Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Sự cố y khoa tại Hòa Bình khiến 8 người tử vong: Nồng độ Flo trong nước RO vượt ngưỡng cho phép 260 lần

Chia sẻ với báo giới sáng 4/7, TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kết quả xét nghiệm đã phát hiện nồng độ flo trong nước RO chạy thận cho bệnh nhân ở Hòa Bình hôm đó vượt ngưỡng cho phép 260 lần (Ngưỡng cho phép của flo trong nước chạy thận là 0,2 mg/lít). Đây chính là nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân lọc máu chu kỳ đã tử vong.

TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hệ thống sản xuất nước RO và máy chạy thận luôn được bảo dưỡng định kỳ. Tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, 45 năm hoạt động, quản lý trên 600 người bệnh chạy thận chu kỳ theo ca, chúng tôi đã luôn tuân thủ nghiêm quy trình: máy thận được sát trùng sau mỗi ca lọc, hệ thống tiền xử lý nước được vệ sinh hàng ngày; màng RO vệ sinh hai tháng một lần; bồn đựng nước vệ sinh một tháng/ lần; hệ thống đường ống dẫn nước 1 tháng/1 lần.

 

su co HB 571

Các BS của BVBM và BVHB cùng hội chẩn để cứu chữa cho bệnh nhân nặng trong sự cố y khoa chạy thận chu kỳ 

Theo Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, hóa chất trong trường hợp này là axit flohydric (HF) tuyệt đối không được sử dụng trong y tế mà chỉ dùng trong công nghiệp, các dung dịch để tẩy cát bụi, tẩy chất cặn… Axit flohydric xâm nhập nhanh chóng và sâu vào trong cơ thể, gắn mạnh với can xi, gây hạ can xi máu, gây rối loạn chức năng của các tế bào, chết tế bào, cản trở nhiều enzyme. Đặc biệt, chất này rất độc với tim, gây loạn nhịp tim nguy hiểm và tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, nó cũng gây ra các rối loạn khác như đỏ da, đau bụng, nôn, nhiễm toan chuyển hóa… cho cơ thể.

“Trong sự cố vừa qua, đơn vị thận nhân tạo đã xử trí rất đúng: Ngừng chạy thận khi có vấn đề, cấp cứu tại chỗ theo tình trạng bệnh nhân, lấy mẫu nước RO nghi ngờ đề xét nghiệm sau này, hội chẩn với chuyên gia,…Tôi rất tâm đắc và đánh giá cao việc nhanh chóng chuyển 10 bệnh nhân không nguy kịch sang bệnh viện đa khoa thành phố để lọc máu tiếp, các bệnh nhân nặng hơn tình trạng không cho phép chạy thận nhân tạo phải ở lại và được cấp cứu hồi sức lọc máu theo phương pháp thích hợp. Tất nhiên, ngoài việc 10 bệnh nhân sống sót một phần do không quá nặng ngay lúc đó nhưng với kinh nghiệm điều trị ngộ độc hóa chất có flo tại khoa Hồi sức cấp cứu A9 và Trung tâm chống độc (ví dụ hóa chất diệt chuột Trung Quốc nhiều năm trước đây, giai đoạn chạy thận nhân tạo cấp cứu còn gặp khó khăn), chúng tôi thấy nhiều bệnh nhân sẽ rất dễ dàng tiếp tục bị loạn nhịp tim và tử vong sau đó. Ngay từ buổi sáng và trưa 29/5, khi hai bên hội chẩn từ xa để xử trí cấp cứu, tất cả chúng tôi cũng chỉ nghĩ chất độc có thể chưa biết nhưng một khi đã vào được bệnh nhân qua quả lọc thận nhân tạo thì cũng sẽ ra khỏi cơ thể được theo con đường đó và thống nhất chạy thận tiếp ở cơ sở khác. Thực tế cho thấy, vào buổi chiều khi đoàn chúng tôi khám và xét nghiệm tại giường cho tất cả các bệnh nhân này vào thời điểm đã lọc máu xong hoặc sắp xong tại bệnh viện thành phố thì tình trạng lâm sàng và xét nghiệm đã đang diến biến tốt. Các tài liệu gần đây cũng cho thấy flo có thể loại bỏ khỏi cơ thể bằng nhiều phương pháp lọc máu, trong đó có thận nhân tạo. Các bệnh nhân khác tử vong do diễn biến nặng quá nhanh”

“Phòng tránh ngộ độc cho các trường hợp tương tự và nói chung là phải kiểm soát các hóa chất được phép sử dụng, đặc biệt trên người. Loại hóa chất, nguồn gốc hóa chất, dạng sản phẩm, ai được phép bán và mua, ai được phép tiếp cận và sử dụng,…phải luôn được kiểm soát chặt chẽ” BS Nguyễn Trung Nguyên bày tỏ.

su co HB 572

GS.TS Nguyễn Gia Bình (bên phải) và TS.BS Nguyễn Hữu Dũng (bên trái) chia sẻ với báo giới về một số vấn đề liên quan đến sự cố y khoa tại Hòa Bình

Là một trong những bác sỹ đầu tiên được cử  đến Bệnh viện đa khoa Hòa Bình hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân và giải quyết hậu quả, TS. Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh: “Trong tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đơn vị làm công tác khử khuẩn và làm sạch hệ thống sản xuất nước RO đưa vào hóa chất không được phép sử dụng thì phải chịu trách nhiệm cao nhất; sau đó là cán bộ kiểm soát và nghiệm thu công việc. Bác sĩ được trường Đại học y đào tạo để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh. Các cơ quan chức năng và xã hội cần có cái nhìn thấu đáo, công tâm với bác sĩ, đúng người – đúng việc đồng thời cảm thông, động viên chia sẻ với các cán bộ nhân viên y tế khi xảy ra sự cố chuyên môn ngoài ý muốn”.

Theo GS. TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai, một trong những chuyên gia có mặt ngay từ những giờ đầu khi sự cố xảy ra chia sẻ: “Trực tiếp hỗ trợ BV Đa khoa Hòa Bình, tôi đánh giá rất cao tinh thần và  trách nhiệm của các bác sĩ trong việc tích cực cấp cứu bệnh nhân: phát hiện tai biến bất thường, họ lập tức điều trị thải độc cho bệnh nhân – đó là một trong những bước cấp cứu quan trọng đầu tiên. Tuy nhiên, đây là hóa chất cực độc, với nồng độ cao như vậy nên nhiều bệnh nhân đã không thể qua khỏi".

Giáo sư Bình khẳng định, tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là 1 sự cố không mong muốn. "Từ khi nghe tin bác sỹ Hoàng Công Lương bị bắt, không chỉ bác sỹ của Bệnh viện Hòa Bình hoang mang mà các bác sỹ trên cả nước đều xôn xao… Chúng tôi hy vọng cơ quan chức năng, bằng các biện pháp nghiệp vụ xác định đúng người đúng tội, để cán bộ y tế yên tâm công tác, hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân", giáo sư Bình chia sẻ.

Trước đó, sáng 29/5, 18 bệnh nhân suy thận mãn đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có những dấu hiệu bất thường, dù được cấp cứu kịp thời nhưng 8 người đã lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm, hiện nay sức khỏe đã hồi phục. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước sử dụng để chạy thận và các thiết bị sau khi được bảo dưỡng đưa vào hoạt động không được kiểm định đúng quy trình.

Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, tạm giam 3 người trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương thuộc khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc cho rằng sai sót của bác sĩ Lương là "thiếu sót về thủ tục hành chính". Bộ Y tế cũng đã đề nghị Bộ Công an xem xét cho bác sĩ Lương được tại ngoại.

Bài, ảnh: Mai Thanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image