Ngày 17/5, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khóa Tập huấn màng lưới Công tác xã hội cho các cán bộ y tế của bệnh viện. Giảng viên của khóa Tập huấn là TS. Nguyễn Trung Hải, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Đại học Lao động – Xã hội
Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm, bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị bệnh lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực cuộc sống ngày càng cao, để điều trị bệnh được hiệu quả và duy trì kết quả điều trị cho người bệnh sau khi ra viện thì cần có những chiến lược can thiệp, hỗ trợ người bệnh một cách toàn diện ngay trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Đặc biệt, với những người bệnh “yếu thế” hoặc đồng mắc các hội chứng tâm lý thì càng cần sự trợ giúp một cách tổng thể của nhân viên y tế để điều trị cả “thân bệnh” lẫn “tâm bệnh”. Đồng hành với các bác sĩ, điều dưỡng trong công tác chăm sóc người bệnh, các công tác xã hội viên là người giữ vai trò hỗ trợ người bệnh và gia đình người bệnh trong việc điều trị tâm bệnh, hỗ trợ, kết nối những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính và kết nối những chuyến xe yêu thương đưa người bệnh khó khăn trở về nhà...
Tại Việt Nam, nghề Công tác xã hội chính thức được công nhận từ năm 2010, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 25/3 về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Công tác xã hội trong ngành y tế đã được hình thành ngay sau đó với Quyết định số 2514/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành về việc phê duyệt Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020”. Quyết định số 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 25 tháng 03 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”. Và gần đây nhất, ngày 22/3/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030. Nhờ sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ đến Bộ Y tế, nghề công tác xã hội trong y tế của chúng ta phát triển mạnh mẽ và có bước tiến dài, vững chắc, chuyên nghiệp hướng tới phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.
Hiểu rõ tầm quan trọng của màng lưới công tác tác xã hội trong Bệnh viện, Phòng Công tác xã hội tổ chức khóa tập huấn này nhằm nâng cao kiến thức về sự phối hợp của nhóm làm việc liên ngành gồm bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên công tác xã hội. Trong buổi tập huấn, các tham dự viên đã được nghe TS. Nguyễn Trung Hải, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động xã hội chia sẻ về Nhóm liên ngành trong bệnh viện. Để cho hoạt động Công tác xã hội trong bệnh viện được thực hiện một cách hiệu quả thì cần có sự phối hợp của các chuyên gia trong nhóm liên ngành. Nhóm liên ngành là một khía cạnh quan trọng của công tác xã hội với tập hợp gồm chuyên gia thuộc các lĩnh vực trợ giúp khác nhau như Tâm thần học, Tâm lý học, Tư vấn, Y học và Sức khỏe cộng đồng…
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, ThS.BS. Hoàng Thị Phú Bằng, Phó trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của mạng lưới công tác xã hội trong Bệnh viện. “Có thể nói màng lưới viên công tác xã hội tại các đơn vị chính là đầu mối kết nối thông tin thường xuyên với Phòng Công tác xã hội để kịp thời triển khai hiệu quả các hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện”. ThS. BS. Bằng cũng chia sẻ, để nhân viên công tác xã hội có thể phối hợp các chuyên khoa hỗ trợ người bệnh nhanh chóng, kịp thời, các công tác xã hội viên của phòng cũng sẽ “cắm chốt” tại đơn vị, cùng dự giao ban nhằm nắm bắt được bệnh trạng cùng như hàng ngày đánh giá tâm lý bệnh nhân một cách nhanh nhất.
Thông qua lớp tập huấn, các tham dự viên hiểu thêm được về lợi ích, hiệu quả của làm việc Nhóm liên ngành, nắm được cách xây dựng các mối quan hệ một cách hiệu quả, phương thức tiếp cận để bảo vệ, biện hộ cho bệnh nhân và hiểu được phương pháp để quản lý rủi ro… Với nội dung hết sức thiết thực, buổi tập huấn đã sự trao đổi, thảo luận hết sức tích cực từ các tham dự viên là nhân viên màng lưới công tác xã hội, và mong muốn Phòng Công tác xã hội sẽ tổ chức thêm nhiều khóa tập huấn màng lưới công tác xã hội hơn nữa để mọi người có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hoạt động công tác xã hội tại đơn vị./.
Tiểu Vũ – Thế Anh