Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các bệnh viện tự chủ tài chính là điều cần phải làm nhưng phải đi từng bước. Tinh thần là các bệnh viện phải tiến tới tự chủ.
Chiều 11.10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với 2 bệnh viện là Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) và Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM). Tại đây, các bệnh viện đã trình bày với phó thủ tướng về những bất cập, khó khăn trong việc trích quỹ cải cách tiền lương, thực hiện tự chủ tài chính, định mức mua sắm trang thiết bị y tế...
Theo TS.BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, việc quy định bệnh viện phải trích 35% đến 40% nguồn thu cho quỹ cải cách tiền lương là điều không hợp lý, nhất là trong điều kiện bệnh viện đang tự chủ tài chính.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết chỉ tính riêng trong năm 2017, Bệnh viện Nhân dân 115 trích đóng quỹ cải cách tiền lương lên đến 85 tỉ đồng nhưng chỉ được TP chi cho bệnh viện 5,5 tỉ đồng. Như vậy, bệnh viện này đã mất gần 80 tỉ đồng từ nguồn thu của mình.
Trong khi đó, hiện nay giá dịch vụ y tế chỉ mới tính 4/7 yếu tố, còn 3 yếu tố nữa chưa được tính, mức lương cơ sở cũng mới tính ở mức 1.150.000 đồng, trong khi mức lương cơ sở hiện nay đã là 1.390.000 đồng.
Ông Báu cho rằng trong điều kiện như thế lại còn phải trích quỹ cải cách tiền lương đến 40% nguồn thu khiến thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện giảm đáng kể, nhiều bác sĩ dù rất muốn gắn bó với bệnh viện nhưng cũng phải ra đi. “Chúng tôi là bệnh viện tự chủ hoàn toàn, cần phải có nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên y tế. Bệnh viện cần phải giữ lại toàn bộ quỹ cải cách tiền lương trên”, ông Báu kiến nghị và mong muốn bệnh viện được tự chủ tài chính như một doanh nghiệp theo mô hình công ty TNHHMTV. Vì thực tế, rất nhiều lĩnh vực mà bệnh viện cần phải xã hội hóa, nếu không sẽ rất khó có thể thực hiện được.
Trước ý kiến trên, ông Nguyễn Đình Khương - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng việc xã hội hóa ngành y tế hiện nay đang đi quá nhanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những bệnh viện tuyến quận - huyện đang lay hoay không biết làm sao.
Về vấn đề cổ phần hóa bệnh viện, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là điều rất phức tạp, cần phải đi từng bước. Tất nhiên cổ phần hóa có mặt tích cực nhưng cũng có mặt trái của nó, vì dễ gây ra sự bất bình đẳng, những người nghèo không có điều kiện tiếp cận với y tế hiện đại, chất lượng cao mà chỉ có những người giàu mới tiếp cận được với dịch vụ này.
“Tự chủ tài chính là điều cần làm, nhưng phải làm từng bước. Tinh thần là các bệnh viện phải tiến tới tự chủ”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó thủ tướng cũng cho biết Nghị định tự chủ tài chính dành cho các bệnh viện ban hành quá chậm, trong khi đó rất nhiều bệnh viện ở các nơi mong muốn được tự chủ sớm.
“Vừa rồi tôi đã trực tiếp họp với 4 bệnh viện lớn. Đầu tiên chỉ chọn 4 bệnh viện trung ương là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy cho thí điểm tự chủ tài chính trong lúc chưa có Nghị định về tự chủ tài chính. Tôi có nghe lãnh đạo TP.HCM nói, có nhiều bệnh viện của TP không trực thuộc Bộ Y tế cũng muốn tự chủ tài chính. Do đó, tôi muốn vào đây để khảo sát như thế nào”, Phó thủ tướng nói và cho biết trong điều kiện như hiện nay, bệnh viện nào của TP.HCM có khả năng tự chủ tài chính thì nên cho tự chủ để bệnh viện tự lo. Nguồn ngân sách đó, TP dành chi cho những hoạt động khác. Bởi TP.HCM không chỉ lo cho người dân của TP mà còn lo cho cả người dân của các tỉnh, thành khác, vì hơn 50% bệnh nhân khám, chữa bệnh là đến từ các địa phương khác.
Nguồn: https://motthegioi.vn