Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Sẵn sàng phương án khám, chữa bệnh những ngày Tết

Đến thời điểm này, các cơ sở khám, chữa bệnh đã hoàn thành công tác chuẩn bị phương án khám, chữa bệnh, cấp cứu với đầy đủ nhân lực, trang, thiết bị, thuốc, máu... để người bệnh được tiếp đón, cấp cứu, điều trị kịp thời nhất trong những ngày Tết.

Từ nhiều năm qua, dịp Tết, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức luôn là “điểm nóng”, nơi tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho những người bệnh cấp cứu nặng, nhất là nạn nhân tai nạn giao thông từ các tỉnh phía bắc chuyển về. GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, do đặc thù thường xuyên phải tiếp nhận các ca bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên, cho nên hệ thống trực cấp cứu và phòng phẫu thuật luôn thường trực. Bệnh viện đã có kế hoạch trực bốn cấp, điều động lực lượng bác sĩ, điều dưỡng trực suốt 24 giờ hằng ngày từ trực chuyên môn cấp cứu, khám, chữa bệnh đến trực điện, nước, hậu cần, đường dây nóng…

Kết quả hình ảnh cho Sẵn sàng phương án khám, chữa bệnh những ngày Tết

Trung bình mỗi ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức bố trí khoảng 400 cán bộ, nhân viên trực, trong đó có khoảng 30 bác sĩ; năm phòng mổ luôn sẵn sàng. Trong trường hợp số lượng ca cần phẫu thuật cùng thời điểm lớn hơn, bệnh viện vẫn bảo đảm xử lý nhanh nhất vì toàn bệnh viện có hơn 50 phòng mổ. Kinh nghiệm từ nhiều năm cho thấy, số lượng người cấp cứu nhiều là trước dịp nghỉ Tết hai, ba ngày và từ mồng 3 Tết trở ra.

Ở Bệnh viện Bạch Mai, các phương án trực cấp cứu, khám chữa bệnh cũng đã sẵn sàng. PGS, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong suốt những ngày nghỉ Tết, bệnh viện vẫn tổ chức khám, chữa bệnh như ngày thường. Lãnh đạo bệnh viện cùng trực Tết để động viên cán bộ công nhân viên cũng như giải quyết ngay các tình huống phát sinh. Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai có hơn 350 nhân viên y tế trực cấp cứu và khám, chữa bệnh, bảo đảm tất cả bệnh nhân cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không để xảy ra tình trạng xử trí chậm bất cứ trường hợp nào. Bệnh viện bố trí bốn bàn khám tại Khoa Khám, chữa bệnh để phục vụ người dân. Đồng thời dự trù đầy đủ thuốc, vật tư y tế tiêu hao... bảo đảm cung cấp đủ, không để người bệnh phải mua bên ngoài. Riêng Khoa Thận nhân tạo, luôn bảo đảm 100% số cán bộ, nhân viên. Bệnh viện thành lập ba đội lưu động, sẵn sàng lên đường tăng cường cho tuyến dưới cũng như xử lý các tình huống cấp cứu đông người.

Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết thêm, dự kiến sẽ có khoảng 600 người bệnh phải điều trị nội trú, cho nên bệnh viện có kế hoạch tổ chức đón năm mới cho họ chu đáo như ở nhà. Trong ba ngày Tết, người bệnh được cung cấp các suất ăn miễn phí.

Trung bình mỗi ngày Tết, Bệnh viện E sắp xếp từ 120 đến 150 cán bộ trực. Bệnh viện cũng chuẩn bị và dự trù đầy đủ máu, các chế phẩm của máu và các trang, thiết bị khác như điện, nước, xe vận chuyển người bệnh nội viện, xăng dầu, xe cứu thương, bảo đảm thông tin thông suốt...

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những ngày Tết. Trên cơ sở đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), Ebola, MER-CoV, Zika, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, Rubella, tiêu chảy do vi-rút Rota, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, các dịch bệnh mới nổi khác có nguy cơ bùng phát trong mùa đông - xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội. Sở yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang, thiết bị phòng, chống dịch, tổ chức thường trực suốt 24 giờ hằng ngày trong kỳ nghỉ Tết. Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tổ chức phân công cán bộ trực suốt 24 giờ hằng ngày để kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có dịch cũ để phát hiện, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào TP Hồ Chí Minh. Trung tâm y tế dự phòng thành phố và các quận, huyện phải tăng cường giám sát dịch tễ tại phường, xã, quận, huyện nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, tập trung vào các vùng có nguy cơ cao, địa phương có ổ dịch cũ, các khu vực trọng điểm.

Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị. Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết. Đặc biệt lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.

Để làm tốt công tác cấp cứu cũng như khám, chữa bệnh cho người dân trong những ngày Tết, Bộ Y tế cho biết, sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc chuẩn bị và thực hiện thường trực tại các bệnh viện, viện có giường bệnh và bệnh viện ở các địa phương dịp Tết. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tổ chức trực đầy đủ theo bốn cấp gồm trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính, hậu cần và trực bảo vệ, tự vệ. Chủ động đối phó tình hình dịch bệnh có thể xảy ra dịp Tết, nhất là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và dịch cúm A/H1N1, H5N1, dịch chân tay miệng, sốt xuất huyết... Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện, của Bộ Y tế. Người dân nếu phát hiện có hiện tượng cán bộ y tế bỏ trực, gây phiền hà thì gọi ngay đến đường dây nóng để có hình thức xử lý kịp thời. Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện cần tổ chức thăm hỏi và đón Tết cho người bệnh đang điều trị, chú ý người bệnh nghèo, người bệnh là đối tượng chính sách...

Nguồn Nhandan.com.vn

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image