Thời tiết miền Bắc đang bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ có khi lên tới 38 - 40 độ C khiến những người có sức đề kháng thấp, đặc biệt là người già, có nguy cơ bị đột quỵ do say nắng, sốc nhiệt.
Cẩn thận đột quỵ ngày nắng nóng.
Gia tăng số người già nhập viện
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, vào hè, số người bị đột quỵ tăng cao, cứ nhiệt độ tăng 1oC thì nguy cơ đột quỵ tăng 10%. Với thời tiết nắng nóng, nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời từ 32oC trở lên. Người già và trẻ em dễ bị đột quỵ do nắng nóng vì nhóm đối tượng này thích nghi với sự tăng nhiệt chậm hơn so với những người khác. Ghi nhận tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương trong những ngày gần đây, lượng bệnh nhân đến khám, nhập viện cấp cứu tăng gấp 3 lần ngày thường, chủ yếu là đột quỵ não, viêm phổi, rối loạn điện giải do đổ mồ hôi nhiều.
Ngoài các ca đột quỵ do hoạt động ngoài trời say nắng, có nhiều ca rối loạn điện giải, do trời nắng người già uống nước kém, cộng với mồ hôi ra nhiều làm mất nước; hoặc có nhiều ca viêm phổi do thay đổi môi trường đột ngột từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài nắng nóng...
Nhóm nguy cơ đột quỵ mùa nắng nóng là người già trên 60 tuổi dễ bị sốc nhiệt, hoặc những người già nhiều bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Đột quỵ do nhiệt cũng là dạng cấp cứu thường gặp, gây tổn thương não, cơ bắp và các cơ quan nội tạng.
Người già sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người ở vùng nông thôn. Bởi những ngày hè nắng nóng, người già ở các thành phố còn phải chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường tăng cao. Vào ban đêm, sức nóng từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.
Xử lý các biểu hiện của đột quỵ do nắng nóng
Bác sĩ Đình Thắng (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết, các gia đình cần lưu ý dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ ở người cao tuổi để phát hiện kịp thời. Cụ thể, khi có biểu hiện như nói khó, cầm nắm không vững, ho, sốt, huyết áp tăng, buồn nôn, chóng mặt hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác thì cần đến bệnh viện khám, không nên tự điều trị tại nhà. Thời điểm "vàng" điều trị đột quỵ là từ 4 - 6 giờ đầu sau tai biến. Khi xuất hiện các triệu chứng trên, gia đình đưa người bệnh đến viện ngay, không sử dụng biện pháp dân gian như xoa bóp, bấm huyệt, chích máu đầu ngón tay.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, những ngày nắng nóng người cao tuổi cần tránh hoạt động ngoài trời từ 10h - 16h. Sáng hoạt động nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, yoga, đạp xe, không nên hoạt động mạnh. Người già có thói quen tập thể dục buổi chiều. Tuy nhiên, với những ngày nắng nóng cực điểm, nhiệt độ cao thì không nên tập, bởi buổi chiều tuy nhiệt độ hạ nhưng nhiệt độ ngoài trời vẫn rất cao. Bên cạnh đó, người cao tuổi cần đặc biệt quan tâm đến chế độ chăm sóc, nên ăn, uống đồ chế biến dạng lỏng, mềm dễ tiêu, nhiều rau xanh, hoa quả; chịu khó uống nhiều nước và đều đặn để bù vào lượng nước mà cơ thể bị thiếu hụt. Đặc biệt, không nên đợi đến lúc khát mới uống; uống đủ ít nhất 2 lít nước/ngày.
Trong những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao và cơ thể chúng ta mất nước qua hơi thở, mồ hôi cũng có thể gây rối loạn về đông máu/ cầm máu và gây đột quỵ. Bệnh nhân nhiều bệnh lý nền cần uống thuốc đều, bởi thời tiết nắng nóng, người già thường mệt, khó chịu nên nếu bỏ thuốc điều trị... thì rất nguy hiểm, nhất là với người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch.
Trong ngày nắng nóng, các gia đình đều sử dụng điều hòa liên tục, tuy nhiên, những gia đình có người già, trẻ nhỏ thì cần lưu ý để nhiệt độ từ 27 - 29 độ C và có thêm quạt thông gió, máy tạo ẩm. Vào những khoảng thời gian thời tiết dịu mát, không nên lạm dụng điều hòa mà nên mở cửa để phòng thông thoáng.
Người cao tuổi cần hạn chế thay đổi môi trường đột ngột, ví như khi từ phòng điều hòa ra ngoài nắng nóng thì cần có không gian đệm để tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, để tránh biến chứng nặng, khi có dấu hiệu bất thường thì phải đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Hanoimoi.com.vn