Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Những vitamin “tiếp tay” cho ung thư

Đã có nhiều ý kiến chuyên môn nhận định, nhiều loại vitamin có khả năng phòng chống ung thư, nhưng ngược lại cũng có nhiều vitamin không những không góp phần ngăn chặn sự phát triển của bệnh ung thư mà lại “tiếp tay” cho các tế bào ác tính có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng phát triển và di căn đến nhiều nơi khác.

Vitamin thúc đẩy tế bào ung thư phát triển

Vitamin B1: Đây là loại vitamin không chống chỉ định cho bệnh nhân ung thư nhưng phải hết sức thận trọng khi dùng cho các bệnh nhân này. Một số bệnh nhân ung thư như: ung thư máu (bệnh bạch cầu), bệnh ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, thực quản...) và một số khối u ác tính tiến triển nhanh đều gây ra hậu quả thiếu hụt vitamin B1. Hơn nữa, khi dùng các thuốc điều trị khối u cũng phát sinh ra sự thiếu hụt này dẫn đến những hậu quả như tê bì, suy giảm trí nhớ và tăng lượng acid lactic trong máu (gây tình trạng toan hóa máu). Vì vậy, người bệnh ung thư thường được bác sĩ chỉ định cho dùng bổ sung vitamin B1 trong quá trình điều trị. Nhưng nếu dùng quá nhiều vitamin B1 cho bệnh nhân thì lại gây ra sự tăng trưởng của các khối u làm cho ung thư tiến triển nhanh hơn.

thuoc-vitamin3-1437470737298.jpg 
Việc dùng một số vitamin không theo chỉ định dễ “tiếp tay” cho tế bào ung thư phát triển mạnh hơn.

Quan hệ giữa vitamin B1 và ung thư đã được làm sáng tỏ vào năm 1997. Cơ chế của sự kiện này là khi các tế bào ung thư phân chia với tốc độ nhanh đã sản sinh ra một loại đường là ribose. Đó là một khung để hình thành các vật liệu di truyền quan trọng của các tế bào sống là ADN và ARN. Các vật liệu này lại rất cần thiết cho sự hình thành các tế bào ung thư mới. Ở các tế bào bình thường, sự tái tạo này rất cần đến ôxy, nhưng các tế bào ung thư do tốc độ phát triển nhanh đã tìm cách “sáng tạo” ra một con đường khác không cần đến ôxy thông qua một loại enzym gọi là transketolase (gọi tắt là TK), mà con đường này lại rất cần đến vitamin B1. Các nhà khoa học gọi cơ chế tương hỗ này là “phản ứng phụ thuộc vitamin B1”.

Phát hiện quan trọng trên không những có giá trị hạn chế việc dùng vitamin B1 cho những bệnh nhân ung thư mà còn định hướng cho việc tìm kiếm một loại thuốc có tác dụng kìm hãm enzym TK nhằm chữa trị ung thư.

Vitamin B12: Vitamin B12 được biết đến đầu tiên với tác dụng chống lại bệnh thiếu máu có hồng cầu khổng lồ (bệnh Biermer) và tăng cường chuyển hóa đối với các nơron thần kinh nên thường được dùng phối hợp với vitamin B1 và vitamin B6 để điều trị nhiều căn bệnh đau nhức, tê bại... Về tác dụng được lý, vitamin B12 có khả năng làm cho các tế bào tăng trưởng mạnh, vì thế bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ sau khi được điều trị bằng vitamin B12 đã nhanh chóng hồi phục. Về mặt cơ chế bệnh sinh, ung thư cũng là một căn bệnh mà sự phát triển các tế bào ác tính là vô tổ chức và không thể kiểm soát nổi. Các thuốc điều trị ung thư đều nhằm tiêu diệt tế bào hoặc là kìm hãm sự phát triển của chúng. Nhưng vitamin B12 lại tác dụng ngược lại kích thích các tế bào phát triển nhanh hơn. Vì vậy, việc dùng vitamin B12 cho bệnh nhân ung thư chỉ làm cho bệnh càng tiến triển nhanh hơn.

Trong thực tế, ít có thầy thuốc chỉ định dùng vitamin B12 cho bệnh nhân ung thư mà chủ yếu là tự bệnh nhân mua dùng hoặc bệnh nhân dùng thuốc bổ vitamin tổng hợp trong đó có vitamin B12. Cần hết sức lưu ý là hiện nay có nhiều loại thuốc xếp vào loại thuốc bổ hay thuốc tăng lực có phối hợp nhiều loại dược chất khác nhau như: muối khoáng, vitamin, tinh chất nhân sâm... đều có chứa một hàm lượng vitamin B12 nhất định. Người bệnh ung thư dùng thuốc để chống suy nhược sẽ vô tình “tiếp tay” cung cấp năng lượng cho tế bào ác tính phát triển mạnh hơn và di căn đi những cơ quan khác của cơ thể. Thậm chí có người còn dùng nhiều loại thuốc bổ đồng thời mà không biết trong thành phần của thuốc chứa những chất gì, điều này sẽ càng nguy hại nếu như trong những thuốc đó có chứa thành phần chống chỉ định cho bệnh ung thư.

Dùng vitamin C liều cao làm đề kháng các biện pháp điều trị

Một trong những lý do khiến vitamin C được ưa chuộng để dùng cho bệnh nhân ung thư với hy vọng cải thiện tình trạng bệnh là nó chống lại tác động xấu của liệu pháp xạ trị, hóa trị bằng cách giảm tác hại của việc thiếu dưỡng khí. Nhưng nếu người bệnh dùng vitamin C liều cao sẽ vô tình làm giảm tác dụng của các phương pháp tiêu diệt khối u. Khuyến cáo này dựa trên phát hiện là các tế bào ung thư thực sự chứa một lượng lớn vitamin C - chất có thể bảo vệ tế bào ung thư khỏi tác hại của việc thiếu dưỡng khí. Trong khi đó, nhiều biện pháp điều trị ung thư lại hoạt động theo cơ chế gây ra tình trạng thiếu dưỡng khí cho các gen của tế bào ung thư. Nếu trong tế bào ung thư có chứa nhiều sinh tố C thì điều này lại làm cho liệu pháp xạ trị bị đề kháng, giảm tác dụng.

Theo suckhoedoisong.vn 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image