Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

PHÒNG CHỐNG CÁC DỊCH BỆNH TRONG MÙA BÃO LŨ

Bão lũ, thiên tai đã, đang và sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh - xã hội. Trong đó vấn đề bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân luôn được quan tâm. Sau bão lũ, thiên tai là nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Trao đổi giữa phóng viên Phòng Công tác xã hội với PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về những bệnh truyền nhiễm thường phát triển vào mùa bão lũ và cách phòng chống.

Sau và trong bão lũ, mưa lụt, sạt lở núi, đất đá, thiên tai khốc liệt, bùn đất làm ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến gia súc, vật nuôi, cây trồng. Các vi sinh vật, vi khuẩn, nấm phát triển từ các chất thải, xác động vật, bùn đất sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sống. Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường có 6 nhóm dịch bệnh trong mùa mưa lụt, bão lũ mà chúng ta cần biết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

BỆNH NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIÊU HÓA

Nguyên nhân chính là nguồn nước bị ô nhiễm, người dân thiếu nguồn nước sạch để sử dụng trong ăn uống sinh hoạt. Môi trường sống thiếu an toàn, nhiều ruồi nhặng, cây trồng vật nuôi bị ảnh hưởng. Tiếp đó là việc bảo quản thức ăn đồ uống khó khăn, việc vệ sinh an toàn thực phẩm không được bảo đảm. Những bệnh như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm E.Coli, tụ cầu, ký sinh trùng sẽ gây đau bụng, buồn nôn, mất nước, sốt… ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa nói chung, đặc biệt là dạ dày, gan, đại tràng, mật. Một số bệnh như tả, thương hàn có thể gây thành dịch, lây lan nhanh trong cộng đồng.

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường thăm khám cho người dân ở Chiêm Hoá, Tuyên Quang chịu ảnh hưởng của bão lũ 
 

Cách phòng chống bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa trước hết là ăn chín, uống sôi, đảm bảo nguồn nước sạch, trước hết ưu tiên cho việc ăn uống. Vệ sinh môi trường, quản lý nguồn phân, chất thải, xác động vật chết. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Chú trọng nguồn thực phẩm, không ăn thức ăn ôi thiu. Uống và tiêm vacxin khi có chỉ định của y tế.

BỆNH NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG HÔ HẤP

Môi trường ẩm thấp, không khí bị ô nhiễm do mưa lũ, sạt lở kéo dài làm gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, các chủng cúm, covid 19 và dễ lây lan trong cộng đồng. Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, sốt, đau họng, ho khan hoặc ho có đờm, khó thở. Đối tượng những người dễ mắc là trẻ em, người cao tuổi, người có các bệnh nền, bệnh mạn tính.

Cách phòng chống là để thông thoáng nơi ở, giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh, vệ sinh môi trường, hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện nêu trên, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Nếu thấy những hiện tượng nêu trên cần đi khám ở cơ sở y tế gần nhất. 

BỆNH DO MUỖI TRUYỀN VÀ MỘT SỐ CÔN TRÙNG MANG MẦM BỆNH

Trong mùa mưa bão ẩm thấp, muỗi, mò phát triển, sinh sôi nảy nở rất nhanh. Bệnh nguy hiểm thường gặp nhất và dễ lây lan thành dịch lớn là sốt xuất huyết Dengus do muỗi vằn mang viruts truyền sang người qua vết đốt và truyền bệnh. Biểu hiện ban đầu có thể là sốt cao, đau đầu, đau người, đau hốc mắt, mệt mỏi. Sốt xuất huyết Dengus có thể nguy hiểm đến tính mạng khi ở các cấp độ nguy hiểm như giảm tiểu cầu kèm theo cô đặc máu, chảy máu tự phát....

Tiếp đó là bệnh viêm não Nhật Bản cũng do muỗi Culex mang virus Jev truyền bệnh và có thể lây lan trong cộng đồng. Viêm não Nhật Bản gây sốt cao, co giật, hôn mê, tổn thương não, nguy cơ tử vong cao.

Cách phòng chống muỗi đốt và truyền bệnh là vệ sinh môi trường, khơi thông nước tù đọng, diệt bọ gậy, loăng quăng. Đi ngủ mắc màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài, phun kem chống muỗi (loại dành cho người không độc hại), hạn chế thấp nhất bị muỗi đốt. Phun thuốc diệt muỗi ở những nơi có nguy cơ cao thành ổ dịch. Bệnh sốt xuất huyết Dengus và bệnh viêm não Nhật Bản còn có thể phòng chống hiệu quả bằng tiêm vacxin.

BỆNH LÂY KHI TIẾP XÚC VỚI NƯỚC VÀ VẬT DỤNG

Môi trường nước và các vật dụng sau mưa bão, lũ lụt thường có nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển, có thể gây bệnh cho người qua tiếp xúc với nước và vật dụng.

Bệnh uốn ván: Bệnh nhân có vết thương do tiếp xúc có bụi bẩn, nước bẩn... bị băng kín hoặc còn dị vật trong vết thương. Biểu hiện: Cứng hàm, co giật trên nền co cứng.

Bệnh Whitmore là bệnh phát triển vào mùa mưa, lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với đất bẩn. Biểu hiện: Sốt, sưng, viêm tạo apxe ở một số vị trí trên cơ thể. 

Bệnh Leptospira: Sau khi tiếp xúc với nước bẩn, 1 đến 2 tuần xuất hiện sốt cao, rét run, buồn nôn, nôn, đau đầu dữ dội, đau cơ, nhất là đau cơ vùng lưng, bụng, cơ bắp chân và đùi. Sau pha sốt là pha vàng da, có thể có suy gan, suy thận.

Bệnh do Aeromonas hydrophila: Vi khuẩn thường trú ngụ tại môi trường nước ấm và vùng nước lợ ven biển. Bệnh lây do nuốt phải vi khuẩn hoặc qua các vết trầy, xước da, vết cắt, mụn, nhọt, lở loét khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn. Biểu hiện: Sốt, sưng đau hoại tử vùng mô tổn thương, có thể sốc, suy đa tạng.

Bệnh do Vibrio Vulnifcus: Vi khuẩn hay ký sinh trong các loài hải sản như tôm, ốc, cá biển... Lây qua tiêu thụ hải sản bị ô nhiễm hoặc có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với nước biển có chứa các vi khuẩn. Biểu hiện là tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, sốt, nhiễm trùng da, có thể sốc và suy đa tạng.

Bác sĩ Nguyễn Bá Tiến - Phó trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bà con chịu ảnh hưởng của bão lũ tại Yên Bái 
 

CÁC BỆNH VỀ DA

Mùa mưa lũ cũng gia tăng các bệnh viêm da tiếp xúc, bệnh nấm da, chốc, viêm kẽ, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Ban ấu trùng di chuyển do nhiễm ấu trùng giun sán có trong nguồn nước bẩn xâm nhập vào da...

Cách phòng chống các bệnh về da và bệnh lây qua tiếp xúc với nguồn nước bẩn, bùn đất: Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Lưu ý: Tại nơi mưa lũ, nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát. Không mặc quần áo ẩm ướt, không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong vùng nước ngập. Nước bẩn không chỉ gây bệnh về da mà còn gây ra nhiều bệnh đường tiêu hóa. Hạn chế lội vào vùng nước bẩn tù đọng, nếu bắt buộc phải lội thì ngay sau đó phải vệ sinh bằng nước sạch và lau khô, kể cả kẽ chân, kẽ tay.

CÁC BỆNH VỀ MẮT

Mùa mưa bão, lũ lụt cũng làm gia tăng các bệnh về mắt như: Bệnh viêm kết mạc- đau mắt đỏ (có thể lây lan thành dịch trong cộng đồng) biểu hiện mắt viêm sưng, đỏ, nhức, nhiều ghèn dử mắt; Bệnh viêm tắc lệ đạo với biểu hiện sưng đỏ nề phần bên ngoài của mi mắt, chảy mủ mắt ,khó cử động mí mắt; Bệnh viêm bờ mi với biểu hiện sưng nhức và nóng rát ở mắt, khô mắt, ghèn tích tụ ở lông mi và khóe mắt.

Cách phòng chống không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn, không để trẻ em tắm gội chơi đùa với nước bẩn, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ, tra thuốc nhỏ mắt Chloramphenicol 0,4%  hoặc Agrirol 1% cho những người tiếp xúc với nước bẩn. Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

TRÊN ĐÂY LÀ 06 NHÓM BỆNH TRUYỀN NHIỄM CẦN PHÒNG CHỐNG TRONG MÙA MƯA BÃO, LŨ LỤT. BÀ CON CẦN CHÚ Ý VÀ KHI CÓ NHỮNG BIỂU HIỆN BẤT THƯỜNG CẦN ĐẾN KIỂM TRA TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ GẦN NHẤT.

Bài: Thuỳ Dương/Ảnh: Thành Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image