Theo thông tin từ Khoa Nhi, BV Bạch Mai, do trời rét, số trẻ nhập viện do tiêu chảy vi-rút tăng nhiều trong những ngày gần đây, ước chiếm khoảng 70% các trường hợp bệnh nhi bị tiêu chảy nhập viện. Bên cạnh đó, số trẻ mắc các bệnh liên quan đến hệ hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, sốt vi-rút cũng gia tăng đáng kể. Hầu hết trẻ đến khám và nhập viện đến từ Hà Nội và các địa phương lân cận.
Tại BV Nhi Trung ương, bác sĩ Trương Thúy Vinh - Trưởng khoa Khám bệnh của BV cho biết, trong gần một tuần qua, ở miền bắc, từ thời điểm nhiệt độ hạ thấp, dưới 10oC, số bệnh nhi nhập viện vì bệnh tiêu chảy do vi-rút rô-ta và viêm đường hô hấp cấp các loại chiếm đến 20% tổng số bệnh nhi vào viện (cao hơn rất nhiều so với thời điểm trời ấm). Còn tại BV đa khoa Xanh Pôn, khoa Nhi và khoa Sơ sinh, mỗi ngày có xấp xỉ 300 trẻ đến khám, trong đó nhiều trường hợp phải cấp cứu do biến chứng nặng, suy hô hấp.
Riêng BV Lão khoa Trung ương, những ngày rét đậm vừa qua, số người bệnh tăng khoảng 20% so với ngày thường. Mỗi ngày có khoảng 300 người bệnh đến khám, điều trị. Theo bác sĩ Trần Văn Lực - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Lão khoa Trung ương), thời tiết rét đậm, rét hại dễ dẫn đến biến chứng ở người bệnh lớn tuổi mắc bệnh mạn tính như: tăng huyết áp tim mạch do hiện tượng co mạch đột ngột khi các cụ chuyển từ chăn ấm ra bên ngoài.
Một trong những nơi có số người bệnh tăng nhiều nhất là Viện Tim mạch Quốc gia. PGS, TS Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: Mỗi ngày, Viện tiếp nhận gần 400 người bệnh, tăng khoảng 20% so với ngày thường, chủ yếu là người cao tuổi, với các bệnh liên quan đến huyết áp, suy tim, mạch vành, đau ngực… và đều ở mức độ nặng do thời tiết quá lạnh. Cũng giống như Viện Tim mạch Quốc gia, BV Tim Hà Nội cũng có số người bệnh tăng khoảng 20%, khi mỗi ngày BV tiếp nhận cấp cứu gần 30 người bệnh, chủ yếu các bệnh về huyết áp, suy tim, mạch vành, đau ngực… Còn tại Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai, liên tục những ngày qua, BV tiếp nhận nhiều ca suy thận mãn tính chuyển đến cấp cứu trong tình trạng nặng có kèm bệnh lý viêm phổi, huyết áp cao. Đặc biệt, rất thường gặp người bệnh suy thận kèm theo tăng huyết áp. Đây là các trường hợp rất cần lưu ý do trời rét đậm khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Riêng những ngày rét đậm, khoa đã phải tăng ca chạy thận cho mười người bệnh suy thận chuyển đến cấp cứu.
PGS, TS Đỗ Doãn Lợi khuyến cáo, cách phòng, tránh những bệnh mà người lớn tuổi thường gặp khi trời lạnh là cần chú ý ăn uống đủ chất và không ăn đồ lạnh. Các cụ thường có thói quen tập thể dục vào tối và sáng sớm, nhưng vào những ngày rét đậm, điều này rất không nên, đặc biệt là không tập thể dục ở ngoài trời lạnh hay đột ngột từ trong phòng ra ngoài trời lạnh, vì chênh lệch nhiệt độ dễ khiến người cao tuổi ngã bệnh. Buổi tối, người bệnh có thể ngâm chân, tay vào nước muối ấm hoặc sử dụng túi chườm để chân tay được ấm hơn. Không làm việc quá sức, không nên bê vác các vật nặng. Khi nghỉ ngơi cũng nên nằm thoải mái, không nên gối đầu quá cao. Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Còn đối với trẻ nhỏ, nhất là với trẻ sơ sinh, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai khuyến cáo, cần được giữ đủ ấm, nhất là miệng, mũi, cổ và chân cho trẻ bằng việc bảo đảm không khí ấm áp trong phòng. Tuyệt đối không nên sử dụng than đá, than củi để sưởi ấm cho trẻ, vì khí than tỏa ra rất độc. Việc chăm sóc dinh dưỡng, tiêm chủng, rửa tay sạch sẽ cho trẻ luôn phải được quan tâm. Khi trẻ bị ho kéo dài, cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ can thiệp, không nên tự điều trị tại nhà. Không chỉ phòng lạnh cho trẻ mà các bậc cha mẹ cần chú ý việc không ủ ấm quá mức khiến mồ hôi túa ra, ngấm vào người, trẻ dễ bị nhiễm lạnh, gây viêm phổi.