Sự mong manh ở lằn ranh sinh tử của mỗi người bệnh Covid-19 khiến nhân viên y tế không cho phép mình gục ngã. Mỗi ngày trôi qua, họ vực dậy tinh thần bằng những tín hiệu tích cực của bệnh nhân, dù nhỏ từng chút, từng chút một.
Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đóng quân tại Bệnh viện Quốc tế City đi vào hoạt động 3 tuần. Mục tiêu của Trung tâm thiết lập 250 giường hồi sức, nhưng sau 3 tuần, trung tâm mới hoàn thiện đươc 102 giường hồi sức. Hiện có 50 bệnh nhân thở máy và 49 bệnh nhân thở HFNC.
“Thiếu nhất là bác sĩ hồi sức tích cực. Nhiều người mất 5-7 năm để đào tạo. Trong thời gian gấp gáp này, chúng tôi phải chọn nhân lực, đào tạo trên mô hình và đưa vào làm thực tế, cầm tay chỉ việc”, BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc trung tâm cho hay.
Nhiều ca bệnh vào đây đã không thể trở về. Nhưng có những người đã chiến thắng tử thần. Ca bệnh đầu tiên được cứu chữa thành công, bao giờ cũng mang dấu ấn đặc biệt.
Sản phụ mắc Covid-19 là một trong số những chủ nhà trọ rất sống rất nhân hậu. Thành phố giãn cách, sinh viên không thể về nhà, chị quyết định không thu phí nhà trọ, cung cấp các bữa ăn miễn phí. Chỉ tiếc, một em sinh viên biết mình mắc bệnh nhưng đã giấu xóm trọ, cho tới khi phát bệnh. Lúc này, sản phụ đã nhiễm virus nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Thai nhi 29 tuần đã vĩnh viễn không thể chào đời.
“Sản phụ bị hội chứng ARDS, phổi đã bị hư hỏng nặng, phải đặt nội khí quản. Máy móc không có tác dụng, các điều dưỡng ngày đêm ngồi bóp bóng. Chúng tôi bàn với các bác sĩ Bệnh viện phụ sản Hùng Vương các phương án tối ưu nhất để cứu ca này. Lúc đó, chỉ nghĩ cứu nhân đạo là chính, vì ai nấy cũng đều không dám nói ra sự vô vọng có thật”, BS Khôi nói.
BS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc trung tâm nói, 3 tuần qua, đã có 21/101 bệnh nhân được điều trị và đưa về tuyến dưới. “Con số tuy khiêm tốn, nhưng là động lực rất lớn lúc này”.
Điều truyền cảm hứng tích cực cho đội ngũ ngày đêm chiến đấu trong phòng bệnh chính sự là sự hồi phục của các bệnh nhân, là những lá thư sẵn sàng xin nghỉ việc của các nhân viên y tế để cùng vào chiến tuyến điều trị.
"Có nhiều em viết thư riêng cho tôi, sẵn sàng xin vào trung tâm cho tới khi nơi đây chiến thắng trở về. Có những em ở tận địa phương xa xôi, sẵn sàng xin nghỉ không lương để lên đường. Tinh thần ấy như "doping" đối với những người tuyến đầu cho chúng tôi", BS Khôi bộc bạch.
Trước việc nhiều bệnh nhân vào Trung tâm Hồi sức tích cực với tình trạng xuất huyết tiêu hóa rất nặng trong khi việc cung cấp máu thời gian bị giãn cách xã hội kéo dài hạn chế, dẫn tới khan nguồn cung, ngày 27/8, các y, bác sĩ đang làm việc tại trung tâm đã trực tiếp hiến máu để cứu bệnh nhân Covid-19 nặng.
Không chỉ nỗ lực điều trị, chăm sóc người bệnh như người nhà, các thầy thuốc còn san sẻ giọt máu yêu thương trong tâm dịch là điều vô cùng trân quý. Với các chiến sĩ tại đây "sát cánh cùng bệnh nhân vừa là sứ mệnh cũng là khát vọng của mỗi người".
BS Sơn chia sẻ, hầu hết ca nằm tại trung tâm này là những bệnh nhân nặng nhất, có thể tiếp tục tiến triển nặng, phải hỗ trợ hô hấp bằng các máy xâm nhập trong thời gian tới, "chúng tôi chỉ biết “chiến đấu và hy vọng”.
TP Hồ Chí Minh những ngày này mưa nhiều về đêm. Các chiến sĩ áo trắng vẫn miệt mài đón bệnh nhân F0… “Nhất định và quyết tâm để không ai bị bỏ lại phía sau. Hôm nay đoàn Quảng Ninh tiếp nhận gần 200 bệnh nhân F0”, bác sĩ Nguyễn Thế Thiêm ghi vội vài dòng lên nhật ký tối 16/8.
Trước đó buổi sáng, 2 bệnh nhân đầu tiên, trong đó có một bé trai 9 tuổi đã được các thầy thuốc tỉnh Quảng Ninh tại Bệnh viện Dã chiến số 12 TP Hồ Chí Minh chữa khỏi Covid-19. Những quả ngọt đầu tiên khiến ai nấy trở nên phấn chấn.
Gần 2 tháng chi viện cho TP Hồ Chí Minh, đoàn cán bộ y tế Quảng Ninh đã dần quen với sự khốc liệt nơi đây. Sự bàng hoàng ban đầu đã được những cái đầu lạnh lấn chiếm cảm xúc. Họ lao vào cuộc chiến trong tình trạng các trang thiết bị đều thiếu thốn, chỉ có sức người là thế mạnh duy nhất.
Không ai muốn bệnh nhân của mình nặng hơn nhưng đó là điều không thể tránh khỏi với mỗi bệnh nhân chuyển viện, nhân viên y tế không những cần lo chuyên môn mà còn cần tư vấn động viên tâm lý cho bệnh nhân cũng như người nhà họ! Tạo cho họ động lực để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng bệnh tật!
BS Nguyễn Thế Thiêm, mới chi viện 3 tuần qua tại đây cho biết, ở tầng điều trị này, các y, bác sĩ đều cố gắng giữ cho bệnh nhân không nặng lên, điều trị tích cực để bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe.
Những cơn mưa vẫn ghé thăm thành phố sôi động về đêm. Khi cả thành phố đang “Ai ở đâu, ở yên đấy” thì các chiến sĩ áo blue trắng, áo vàng, áo xanh của y tế, công an, quân đội vẫn đang âm thầm chiến đấu dưới trời mưa Sài Gòn…
“Ở đây, không kể ngày đêm, nhiều bệnh nhân diễn biến bệnh rất nhanh… Có những ca ổn định trở lại nhưng cũng có những ca nặng hơn phải chuyển tuyến ngay trong đêm. Áp lực là làm sao chuyển tuyến đúng lúc vì nếu trễ thì cơ hội sống của bệnh nhân sẽ thấp, còn chuyển sớm thì các ICU sẽ quá tải… Mong rằng cơn mưa này sẽ cuốn đi mọi thứ u buồn của thành phố khi nó đi qua… để bà con đỡ khổ”, BS Thiêm tâm sự.
Điều may mắn mà BS Thành, BS Thiêm cùng đồng nghiệp nhận được là gần như tất cả các bệnh nhân vào viện đều rất lạc quan tin tưởng vào quá trình điều trị.
Có những F0 cũng vừa là bệnh nhân, vừa là nhân viên y tế nhưng ngay khi khỏi bệnh và hết thời gian cách ly, họ đều quay trở lại nhiệt tình với công việc và càng thấu hiểu bệnh nhân hơn. “Khi ra trận thì mỗi y, bác sĩ cũng như 1 chiến sĩ sẽ chiến đấu và chiến thắng bệnh tật tới cùng!”, BS Thành nói.
Tại các bệnh viện dã chiến, rất nhiều cán bộ y tế dù đã trải qua 2-3 tháng vắt kiệt sức điều trị cho người bệnh, nhưng họ đã tình nguyện xin ở lại để tiếp tục chiến đấu, đến khi nào cuộc chiến chống đại dịch này được kiểm soát.
Bác sĩ Phạm Trường An - Phó Trưởng Khoa lâm sàng, Bệnh viện Dã chiến số 3 bộc bạch: “Biết trong môi trường này nhiều áp lực nhưng hàng ngày ngoài chuyên môn còn đi lấy đồ ăn, lo nước uống, lo sinh hoạt… cho bệnh nhân. Mỗi người vào đây đều không có người thân cận kề nên y, bác sĩ xem như người nhà của mình. Nếu được chấp nhận, tôi nguyện ở lại điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đến khi nào hết dịch mới thôi”.
Cũng như bác sĩ An, có nhiều nhân viên y tế, dù là F0, cũng vẫn tiếp tục xin ở lại chung vai gánh vác công việc cùng đồng đội. Các y, bác sĩ không bỏ cuộc và họ cũng cầu mong, những bệnh nhân Covid-19 cũng không một ai bỏ cuộc chiến đầy thách thức này, kiên cường để chiến thắng.