Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Nhiều bệnh tật gia tăng sau Tết

Ngày Tết, chế độ sinh hoạt của mỗi gia đình bị đảo lộn do ăn ngủ thất thường, uống nhiều bia, rượu... Chính vì vậy, sau Tết Nguyên đán, một số bệnh như xơ gan, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, tiểu đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, đột quỵ… có chiều hướng gia tăng. 

 

Bệnh nhân nặng nhập viện tăng cao 
 
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau Tết, trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân từ khắp nơi chuyển đến, chủ yếu là các bệnh: Xơ gan, rối loạn tiêu hóa, tim mạch, cao huyết áp… Cao điểm nhất là ngày 1-2, Khoa Cấp cứu A9 tiếp nhận 116 bệnh nhân, trong đó số bệnh nặng chiếm tới 2/3. Đáng lưu ý, có ngày khoa tiếp nhận 5-6 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa. Những bệnh nhân này đều có tiền sử nghiện rượu trên các nền bệnh lý mạn tính...
 
 
Chăm sóc cho bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thái Bình
Vào những ngày sau Tết, các phòng khám chuyên khoa của Bệnh viện Nội tiết trung ương cũng gia tăng số người mắc bệnh tiểu đường đến khám. Theo Phó Trưởng khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết trung ương) Hồ Khải Hoàn, bệnh tiểu đường bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn và lối sống. Các món ăn ngày Tết khá đa dạng, từ món truyền thống đến hiện đại như: Bánh chưng, thịt gà, thịt đông, xôi, giò chả, bánh kẹo… chứa rất nhiều tinh bột, chất béo và các cholesterol xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân mắc tiểu đường.
 
“Năm nào cũng vậy, ngay sau mùng 1 Tết có nhiều bệnh nhân gọi điện cho tôi nhờ tư vấn, vì đường huyết tăng quá cao và những ngày sau kỳ nghỉ Tết, Khoa Đái tháo đường luôn gia tăng số bệnh nhân nhập viện. Có những bệnh nhân không yêu cầu đến kiểm tra lại, nhưng do ăn uống quá đà đã chủ động đến bệnh viện khám để có thể kiểm soát được tình trạng bệnh” - bác sĩ Hoàn chia sẻ.

Đột quỵ não cũng chiếm số đông trong các trường hợp nhập viện những ngày sau Tết, chủ yếu là các bệnh nhân tăng huyết áp, quên uống thuốc, không tuân thủ chế độ điều trị, khiến huyết áp tăng đột ngột, gây đột quỵ não. GS.TS Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những ngày trong và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện tăng hơn ngày thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Thần kinh tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhân, thậm chí có ngày tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân…

Chế độ ăn uống khoa học 

Chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, sau nhiều ngày nghỉ Tết với tiệc tùng liên miên, món ăn, thức uống hấp dẫn, nhiều người dễ mắc phải những vấn đề về tiêu hóa: Đầy bụng, khó tiêu vì thức ăn chứa quá nhiều chất béo, chất đạm, lại uống nhiều loại bia, rượu, nước giải khát có gas… 

Bác sĩ Lê Thị Hải khuyến cáo, để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, chúng ta cần sắp xếp lại thực đơn ăn uống sao cho khoa học để lấy lại cân bằng cho cơ thể sau thời gian nghỉ Tết dài ngày. Trong mỗi gia đình nên hạn chế ăn nhiều thức ăn chiên xào, nhiều chất béo, không ăn quá nhiều thịt, không uống nhiều bia, rượu, các loại nước ngọt có gas, cà phê, thuốc lá. Cùng với đó, nên ăn kèm các thức ăn lỏng, dễ tiêu, ít chất béo như: Cháo, súp… Nếu bị táo bón, khẩu phần ăn cần có nhiều rau xanh, chuối, khoai lang, đồng thời uống nhiều nước (khoảng 2,5-3 lít/ngày, chia làm nhiều lần). Không nên nằm sau khi ăn, mà vận động tay chân nhẹ nhàng để giúp dễ tiêu hóa. 

Còn theo Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), trong một số trường hợp, tùy thuộc vào các triệu chứng có thể dùng một vài loại thuốc giảm khó chịu về tiêu hóa theo chỉ định của thầy thuốc. Sau khi đã uống thuốc, tình trạng rối loạn tiêu hóa vẫn không giảm, hoặc có kèm theo các triệu chứng khác: Đau bụng, nôn ói nhiều, nôn ra máu, bụng chướng to…, thì phải đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị. Đối với những người mắc bệnh mạn tính như xơ gan, tiểu đường…, để giảm thiểu những biến chứng, người bệnh nên đi kiểm tra lại và làm các xét nghiệm sinh hóa, cận lâm sàng để có hướng điều trị kịp thời.

Theo HNM

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image