Mùng 8.3 cũng như những ngày bình thường khác, tại các bệnh viện nữ bác sĩ, y tá, điều dưỡng vẫn từng ấy công việc. Với tính chất công việc vất vả, áp lực cao, dễ lây nhiễm, lại nguy hiểm, họ đã quên đi hạnh phúc riêng vì người bệnh.
Nữ điều dưỡng Mai Thị Thu Hiền chăm sóc người bệnh là niềm vui mỗi ngày
Bệnh viện là nhà
Ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một ngày làm việc không có thời gian nghỉ. Các ca trực nối tiếp nhau và bác sĩ, y tá hay điều dưỡng cũng trong vòng quay đó. Ca trực thứ nhất trong ngày kéo dài từ 7 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Ca trực thứ hai từ 14 giờ chiều đến 21 giờ đêm. Ca thứ ba nối tiếp thời gian còn lại trong ngày đến 7 giờ sáng hôm sau.
Nữ điều dưỡng Phạm Thị Hạnh có thâm niên hơn 10 năm công tác tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) đã quen với công việc của mình. Ở đây hay bất cứ bệnh viện nào, khoa Cấp cứu luôn là nơi "đầu sóng, ngọn gió".
Thế nên, chị Hạnh cũng như bao nhân viên y tế nơi đây luôn xác định phải "chiến đấu" với dịch bệnh. Hơn 10 năm công tác tại đây, chị cùng các đồng nghiệp đã chứng kiến, trải qua nhiều trận dịch bệnh, thậm chí có những dịch nguy hiểm như cúm A/H5N1, sốt xuất huyết hay sởi...
Điều dưỡng Phạm Thị Hạnh chăm sóc bệnh nhân
Chị Hạnh cho biết, ở đây nam cũng như nữ, phải trực đêm liên tục. Mỗi điều dưỡng viên sẽ chăm sóc khoảng 5-7 bệnh nhân, cao điểm đợt dịch có khi lên tới 8 người, chủ yếu là những bệnh nhân nặng.
Ngành y vốn vất vả, phụ nữ vất vả tăng lên gấp bội. Giờ giấc sinh hoạt không theo đồng hồ sinh học. Nhiều ca trực bệnh nhân đông cả khoa phải tập trung cấp cứu. Việc 4-5 giờ chiều mới ăn bữa trưa. Bữa ăn nhanh chóng chứ không thể ngồi lâu. Thậm chí muốn đi giải quyết vệ sinh cá nhân nhiều khi phải nhịn. Đêm cũng như ngày, không có thời gian nghỉ nếu là ca trực của mình. "Khoa Cấp cứu mà, chậm một chút là bệnh nhân có thể tử vong", chị phân trần.
Lo xong công việc chuyên môn, chị còn phải làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ. “Về làm dâu, ai đời Tết chỉ về nhà chồng 2 ngày rồi lại phải lên viện trực. Giỗ chạp hầu như không thể có mặt. May được sự cảm thông của gia đình”, chị Hạnh tâm sự.
Giờ giấc đi làm thất thường nên con cái phải nhờ vào chồng chăm sóc. “Có khi chăm con bệnh nhân hơn là con mình”, chị Hạnh nói vui. Có lẽ do không còn thời gian nhiều bên gia đình, những công việc đáng lẽ mẹ phải làm đều nhờ vào bố nên con chị Hạnh nhất định không tả mẹ "đi chợ, nấu cơm" trong bài văn của mình. Cháu nói: “Con không thấy mẹ như thế, mẹ suốt ngày ở viện thôi”.
Niềm vui bên người bệnh
Nữ điều dưỡng Mai Thị Thu Hiền (sinh năm 1989) công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới 8 năm, trong đó 5 năm làm tại Khoa Cấp cứu.
Hiền cũng như các chị em nơi đây chẳng có ngày nào là ngày lễ, ngày nghỉ bởi các ca trực liên miên. Ngần ấy thời gian đi làm cũng là từng ấy năm chị không đón Tết bên gia đình vì phải trực. Nhưng Hiền vẫn vui vẻ, hăng hái vì đem lại niềm vui cho người bệnh. Ai vào đây cũng nặng nên thấy người bệnh khoẻ lên là bác sĩ, y tá, điều dưỡng vui lắm.
Nữ điều dưỡng Thu Hiền chia sẻ: Mình còn một thân, một mình nên bận mấy cũng được. Các chị có gia đình rồi nhiều lúc không còn thời gian cho bản thân. Hết công việc ở viện lại về nhà làm vợ, làm mẹ. May mắn hầu hết các chị đều nhận được sự cảm thông của người thân.
Công việc một ngày của nhân viên y tế, đặc biệt là nữ tại các bệnh viện là thế. Vất vả, áp lực nhưng các chị vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nguồn Laodong.vn