Bên cạnh những bác sĩ đang tận tâm cứu chữa bệnh nhân, từ chối phong bì, kêu gọi từ thiện giúp bệnh nhân của mình, vẫn còn những bác sĩ gây ra bức xúc không nhỏ cho bệnh nhân và người nhà của họ. Hãy cùng Khoeplus điểm lại một số vụ tiêu biểu xảy ra trong thời gian qua.
Bệnh nhân xếp hàng chờ nhân viên y tế buôn điện thoại
Theo đó, ngày 11/6/2016 vừa qua, trên một số báo điện tử đã đưa thông tin phản ánh việc “nhân viên BV Bạch Mai “nấu cháo” điện thoại trong giờ khám bệnh?” và “có thái độ khiếm nhã với bệnh nhân”.
Nhân viên y tế “buôn” điện thoại trong giờ làm việc.
Sau khi nhận được thông tin, bệnh viện Bạch Mai qua xác minh đã dừng ký hợp đồng lao động đối với học viên Nguyễn Thị Nguyệt, nhân viên được phản ánh là “buôn” điện thoại trong giờ làm việc, chuyển việc học tập sang vị trí khác.
Bé sơ sinh bị mổ vào đầu
Ngày 30-5, anh Hồ Tiến Phúc (ngụ tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết ngày 14-5, vợ anh là Trần Thị Thanh Lan vỡ ối và sinh con bằng phương pháp sinh mổ tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng.
Bé sơ sinh bị mổ vào đầu.
Do sinh non, 3 ngày sau gia đình mới được thăm cháu. Lúc đó bố cháu phát hiện trên đầu bé có vết thương dài khoảng 4 – 5 cm, khâu nhiều mũi và được đội bên ngoài bằng 1 chiếc mũ len.
“Lúc đó, quá bất ngờ tôi dùng điện thoại chụp lại vị trí vết thương trên đầu con mình còn bị một số người có trách nhiệm ngăn cản” – anh Phúc, bố cháu bé, nói. Phía bệnh viện lại có câu trả lời hết sức chung chung, bao che cho người sai phạm nên khiến gia đình bệnh nhân hết sức bất bình.
Bác sĩ thu tiền thuốc trong danh mục BHTY của bệnh nhân
Sáng ngày 3/5/2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định xác nhận ông N.T.H (SN 1987; ngụ phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) – bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu Nội của bệnh viện đã bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, do vi phạm quy định về y đức.
Trước đó, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân đang nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu Nội, bác sĩ H. gợi ý cho người nhà bệnh nhân cần mua thêm một loại thuốc bên ngoài để điều trị mà thực chất thuốc đó có trong danh mục thuốc được BHYT thanh toán và được bệnh viện cấp.
Người nhà bệnh nhân tố bệnh viện tắc trách để trẻ sơ sinh tử vong
Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 19/1/2016, sản phụ Hà (xã Đắk Man, huyện Đắk Hà) nhập viện sinh tại bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Sau khi tiến hành siêu âm, thử máu, xét nghiệm cho thấy sản phụ đủ điều kiện sinh thường. Làm thủ tục xong, đến 12 giờ sản phụ Hà chuyển dạ, khi phát hiện tim thai yếu các hộ sinh phải 2 lần gọi điện thoại bác sĩ Khánh phụ trách ca trực ngày hôm đó mới xuống. Lúc đó em bé đã tử vong.
“Bác sĩ đổ thừa là do bệnh nhân đông. Nếu bệnh nhân đông thì phải điều động bác sĩ khác chứ tại sao lại để cho con người ta chết như thế. Nếu buổi trưa đó mà có bác sĩ trực thì cháu của tôi đâu phải chết” – người nhà nghẹn ngào nói.
Những nhầm lẫn đáng sợ trong phẫu thuật
Theo thống kê của các cơ quan báo chí, có những rủi ro trong ngành Y mà người gánh chịu hậu quả không ai khác chính là người bệnh, mà nguyên nhân chỉ là do sự tắc trách và trình độ của các y bác sĩ.
Các bác sĩ không thể giữ chân được, buộc phải cắt cụt chân (đến phía trên đầu gối) để cứu bệnh nhân.
Dư luận không khỏi bức xúc khi chính sự chủ quan, tắc trách và yếu kém về chuyên môn của kíp trực bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) đã khiến một nữ sinh 16 tuổi bị gãy xương phải cưa mất một chân để bảo toàn tính mạng. Sự việc này một lần nữa khuấy động nỗi lo về những sai sót y khoa khiến người bệnh phải lãnh hậu quả.
Trước đó, tháng 3-2015, dư luận cũng bàng hoàng về vụ bé Trương Công Nguyện (8 tuổi; ngụ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) bị buộc phải cưa chân phải do điều trị không đúng cách và chậm chuyển viện. Theo kết luận của Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân sai sót là do bác sĩ thiếu kiến thức về chuyên ngành chấn thương chỉnh hình nên không phát hiện sớm tắc động mạch khoeo, dẫn đến biến chứng trầm trọng phải cắt cụt chân của bệnh nhi.
Trường hợp bé Lê Nguyễn Quốc Hào (6 tuổi; ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) bị đau chân trái nhưng bác sĩ mổ nhầm chân phải cũng gây bức xúc dư luận. Cũng tại Vĩnh Long, một bệnh nhân xấu số khác đã chết oan uổng do bác sĩ tại BV Đa khoa TP Vĩnh Long chẩn đoán… nhầm. Theo đó, bệnh nhân bị thủng dạ dày nhưng 2 bác sĩ tại đây chẩn đoán bị đau ruột thừa. Sau đó, người bệnh đã tử vong khi đang chuyển lên BV Chợ Rẫy (TP HCM).
Một sai sót y khoa khác từng gây nhức nhối dư luận là trường hợp cháu Trần Anh Đức (21 tháng tuổi; ngụ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) bị cắt nhầm bàng quang vào cuối năm 2012. Thay vì chẩn đoán cháu bé bị thoát vị bẹn và chỉ định can thiệp, các bác sĩ BV Đa khoa khu vực Cam Ranh lại cắt mất bàng quang! Sau phẫu thuật, bụng bé Đức trướng dần lên, không tiểu được…, phải chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và may mắn được cứu sống.
Nguồn Cuocsong1s.com