Căng thẳng gấp bội ngày thường
Tết đã cận kề, tại Bệnh viện Bạch Mai - bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, các y, bác sĩ dường như cũng hối hả chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Một bệnh nhân, 10 người nhà, cuống quýt, lo sợ. Các y, bác sĩ, điều dưỡng ngoài việc nhanh chóng tiến hành cấp cứu, xử trí bệnh nhân, còn “đảm” thêm việc trấn an người nhà.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, ngày thường công việc của cán bộ nhân viên tại đây đã quá vất vả, nhưng ngày Tết còn căng thẳng và áp lực hơn nhiều lần. Bởi vì Tết cũng là dịp khiến nhiều mặt bệnh gia tăng như: Ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, tại nạn giao thông, các bệnh nội khoa (cao huyết áp, đái tháo đường…) do thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, sao nhãng thuốc men…
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách trung tâm cho biết, từ Tết Dương lịch tới nay, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 2 - 3 trường hợp ngộ độc rượu. Những ngày cận Tết Nguyên đán, bệnh nhân ngộ độc rượu càng gia tăng. Có những trường hợp nhập viện điều trị gần một tuần nhưng vẫn hôn mê, não bị tổn thương do ngộ độc rượu. Lại có trường hợp nhập viện một ngày, gia đình xin về do bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol quá nặng.
Về kế hoạch trực Tết Nguyên đán, TS Dương Đức Hùng chia sẻ, ngoài công tác chuyên môn, trong dịp Tết, Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện mỗi ngày phải chuẩn bị hai bữa ăn với gần 1.000 suất ăn/bữa cho hơn 600 bệnh nhân ăn Tết tại viện và hơn 350 cán bộ y tế. Trong khi đó, ngày mùng 1 và mùng 2 Tết không có chợ nên công tác dự trữ lương thực, thực phẩm không hề đơn giản, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… TS Dương Đức Hùng chia sẻ: “Chính vì khối lượng công việc nhiều nên không một y, bác sĩ nào thích Tết. Thế nhưng đặc thù công việc là vậy nên chỉ còn cách cán bộ nhân viên động viên lẫn nhau, lấy niềm vui khỏa lấp nỗi buồn mỗi khi cứu thêm được một bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần”.
TS Dương Đức Hùng cho rằng, cứ sau mỗi dịp Tết, Bệnh viện lại rút ra những bài học kinh nghiệm làm căn cứ để tổ chức ứng trực cấp cứu tốt hơn, với mục tiêu lấy bệnh nhân làm trung tâm. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 3.000 - 4.000 người đến khám. Năm nay, bệnh viện mở thêm 4 buồng khám tại các khoa khám bệnh, đồng thời tăng cường tất cả bộ phận (như sinh hóa, điện tim, X-quang…) đi kèm để đảm bảo bệnh nhân đến khám không phải chờ đợi. Thêm vào đó, bệnh viện cũng tổ chức 4 đội cấp cứu ngoại viện cùng với hệ thống vali cấp cứu để sẵn sàng lên đường ứng phó cho tuyến dưới khi không may có sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Một bệnh viện hạng đặc biệt khác là Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức. Đây luôn được xem là “điểm nóng” nhất trong cấp cứu tai nạn giao thông các dịp lễ, Tết. Bệnh viện đã lên kế hoạch phục vụ bệnh nhân với sự chuẩn bị chu đáo.
Theo thống kê của bệnh viện, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu từ 120 - 150 bệnh nhân, trong đó 70% số bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu đông, đòi hỏi bác sĩ phải “quay cuồng” xử lý. GS.TS Trần Bình Giang - Phó Giám đốc bệnh viện dự báo: “Dịp Tết, số bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông, do lạm dụng rượu bia sẽ tăng 15 - 20%. Việc tăng cường thêm nhiều bác sĩ cấp cứu tại các khoa, phòng dịp Tết luôn được bệnh viện chú trọng. Với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, bệnh viện đã lên kế hoạch điều động lực lượng bác sĩ, điều dưỡng ứng trực 24/24h để bảo đảm cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện cũng có phương án dự phòng nguồn nhân lực tăng cường khi có tình huống phát sinh”.
Để xảy ra thiếu sót, giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm
Chia sẻ về kế hoạch trực Tết tại Bệnh viện Nhi Trung ương, BS Lê Thị Minh Hương – Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, kế hoạch trực chuyên môn đã được lãnh đạo bệnh viện phân công rõ ràng, trách nhiệm… Bệnh viện đặc biệt chú ý, tăng cường nhân lực cho cấp cứu và các khoa nặng như: Cấp cứu sơ sinh; Hồi sức cấp cứu nội khoa; Hồi sức ngoại khoa; Cấp cứu chống độc. Ngoài ra, phòng khám của bệnh viện vẫn làm việc 24/24h trong những ngày Tết. Trong đó, bệnh viện điều phối nhân lực theo mức độ bệnh nhân để họ không chờ đợi quá lâu. BS Lê Thị Minh Hương chia sẻ: “Ngoài ra, chúng tôi chuẩn bị đội dự phòng cấp cứu ngoại viện, hỗ trợ tận nơi cho những bệnh nhân tuyến dưới quá nặng, không thể đi được”.
Ngoài vấn đề chuyên môn, theo BS Lê Thị Minh Hương, Bệnh viện Nhi Trung ương còn chuẩn bị Tết cho khoảng 1.000 bệnh nhân nội trú, gồm thuốc men, dinh dưỡng, an toàn cho người bệnh ngày Tết, đề phòng trộm cắp. Dự kiến, khoảng những ngày 27 - 28 tháng Chạp, bệnh viện sẽ làm chương trình Tết cho bệnh nhân, mang âm nhạc tới bệnh nhân và tặng quà cho những bệnh nhân nghèo, bệnh nặng. Bên cạnh đó, trong 4 ngày Tết, bệnh viện sẽ phát phiếu ăn cho người nhà bệnh nhân. Trong ngày Tết, nếu rét nhiều, rét đậm, bệnh viện cũng chuẩn bị phương án gia cố phòng ốc, trang thiết bị, sắp xếp chăn màn, mua thêm lò sưởi để đảm bảo ấm cho bệnh nhân.
Trên phương diện quản lý, bà Lưu Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế Thủ đô cũng đã sẵn sàng kế hoạch cấp cứu dịp Tết, đặc biệt tại các điểm tập trung đông người, khu vui chơi giải trí, điểm bắn pháo hoa, hội chợ. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập có kế hoạch bảo đảm nhân sự, phương tiện, thực hiện tốt công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Bà Lưu Thị Liên nhấn mạnh, các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô phải bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh và người nhà bệnh nhân trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã, đồng thời thực hiện đúng các quy chế, quy trình chuyên môn kỹ thuật, tổ chức thăm hỏi người bệnh điều trị trong dịp Tết và bố trí cán bộ lãnh đạo trực chuyên môn. Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra thiếu sót trong công tác đảm bảo y tế tại đơn vị trong những ngày nghỉ Tết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ thị về việc thực hiện tốt công tác đảm bảo y tế trong dịp Tết Bính Thân 2016. Trong đó, yêu cầu các bệnh viện trực 24/24 giờ; lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày Tết. Các bệnh viện cần dự trữ đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh; đảm bảo tất cả người bệnh được điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch, giám sát dịch tễ từ tuyến xã và các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch…
Nguồn giadinh.net.vn