Kết nối những tấm lòng thiện nguyện đến với các bệnh nhân khó khăn
Chung tay chia sẻ với người bệnh
Nhập viện với chẩn đoán sốc do ong đốt, bệnh nhân Lý Quỳnh Trang (dân tộc Dao, SN 2002, ở xóm Nách, Tân Mai, Mai Châu, Hòa Bình) đã may mắn được đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực cứu chữa thoát khỏi cơn nguy kịch.
Tuy nhiên với hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, mẹ bé vốn bị khiếm thị bẩm sinh, bố bỏ đi, nên những ngày bé Trang nằm viện, hai mẹ con không biết bấu víu vào đâu với khoản tiền ăn ở, chữa bệnh không hề nhỏ. Để kịp thời lọc máu cấp cứu cho Trang, các thầy thuốc của Trung tâm Chống độc đã thông báo gấp cho Phòng CTXH đến lấy thông tin viết bài và thông báo đến các nhà hảo tâm để kêu gọi hỗ trợ cho cháu.
Thông qua Phòng CTXH của viện, hơn 25 triệu đồng từ các nhà hảo tâm đã đến với gia đình Trang, hỗ trợ em thêm chi phí điều trị lọc máu cấp cứu, riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam còn tặng Trang 1 sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng, để dành cho việc học hành và ổn định cuộc sống. Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân khó khăn đã được Phòng CTXH của viện làm cầu nối để cộng đồng có thể chia sẻ, trợ giúp.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng CTXH, BV Bạch Mai, với phương châm “hết lòng vì người bệnh” chúng tôi đã nỗ lực để có thể kết nối với các tổ chức xã hội nhằm giúp đỡ bệnh nhân. Đến nay, tổng số tiền kêu gọi hỗ trợ cho bệnh nhân là hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó ủng hộ bằng tiền mặt là 1 tỷ đồng. Ngoài ra, phòng còn hỗ trợ bệnh nhân xin miễn giảm viện phí từ nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện 204 triệu đồng...
Tương tự, tại BV Nhi TƯ, nơi mà phòng CTXH từ lâu đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà tài trợ, các đơn vị, cá nhân quan tâm đến các bệnh nhi. Viện luôn tiếp nhận nhiều khoản hỗ trợ đóng góp bằng tiền mặt, bằng suất ăn cơm, cháo… và trao đến tận tay những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Thông qua phòng CTXH, nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn cho gia đình người bệnh hiểu biết về thủ tục giấy tờ, chế độ bảo hiểm; vận động các nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ bệnh nhi các suất ăn, các khoản kinh phí hỗ trợ điều trị cho bệnh nhi…
Chỉ tính riêng trong tháng 11 này, phòng CTXH của viện đã tiếp nhận từ các nhà hảo tâm hơn 230 triệu đồng hỗ trợ thông qua các suất ăn miễn phí, 850 phần quà, 25 triệu tiễn lì xì và gần 225 triệu đồng hỗ trợ kinh phí điều trị… tất cả đều được trao đến tận tay những bệnh nhi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Còn với phòng CTXH, BV Hữu Nghị Việt Ðức, dù mới đi với hoạt động nhưng nhiệm vụ là “cầu nối” giữa thầy thuốc với người bệnh đã thể hiện khá rõ nét. Chỉ trong thời gian ngắn, Phòng CTXH của viện đã kêu gọi hỗ trợ cho nhiều người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hàng trăm triệu đồng, cùng nhiều suất ăn miễn phí.
Ngoài ra, để giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, người nhà người bệnh đến khám chữa bệnh cũng như giảm áp lực cho cán bộ y tế, phòng CTXH đã bố trí nhân viên trực tại 05 quầy ở khu vực khám bệnh sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh.
“Qua những thông tin phản hồi của người bệnh, người nhà người bệnh cũng như của cán bộ y tế, hoạt động của Phòng CTXH trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm đáp ứng tốt hơn nữa sự hài lòng của người bệnh trong thời gian tới”, ThS. Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết.
Hướng tới 100% bệnh viện có phòng CTXH
Hiểu được CTXH y tế là sự kết nối giữa nhu cầu “được cho đi” và nhu cầu “mong nhận được” về chăm sóc sức khỏe cho người bệnh trong tình hình mới, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43/2015 về việc tổ chức CTXH của bệnh viện. Việc này không chỉ giúp các bệnh viện đang đương có vai trò khám chữa bệnh mà trở thành cầu nối, nơi chia sẻ của bệnh nhân với cộng đồng, chăm sóc, tư vấn cho người bệnh. Theo đó, trong thời gian tới nhiều bệnh viện cũng sẽ tổ chức hoạt động phòng CTXH, nhằm định hình một mô hình chăm sóc bệnh nhân toàn diện, kết hợp Y tế - Tâm lý - Xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh Bộ Y tế khẳng định hoạt động CTXH có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh và người thân của người bệnh, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế.
Ông Tường cũng cho hay, hiện nay, ở một số bệnh viện đã có mô hình CTXH và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh... góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị. Tổ CTXH đã có nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn người bệnh các thủ tục khám bệnh, đến các khoa phòng cần thiết, xoa dịu nỗi đau bệnh tật của bệnh nhi, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện, trợ giúp đắc lực cho bác sỹ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân – bệnh viện - người nhà bệnh nhân, góp phần làm hài lòng người bệnh.
“Việc phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế sẽ góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”, ông Trần Quý Tường khẳng định.
Nguồn http://www.baogiaothong.vn