ dễ gây tai biến như: Tắc mạch máu, hoại tử do tiêm không đúng vị trí. Filler nếu không được kiểm soát có thể gây vón khi vào trong cơ thể và dẫn đến các tai biến vừa nêu. Nếu chất filler được cấp phép sử dụng cũng chỉ tồn tại trong cơ thể từ 6 đến 9 tháng, sau đó phải tiêm lại nếu muốn làm đẹp tiếp”- bà Nhị Hà cảnh báo.
Được biết, trước đó, qua bạn bè giới thiệu, vào ngày 28/ 4, chị H. quyết định tìm đếm Spa nói trên để tiêm filler vào môi. Thời gian đầu, chị khá ưng ý với kết quả mà phương pháp này mang lại, đôi môi của chị đầy đặn và rất tự nhiên. Tuy nhiên, khoảng 3 tuần trở lại đây, H. bắt đầu thấy những vết mụn nhỏ màu trắng ở môi dưới. Được chủ Spa tư vấn, nguyên nhân này là do đồ ăn gây nóng, chị H. chuyển sang mua đồ thanh nhiệt về dùng. Cho đến khi, những vết mụn trắng ở môi dưới không có dấu hiệu giảm mà tiếp tục lan rộng chị H. mới đến bệnh viện kiểm tra tại Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba.
Chủ cơ cở ký cam kết với gia đình nạn nhân (ảnh trên fb người nhà nạn nhân)
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, chủ cơ sở Spa vừa nêu đã viết giấy cam kết với gia đình nạn nhân về việc sẽ lo toàn bộ chi phí điều trị trong khoảng thời gian từ 1 đến 6 tháng nếu môi chị H. có vấn đề xấu.
Hiện nay, dù bơm môi là một việc làm đẹp phổ biến, xong các bác sĩ cũng khuyến cáo các cá nhân muốn đi thẩm mỹ môi cần đến các cơ sở thẩm mỹ đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh đến các spa chưa được cấp phép. Do đó, các chị em cần tỉnh táo và cẩn trọng.
Nguồn Suckhoedoisong.vn