Được chỉ định mổ chính cho một bệnh nhân bị đâm vào tim, tình trạng nguy kịch, dao vẫn găm sau lưng, vị bác sĩ mới 31 tuổi đã cùng ê kíp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã làm nên điều “thần kỳ”.
Gặp chúng tôi sau một ca làm việc, vẫn còn nguyên sự mệt mỏi và căng thẳng, nhưng bác sĩ Dương Xuân Phương (nhân vật được chúng tôi hẹn từ trước – PV) đã nhanh chóng tiến lại chủ động bắt tay, vui vẻ chào hỏi. Qua một vài câu chuyện, chúng tôi được biết bác sĩ Phương sinh năm 1985, quê gốc ở Thái Nguyên, trong một gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, không liên quan gì đến nghề y. Nhưng từ bé anh đã đam mê y học và có sự ảnh hưởng lớn từ người chú ruột là một bác sĩ (đồng thời là giảng viên của Trường Đại học Y dược Thái Nguyên – PV).
Bác sĩ trẻ Dương Xuân Phương (ngoài cùng bên phải) và đồng nghiệp chụp ảnh với nạn nhân, đại điện gia đình nạn nhân trước lúc xuất viên.
Năm 2004, anh Phương thi đỗ Đại học Y dược Thái Nguyên - một ngôi trường lớn về đào tạo nguồn nhân lực y khoa ở phía Bắc. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp loại ưu và được kết nạp Đảng ngay tại trường, anh Phương thi đỗ và tiếp tục học chương trình bác sĩ nội trú ngoại. Năm 2013, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Khi được PV nhắc đến việc anh và cộng sự đã mổ thành công cho một bệnh nhân bị dao đâm thủng tim rất nguy kịch ngay trong đêm khuya gây ấn tượng mạnh cho dư luận các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian vừa qua, anh vui vẻ cho biết: “Đây là thành tích chung của cả bệnh viện, của cả ekip. Sự việc cũng đã qua một thời gian nhưng vẫn để lại cảm xúc mạnh mẽ cho tôi”.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng khám và đánh giá tình trạng toàn thân, làm các cận lâm sàng cần thiết cho người bệnh. Khi có kết quả người bệnh được chẩn đoán xác định là vết thương tim và chỉ định phẫu thuật ngay trong đêm. Lãnh đạo bệnh viện mà trực tiếp là Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện đã tin tưởng giao cho bác sỹ Phương, bác sĩ Long phẫu thuật cùng với ekip trực khoa Gây mê hồi sức.Với ánh mắt tự tin và yêu nghề thấy rõ, anh Phương hứng khởi kể lại, khoảng 23h45 phút ngày 10/09/2016, lúc đó anh không trực nhưng được báo có người bệnh tên Hà Văn Mạnh (23 tuổi, ở Tân Sơn, Phú Thọ) được Bệnh viện đa khoa huyện Tân Sơn chuyển đến trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, thở qua bóp bóng nội khí quản, rất nguy kịch. Người nhà người bệnh cho biết anh Mạnh bị người khác dùng dao đâm vào ngực và lưng trái, sau đâm người bệnh bị choáng, bất tỉnh, chảy máu qua vết thương, người tím tái, khó thở, vẫn còn dao cắm ở phía lưng.
Trong lúc mổ cấp cứu, chúng tôi phải hút, lấy ra nhiều máu trong khoang màng phổi và khoang màng tim, tiến hành khâu vết thương vị trí tâm thất phải của tim. Ca mổ diễn ra trong thời gian 2 giờ. Sau khi mổ, người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh, qua 9 ngày điều trị người bệnh đã bình phục sức khỏe và được chỉ định ra viện, hiện nay đã hoàn toàn khỏe mạnh. Người bệnh và người nhà hết sức vui mừng, cảm động, liên tục cảm ơn. “Lúc đó chúng tôi mệt nhưng biết là bệnh nhân đã được cứu sống tôi thực sự cảm thấy vui mừng, hạnh phúc. Hơn lúc nào, tôi cảm nhận sự tồn tại của mình trong cuộc đời thật có ý nghĩa, thấy mình cần phấn đấu và học hỏi thêm nhiều nữa để làm việc, phục vụ người bệnh tốt hơn nữa” - bác sĩ Phương nhớ lại.
Bác sĩ trẻ Dương Xuân Phương và bệnh nhân Phạm Văn Mạnh.
Trong hoàn cảnh đó, động lực để các bác sĩ vững vàng chiến đấu giành giật sự sống cho người bệnh nhiều lúc rất đơn giản như một vị bác sĩ phẫu thuật tim mạch nổi tiếng ở nước ta từng nói: “Đôi khi chỉ là những ánh mắt cầu khẩn, những đôi bàn tay nắm chặt của bệnh nhân và người thân của họ”.Quả thực, công việc của người bác sĩ phẫu thuật liên quan đến tim mạch luôn phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng, áp lực, đặc biệt khi phải giành giật sự sống cho người bệnh trước tử thần nhiều khi trong gang tấc - phần sống ít hơn phần chết, thời gian tính bằng phút giây như trường hợp này chắc chắn sẽ còn áp lực nhiều hơn nữa, sự tác động của nó đến thần kinh, tâm trí có lẽ chỉ có người trong ngành mới thấu đến tường tận.
Chúng tôi hỏi tiếp, là một bác sĩ trẻ lần đầu tiên mổ chính trong ca phẫu thuật rất khó và phức tạp như vậy, liệu anh có bị áp lực và lo lắng không? Cơ sở nào để anh nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ lãnh đạo bệnh viện và giao cho anh nhiệm vụ nặng nề như vậy?
Anh Phương thật thà chia sẻ: "Trước ca mổ mình có chút lo lắng vì lần đầu mình đứng mổ chính 1 trường hợp vết thương tim, cũng lo lắng vì người nhà bệnh nhân đã rất tin tưởng bệnh viện, tin tưởng bác sỹ, giao tính mạng người bệnh cho các bác sỹ. Việc mình được tin tưởng giao trách nhiệm là cũng có cơ sở, vì chuyên khoa của mình là phẫu thuật tim mạch. Hơn nữa trước khi ca mổ đó diễn ra mình đã được đi học tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện E và mình là người phụ mổ các lĩnh vực liên quan đến chuyên môn của mình cho các thầy rất nhiều lần".
Trao dổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc, Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh Lồng ngực Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Đây là lần thứ 2 bệnh viện chúng tôi phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị vết thương ở tim, lần trước là vào năm 2009. Bác sĩ Phương là người có đạo đức tốt, nhiệt tình, hòa nhã với quần chúng, với đồng nghiệp, có trình độ chuyên môn tốt. Bệnh viện chúng tôi là bệnh viện đa khoa, có rất nhiều việc, tuy nhiên khi được phân công thì bác sĩ Phương luôn vui vẻ nhận nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc”.
Có thể nói, phẫu thuật tim mạch ở Việt Nam hiện nay không còn quá mới mẻ, nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện E, Bạch Mai, Việt Đức đã thực hiện rất nhiều kỹ thuật khó ngang hàng với trình độ của các nước phát triển như Pháp, Đức, Nhật...
Tuy nhiên những trường hợp cứu chữa thành công cho bệnh nhân bị vết thương ở tim tại các bệnh viện tỉnh tới thời điểm này là chưa nhiều, đặc biệt là khu vực miền núi vốn dĩ thiếu thốn và hạn chế phương tiện hỗ trợ, về máy móc, y cụ thì càng hiếm....
Do đó, việc một bác sĩ trẻ như anh Dương Xuân Phương ở Phú Thọ có thể hoàn thành một ca phẫu thuật như vậy trong điều kiện kỹ thuật chưa phải tốt nhất ngay trong lần đầu tiên được giao nhiệm vụ mổ chính liên quan đến vết thương ở tim thì có thể coi là xuất sắc, rất đáng ghi nhận và tuyên dương.
Đinh Mười – Thùy Du / KD&PL