Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình (BSGĐ )giai đoạn 2016-2020 diễn ra tại 56 điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu trung ương có sự tham dự của hơn 150 đại biểu
Bác sĩ gia đình có quyền chuyển tuyến khi cần thiết
Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế tại hội thảo cho biết, đến cuối năm 2015, đã thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại 6 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là gắn với hoạt động của bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập hoặc trạm y tế xã, phường. Trong đó có 234 phòng khám BSGĐ công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%), đã thực hiện thanh toán BHYT do các cơ sở KCB này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Mặc dù mới thành lập, các phòng khám BSGĐ đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ theo mô hình của Bộ Y tế quy định, thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám BSGĐ người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị
Thông tin tại hội thảo cũng cho biết một số phòng khám BSGĐ có hoạt động hiệu quả thời gian qua như: Phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công, phòng khám BSGĐ tại Bệnh viện Quận 2 TP Hồ Chí Minh… đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến.
“Mô hình BSGĐ trước mắt được tích hợp vào hoạt động của các trạm y tế xã phường là hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ đầu, liên tục, gần dân nhất, chăm sóc toàn bộ các thành viên trong gia đình theo nhóm dân cư. Điều đó không có nghĩa là BSGĐ chỉ đến tận nhà dân khám chữa bệnh mà chỉ là một trong những hoạt động khi bệnh nhân già yếu hoặc không đi lại được. BSGĐ có quyền chuyển tuyến khi cần thiết”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Các địa phương cần quan tâm phát triển bác sĩ gia đình
Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo và đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở nói chung và phát triển BSGĐ nói riêng theo định hướng, kế hoạch của Bộ Y tế. Chủ tịch UBND 8 tỉnh, thành phố là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế phát huy kết quả bước đầu, triển khai quyết liệt mô hình phòng khám BSGĐ tại địa phương, lựa chọn một số đơn vị (trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám BSGĐ tư nhân) để xây dựng mô hình phòng khám BSGĐ hoàn chỉnh, làm điển hình nhân rộng tại địa phương và cả nước.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với các Sở, Ngành liên quan để khảo sát, đánh giá thực trạng y tế cơ sở, nhu cầu chăm sóc ban đầu của nhân dân địa phương, xây dựng kế hoạch cụ thể và lộ trình, thời gian cụ thể triển khai nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại địa phương… Các Sở Y tế và các đơn vị phải quán triệt sâu sắc đến cán bộ y tế để có nhận thức, hiểu biết đúng về vai trò, hiệm vụ và ý nghĩa của việc phát triển BSGĐ ở nức ta sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Về phía các trường đại học chuyên ngành y, Bộ Y tế yêu cầu có trách nhiệm chủ động thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, nghiên cứu khoa học về Y học gia đình. Trong năm 2016 phải đào tạo được nhiều bác sĩ đa khoa học về y học gia đình theo chương trình ba tháng.
Tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phòng khám BSGĐ là một mô hình hay trên thế giới nhưng việc triển khai thực hiện ở nước ta còn vướng mắc và chưa thông suốt, tiến độ thực hiện còn chậm và chưa tạo được chuyển biến vì nơi làm tốt nhất thì số trường hợp khám bệnh tại trạm y tế cũng chỉ tăng khoảng 15%.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Vấn đề cần làm hiện nay theo Phó Thủ tướng là tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm cả phòng bệnh, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật) cho trạm y tế cơ sở. Đồng thời có mức độ phân biệt rõ ràng giữa các trạm y tế ở nông thôn, đặc biệt là miền núi với trạm y tế ở thành phố. Hiện nay, ở nhiều nơi, trạm y tế xây dựng khang trang nhưng không có bệnh nhân đến khám, còn ở miền núi không có trạm y tế.
“Bây giờ còn nơi nào chưa có trạm y tế thì cần phải xây dựng, đừng cứng nhắc rằng cứ mỗi xã một trạm, có những nơi ở miền núi 1 xã cần có nhiều trạm. Vấn đề cần nhết hiện nay là đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh
Giai đoạn 2016-2020, ngành y tế sẽ nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám BSGĐ: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước
Nguồn Suckhoedoisong.vn