Trung bình mỗi ngày có 100 người Việt Nam chết vì thuốc lá. 90% bệnh nhân ung thư phổi và 75% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cũng có lý do tương tự. Khói thuốc còn là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Đó là những con số biết nói về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người.
Để giúp người cai nghiện thuốc lá có thêm kiến thức xung quanh vấn đề này, Phóng viên (PV) đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS.BS Phan Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Phó trưởng ban Dự án Phòng chống tác hại thuốc lá, Bệnh viện Bạch Mai.
PV: Có nhiều người tự cai nghiện thuốc lá song không thành công. Theo bác sĩ có nguyên nhân nào khiến người cai nghiện khó bỏ thuốc lá?
BS. Phan Thu Phương: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, công thức để cai nghiện thuốc lá thành công gồm 3 yếu tố: Thứ nhất là kiến thức của người bệnh về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe bản thân và những người xung quanh (những người hút thuốc lá thụ động). Khi có kiến thức đầy đủ như vậy người bệnh mới có đủ quyết tâm để cai nghiện; Và yếu tố quyết tâm của người cai chính là mấu chốt trong việc cai nghiện thuốc lá thành công. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ nhân viên y tế và những người thân cũng là yếu tố quan trọng để người bệnh vượt qua những rào cản, tránh né những cạm bẫy trong quá trình cai nghiện.
Thực tế cho thấy, mặc dù nhiều người có đầy đủ kiến thức cũng như hiểu biết về tác hại của thuốc lá nhưng sự quyết tâm từ bỏ thuốc lá chưa cao nên đã không thể thành công trong quá trình cai nghiện. Hoặc cũng có rất nhiều trường hợp người cai có kiến thức về tác hại của thuốc lá, có lòng quyết tâm nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ nhân viên y tế và những người xung quanh thì tỷ lệ thành công cũng sẽ rất thấp. Do vậy để việc cai nghiện thuốc lá đạt được kết quả như mong muốn buộc bạn phải có đầy đủ cả 3 yếu tố trên.
PV: Một điều mà rất nhiều người cai nghiện thuốc lá băn khoăn là nên giảm từ từ số lượng điếu thuốc hút trong ngày hay bỏ ngay lập tức việc hút thuốc lá, thưa bác sĩ?
BS. Phan Thu Phương: Tâm lý thông thường của những người nghiện thuốc lá là hút nhiều thì có tác hại nhiều, hút ít thì có tác hại ít. Rất nhiều người đã nói với chúng tôi rằng: “Tôi hút ít ấy mà, một ngày chỉ vài điếu thôi, chắc không có tác hại gì đâu”. Đó là quan niệm hoàn toàn không đúng.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc hút ít hay nhiều đều có tác hại như nhau, vấn đề ở đây là thời gian. Vậy lời khuyên của nhà chuyên môn trong việc cai nghiện thuốc lá là chúng ta phải quyết tâm. Nếu anh bảo là tôi sẽ giảm dần số điếu hút trong 1 ngày chứng tỏ lòng quyết tâm của anh chưa thực sự cao. Chúng ta phải chối bỏ nó, nói không với thuốc lá và chúng ta phải có kiến thức hiểu biết cũng như những người song hành, hỗ trợ. Khi bắt đầu cai nghiện thuốc lá, hãy thông báo với người thân và bạn bè rằng: “Tôi bắt đầu cai nghiện thuốc lá, mọi người hãy giúp đỡ tôi!”.
Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá
PV: Một vấn đề mà những người bắt đầu cai nghiện thuốc lá hay gặp phải là Hội chứng cai nghiện. Bác sĩ có lời khuyên gì để giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn này?
BS. Phan Thu Phương: Có rất nhiều lí do đưa ra để bao biện cho việc hút thuốc lá của mình như giải tỏa stress, kiểm soát cân nặng, hoặc do thói quen cứ uống cà phê là phải hút một điếu thuốc lá cho “thơm miệng”... Và những rào cản mà người cai nghiện thuốc lá gặp phải khi bắt đầu cai là cảm giác bứt rứt, khó chịu, mất tập trung và đặc biệt là tăng cân. Đối với từng trường hợp, lời khuyên cho từng người sẽ là khác nhau.
Có một thanh niên 23 tuổi ở Đắc Lắc đã có phương pháp cai thuốc lá rất đặc biệt. Cứ thèm hút thuốc là anh ấy lại xuống ao tắm hoặc gọi điện đến tổng đài. Và sau những nố lực quyết tâm của bản thân cộng với sự trợ giúp của nhân viên y tế, chàng thanh niên ấy đã cai nghiện thuốc lá thành công.
Hiện nay, bên cạnh sự quyết tâm của người bệnh thì cũng có một số thuốc để hỗ trợ người cai giảm cảm giác thèm hút như miếng dán nicotine, viên nhai và viên ngậm nicotine.....
PV: Trước khi tiến hành cai nghiện thuốc lá thì người bệnh cần đặt ra kế hoạch cho mình thế nào thưa bác sĩ?
BS. Phan Thu Phương: Kế hoạch thật sự rất cần thiết. Ngoài nghiện thuốc lá do thực thể, dược lí phụ thuộc vào nicotine còn có nghiện thuốc lá do hành vi tâm lí. Ví dụ có người có thói quen cứ uống cà phê là phải hút thuốc, có người cứ uống rượu là hút thuốc lá, hoặc sau khi ăn xong là phải hút một điếu thuốc lá cho“thơm miệng”…Với mỗi hành vi nghiện khác nhau, người cai cần đặt ra cho mình kế hoạch riêng để tránh tái nghiện. Chẳng hạn bạn có thói quen cứ uống cà phê là phải hút thuốc thì sẽ phải giảm việc uống cà phê...
Tuy nhiên, một lần nữa tôi phải khẳng định lại, sự quyết tâm của người cai vẫn là yếu tố quyết định và quan trọng nhất. Nhưng có một điều đáng tiếc là đa số bệnh nhân khi gặp phải vấn đề về sức khỏe rồi thì mới quyết tâm cai nghiện thuốc lá. Chúng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân để đến lúc phát hiện bị xơ gan, COPD hay ung thư phổi mới quyết tâm từ bỏ khói thuốc. Lúc đó hai từ “giá như....” đã là quá muộn.
PV: Hoạt động thể lực đóng vai trò thế nào đối với người cai nghiện thuốc lá?
BS. Phan Thu Phương: Hoạt động thể lực là khuyến cáo chung của bác sĩ đối với tất cả mọi người (cả bệnh nhân cũng như người khỏe mạnh). Tập thể dục thể thao vừa giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh, đồng thời giúp cho người ta bớt thời gian để nghĩ đến thuốc lá. Đặc biệt, hoạt động thể thao đều đặn là phương pháp giúp chúng ta kiểm soát cân nặng một cách hiệu quả và khoa học nhất. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, sức khỏe của mình mà mỗi người lựa chọn cho mình một bài tập phù hợp nhất.
Bài: Mai Thanh - Ảnh: Thế Anh