Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình

han viet trung 34 1661751863108 16617518636011402723410

Có những thầy thuốc áo trắng thầm lặng nỗ lực cứu chữa người bệnh trong chuyên môn, lại vừa sẵn sàng dành cả tuổi trẻ cho những hoạt động thiện nguyện, sẵn sàng hiến máu.

Trong số 100 người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh toàn quốc năm nay, có 10 đại biểu là cán bộ, nhân viên y tế do các địa phương, đơn vị lựa chọn. Đó là những nhân viên y tế ở miền núi còn khó khăn, cán bộ quân y, chàng bác sĩ đất Võ hay những người đã gắn bó nhiều năm với chuyên ngành Huyết học – Truyền máu.

Điểm chung của họ là tinh thần cống hiến, nỗ lực để cứu chữa người bệnh trong chuyên môn, lại vừa sẵn sàng dành cả tuổi trẻ cho những hoạt động thiện nguyện, sẵn sàng hiến máu cho chính người bệnh của mình vào bất kể thời điểm nào.

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình - Ảnh 1.
Bất ngờ về đơn vị máu mình hiến lại được truyền cho bệnh nhân mình điều trị

Tốt nghiệp Đại học Y dược Hải Phòng, chàng trai trẻ Phạm Thanh Hải về công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp từ đó đến nay.

11 năm với biết bao câu chuyện, kỷ niệm nghề nghiệp, ThS. BS. Phạm Thanh Hải – Phó Trưởng Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu – Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) từng chứng kiến những ca bệnh phải chờ máu vào thời điểm khan hiếm máu của bệnh viện.

“Trong những ca cấp cứu, bên cạnh chuyên môn, sự nỗ lực của các y bác sĩ, thì không thể thiếu được nguồn máu cho phẫu thuật. Lúc đó, nếu không có máu thì người bác sĩ thậm chí chỉ nhìn bệnh nhân mà không thể làm gì được”, anh Hải tâm sự.

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình - Ảnh 3.

Ký ức của bác sĩ Hải còn nhớ như in một trường hợp đa chấn thương do tai nạn giao thông phải truyền đến hơn 4 lít khối hồng cầu và 2-3 lít huyết tương. Bác sĩ Hải nhớ lại: “Bệnh nhân gần như phải thay toàn bộ máu của cơ thể, khi đó mới thấy máu quan trọng như thế nào để giúp người bệnh vượt qua được ranh giới sinh tử”.

Trải nghiệm của người bác sĩ, cùng với kinh nghiệm hiến máu 28 lần, anh Hải còn trở thành “cố vấn” cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp khi họ cần thêm thông tin về hiến máu. “Tôi tham gia hiến máu từ khi là sinh viên năm thứ nhất, đó là việc hết sức bình thường của những người công tác trong ngành y, chỉ một suy nghĩ đơn giản làm được gì giúp ích cho bệnh nhân thì mình sẽ làm. Mọi người thấy tôi hiến máu thường xuyên thì quan tâm, nên tôi cũng cố gắng để giải thích, tư vấn cho mọi người rằng hiến máu không hề có hại cho sức khỏe”, bác sĩ Hải chia sẻ.

Hiến máu nhiều, mỗi lần là một kỷ niệm nhưng có lẽ không phải ai cũng gặp câu chuyện thú vị như anh Hải. Cách đây khoảng 8 năm, trong một lần điều dưỡng lĩnh máu về khoa, anh Hải bất ngờ vì đó là bịch máu có ghi đúng tên tuổi của mình trên đó và tình cờ là để truyền cho chính bệnh nhân mình đang điều trị.

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình - Ảnh 4.

Được vinh dự có tên trong danh sách 100 người hiến máu tiêu biểu năm 2022, bác sĩ Phạm Thanh Hải chỉ tâm niệm rằng: “Tôi hiến máu thường xuyên không phải mong đợi để được tôn vinh hay được một quyền lợi nào, mà là để giúp cộng đồng, giúp người bệnh. Giúp đỡ người khác cũng chính là giúp cho người thân, bạn bè của mình và cũng khiến cho mình luôn hạnh phúc. Được ghi nhận lần này cũng là cách để tôi có thêm cơ hội lan tỏa hiến máu đến nhiều người hơn”.

Kỷ niệm về hiến máu là một phần trong quãng đường tuổi trẻ đầy tự hào của mình

Từng được Thành phố Hà Nội tôn vinh cách đây khá lâu, nhưng đây là lần đầu tiên TS. BS. Hàn Viết Trung, Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai được tham dự chương trình tôn vinh cấp quốc gia, ngay sau khi vừa kết thúc 5 năm trong vai trò Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Bạch Mai.

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình - Ảnh 6.

Anh Trung tự hào chia sẻ: “Được sự quan tâm, ghi nhận của các cấp, của các nhà quản lý, tôi thấy rất may mắn vì thế hệ trẻ không phải ai cũng có được vinh dự đó. Tôi đã hết mình với tuổi trẻ, hết mình trong những năm tháng tham gia công tác Đoàn và tham gia tổ chức hiến máu cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên tại bệnh viện. Nhìn lại quãng đường tuổi trẻ của mình, tôi tự hào về những dấu ấn đó. Được tham dự chương trình tôn vinh, với tôi đây là kỷ niệm đẹp nhất, là món quà ý nghĩa nhất khi kết thúc thời gian công tác Đoàn suốt 17 năm qua”. Và chắc chắn phần động viên này sẽ là động lực để anh tiếp tục tham gia hiến máu thời gian tới.

Từ khi mới về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, năm 2006, anh Trung bắt đầu được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện trong bệnh viện. Vừa là bác sĩ chuyên ngành Huyết học – Truyền máu, vừa tham gia Ban chấp hành Đoàn Thanh niên bệnh viện, rồi sau này là Ủy viên thường vụ, Phó bí thư, Bí thư Đoàn, anh Trung trở thành “cầu nối” gắn kết những đợt hiến máu của bệnh viện.

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình - Ảnh 7.

“Hiểu rõ vai trò của máu và các chế phẩm máu, chưa sản phẩm nào có thể thay thế được nguồn máu hiến tặng từ người khỏe mạnh, bằng những kiến thức chắc chắn của mình, tôi có nhiều thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động, truyền thông điệp hiến máu an toàn, truyền cảm hứng hiến máu tới các đồng nghiệp và cả sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai”, anh Trung cho biết.

Nhờ đó mà cứ vào những thời điểm thiếu máu – dịp sát Tết và dịp hè, Bệnh viện Bạch Mai lại tổ chức các đợt hiến máu, tổ chức trong nhiều ngày, cho phép đặt xe hiến máu chuyên dụng để vận động không chỉ cán bộ, nhân viên, sinh viên mà cả người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu thuận tiện nhất.

Đây là những nỗ lực, đóng góp rất trách nhiệm để cùng Viện Huyết học – Truyền máu TW đảm bảo cân bằng nguồn máu dự trữ, không chỉ cấp cứu cho bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai mà nhiều bệnh viện khác tại Hà Nội.

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình - Ảnh 8.

Đặc biệt, tháng 4/2020, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 khiến Bệnh viện Bạch Mai phải cách ly thì hoạt động hiến máu vẫn được duy trì để đảm bảo nguồn máu cho người bệnh của bệnh viện. Đây là lần hiến máu đáng nhớ nhất của anh Trung trong những lần hiến máu định kỳ của mình suốt quãng thời gian tuổi trẻ.

Bác sĩ trẻ 10 năm giữ đam mê tình nguyện và hiến máu

Bác sĩ Lê Ngọc Thường, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định chưa bao giờ quên lời dạy của người thầy cũng chính là cha mình: “Là một bác sĩ, điều tiên quyết là phải giàu lòng thương người, từ đó mọi hành động ắt sẽ thành công”. Vì vậy mà ngay khi vừa trở thành sinh viên y khoa, chàng trai trẻ đã nuôi đam mê tình nguyện, khát khao được cống hiến vì cộng đồng.

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình - Ảnh 10.

Năm 2012, ngay năm đầu đại học, Thường đăng ký làm thành viên CLB tình nguyện Blouse Xanh – Trường ĐH Y Dược Huế, thường xuyên chăm sóc, giúp đỡ các bệnh nhi bị ung thư máu đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Thường nhớ lại: “Lúc đó tôi được gặp những em bị ung thư máu phải truyền 3 – 4 đơn vị tiểu cầu liên tục, gặp cả những bệnh nhi tan máu bẩm sinh, hằng tháng phải ở bệnh viện truyền máu và thải sắt. Nên khi được giao phụ trách Ngân hàng máu sống của CLB, tôi cùng nhóm bạn quen xây dựng nhóm thuộc CLB để kết nối nguồn lực về máu và tiểu cầu nhanh chóng, kịp thời, giúp bệnh nhi hiệu quả hơn”.

Ra trường, về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định, bác sĩ Ngọc Thường lại có điều kiện phát huy sở trường và có cơ hội gắn bó nhiều hơn với các hoạt động tình nguyện. Vừa là Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên bệnh viện, Thường còn “tất bật” trong vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ 25 (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định), Phó Chủ nhiệm CLB Nhóm máu hiếm Bình Định.

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình - Ảnh 11.

Chàng bác sĩ trẻ đã có 22 lần hiến máu tình nguyện; vận động các thành viên trong gia đình hiến máu 25 lần. Từ năm 2018 đến nay, anh đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa xã hội như: chương trình hiến máu Lễ hội Xuân hồng, Trung thu cho em, Giọt hồng tặng bé thu về hơn 2.000 đơn vị máu; vận động hiến máu đột xuất hơn 300 đơn vị máu, trong đó có hơn 40 đơn vị máu hiếm; vận động quà tặng, sân chơi, công trình cho trẻ em nghèo, bệnh nhi, trẻ em vùng xa xôi hải đảo…

Ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định cho biết: “Chàng bác sĩ trẻ có nhiệt huyết, đam mê nhưng đặc biệt hơn nhiều người là biết cách làm và làm hiệu quả, biết cách phát triển, lan tỏa đam mê và đào tạo đội ngũ kế cận. “Thường có “máu” làm tình nguyện. Việc gì làm được cho cộng đồng, cho trẻ em, người khó khăn là anh lao vào ngay”.

Những bác sĩ cứu người bệnh bằng chuyên môn và bằng cả máu của mình - Ảnh 12.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, bác sĩ Lê Ngọc Thường đã vinh dự được Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI – năm 2020”, đạt Giải thưởng tình nguyện Quốc gia năm 2019 và nhiều bằng khen các cấp.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image