Quy định của Bộ Y tế về việc bệnh nhân ung thư khi đến điều trị ngoại trú ở bệnh viện thuộc tỉnh thành khác phải ký cam kết, khiến cả người bệnh và bệnh viện gặp khó.
Bệnh nhân hóa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM
Tháng 3.2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư 01 quy định việc thực hiện hóa trị, xạ trị, hóa trị kết hợp xạ trị ban ngày tại cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Theo Thông tư 01, việc chỉ định cho bệnh nhân (BN) được điều trị xạ trị, hóa trị và hóa - xạ trị ban ngày do bác sĩ (BS) điều trị quyết định dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh lý của BN và chỉ áp dụng đối với BN cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi cơ sở KCB hoạt động. Trường hợp BN không cư trú trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nơi cơ sở KCB hoạt động thì việc điều trị ban ngày chỉ áp dụng đối với BN tự nguyện xin điều trị...
Nghĩa là BN phải ký cam kết tự nguyện điều trị. Tuy nhiên, giấy cam kết không có mẫu hướng dẫn, BN chỉ cần ghi vào giấy “xin tự nguyện điều trị ngoại trú, có chuyện gì thì tự chịu trách nhiệm”!
"Tôi sẽ không ký cam kết"
Sáng 20.9, PV Thanh Niên gặp chị V.T.T.H (38 tuổi, ngụ Đồng Nai) đang chờ xạ trị tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Chị H. cho biết mình bị u não đã mổ tại BV Chợ Rẫy, giờ xạ trị một liệu trình với chi phí 26 triệu đồng. “Nếu áp dụng Thông tư 01 thì tôi sẽ không ký cam kết gì hết. Nếu ký tự nguyện xin điều trị ngoại trú giống như KCB theo yêu cầu, không được BHYT thanh toán thì tiền đâu tôi trị bệnh?”, chị H. nói và cho biết mình có nhu cầu điều trị ngoại trú vì còn phải về làm việc kiếm tiền nuôi con. Chị đơn thân nuôi con, làm nghề may, mỗi tháng kiếm được 4 triệu đồng, tiền gửi con hết 1,5 triệu đồng. Hỏi vì sao chị không về Đồng Nai xạ trị, chị bảo: "Mình phẫu thuật ở BV Chợ Rẫy thì điều trị tại BV này luôn".
Ngồi cạnh chị H. là ông L. (46 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị ung thư vòm hầu đã hóa trị chuyển qua xạ trị. Nhà ông ở Tiền Giang, sáng sớm ông lên BV Chợ Rẫy xạ trị xong về làm việc. Theo ông: "Không nên ký cam kết gì cả!".
Một số BN đang hóa trị tại BV Chợ Rẫy cho rằng, nếu ký cam kết và xem đó như là KCB dịch vụ theo yêu cầu thì họ sẽ không ký vì khả năng tài chính để chữa ung thư sẽ không lo nổi. “Bây giờ nếu phân biệt người địa phương, tạm trú và người ngoại tỉnh, bắt người ngoại tỉnh phải ký cam kết thì tôi sẽ tìm nhà người quen, xin tạm trú ảo để tôi được hưởng như người địa phương. Trị ung thư nếu không có BHYT chi trả thì chắc 50% người ngồi đây bỏ trị”, BN C.V.A (34 tuổi, ngụ Khánh Hòa), đang điều trị ung thư tại BV Chợ Rẫy, nói.
Quy định hành người bệnh
Hiện tại BV Ung bướu TP.HCM có khoảng 9.000 BN điều trị hóa trị, xạ trị ngoại trú, trung bình mỗi ngày là khoảng 1.000 lượt; và 1.100 BN khác nặng hơn điều trị nội trú. 75% là BN các tỉnh. Còn tại BV Chợ Rẫy hằng ngày có 360 BN hóa trị, xạ trị, BN tỉnh chiếm 70%.
Theo thông tin từ BV K T.Ư (Hà Nội), ước tính mỗi năm VN có hơn 126.000 ca mắc mới ung thư. Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, trong đó việc xạ trị chiếm vị trí quan trọng. Theo phác đồ điều trị, mỗi BN sẽ xạ trị 5 buổi/tuần, trong đợt xạ trị 4 - 5 tuần. Tại BV K T.Ư, số BN xạ trị gia tăng trong các năm qua: năm 2015, BV tiếp nhận 11.799 BN, năm 2016 hơn 12.000 BN và hơn 15.000 BN trong 2017.
Theo các BS, chi phí một lần hóa trị từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng, tùy phác đồ. Xạ trị tùy theo kỹ thuật từ 500.000 - 1,5 triệu đồng/lần. Ung thư là bệnh mãn tính, điều trị kéo dài nên BN điều trị ngoại trú là đương nhiên. Điều trị ung thư là có kế hoạch, bắt BN nội trú là quá tải ảo, bất tiện sinh hoạt và họ còn phải làm việc để kiếm tiền...
Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, với các BN ung thư ngoại tỉnh hóa xạ trị, điều trị ung thư tại Trung tâm ung bướu BV Bạch Mai, nếu không nội trú thì thường họ thuê trọ gần BV, do đó để được hưởng BHYT chi trả, BN có chứng nhận đăng ký tạm trú của công an nơi tạm trú tại Hà Nội là được hưởng quyền lợi do quỹ BHYT chi trả theo quy định.
“Theo tôi, mục đích của Thông tư 01 là muốn BN điều trị ngoại trú thì phải tự nguyện chứ BV không được ép BN ra điều trị ngoại trú. Nếu BN ở tỉnh ký cam kết, lỡ có chuyện gì thì không kiện BV!”, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, nói.
Theo BS Tuấn, buộc BN điều trị ngoại trú ký cam kết thì BN rất sợ, họ cho rằng vào BV điều trị mà bắt ký cam kết, thà như phẫu thuật. Họ nói, tùy BS cho nằm thì nằm viện, cho ra ngoại trú là ngoại trú chứ không ký cam kết gì cả. Trị bệnh nội hay ngoại trú là do chỉ định của BS dựa trên đánh giá sức khỏe BN.
“Nên để cho BS quyết định chứ bắt BN ký cam kết thì họ sẽ không cam kết, bằng chứng là từ năm 2017 đến nay dù BV tuyên truyền nhưng chẳng có ai ký mà còn gây phản ứng ngược. BV đề nghị không để BN ký cam kết làm phức tạp”, BS Tuấn kiến nghị.
Còn theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, nếu áp dụng Thông tư 01 sẽ bất lợi cho cả BV và BN. Bởi BN ký cam kết xin tự nguyện thì đồng nghĩa với việc BN sử dụng dịch vụ theo yêu cầu, có thể BN sẽ không được BHYT thanh toán mà phải tự chi trả, mà chi phí này rất lớn.
Nhận xét về quy định tại Thông tư 01 nêu trên, một lãnh đạo của đơn vị điều trị ung thư tại Hà Nội bức xúc: “Tôi không hiểu vì sao lại có quy định kiểu hành dân, làm khổ người bệnh như vậy. BN ở đâu thuận lợi trong việc điều trị thì cần tạo điều kiện”. Vị lãnh đạo này dẫn chứng: BN ung bướu sống ở H.Văn Giang (Hưng Yên) nếu hóa, xạ trị tại các đơn vị ung bướu trên địa bàn Hà Nội là thuận lợi và hợp lý vì nơi họ sống chưa có đơn vị điều trị ung bướu và cách Hà Nội khoảng 25 - 30 km - tương đương về địa lý với người dân sống tại ngoại thành Hà Nội. Do đó, quy định trên cần điều chỉnh để người bệnh được thực sự thuận lợi.
Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Đào Việt Ánh cho hay Thông tư 01/2017 do Bộ Y tế ban hành nhưng có liên quan đến quyền lợi của BN BHYT, trong tuần tới cơ quan BHXH sẽ có phản hồi về việc thực hiện quy định nêu trên.
Bệnh viện, bệnh nhân nên phản hồi lại cho Bộ Y tế Nêu ý kiến về quy định trên, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), cho biết do không trực tiếp tham gia ban soạn thảo nên không thể phân tích được đầy đủ, toàn diện việc quy định nêu trên. Tuy nhiên, ông Khoa cho biết quy định này có thể được cho là giải pháp để giảm tải tuyến trên vì đã có thêm các đơn vị tại tuyến tỉnh có thể thực hiện hóa, xạ trị trong điều trị ung thư. “Tuy nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là vì người bệnh, do đó trong quá trình thực hiện, các BV hoàn toàn có thể chủ động phản ánh về Bộ Y tế, người bệnh có thể phản ánh qua đường dây nóng về những vấn đề vướng mắc trong quá trình điều trị. Từ thực tế đó, Bộ Y tế cùng cơ quan BHXH sẽ có các cuộc họp bàn tháo gỡ, thậm chí điều chỉnh các quy định để phù hợp hơn”, ông Khoa nói. |