Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Sống vội, ăn nhanh, ngồi nhiều dễ bị bệnh trĩ

Trĩ là một loại bệnh của mạch máu tĩnh mạch. Khi các mạch máu tĩnh mạch bị ứ máu, thành tĩnh mạch bị giãn ra, sung huyết, những tĩnh mạch bị giãn ở trực tràng và hậu môn tạo thành búi trĩ và gây nên bệnh trĩ.

Không nên “ngại” khám bệnh

Tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chị Lê Thanh H. (45 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết chị chung sống với bệnh trĩ nội độ 3 đã 5 năm, đến khi căn bệnh gây bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, chị mới quyết định đi phẫu thuật cắt trĩ. Sau mổ, chị H. lại phải đối mặt với biến chứng hẹp hậu môn trực tràng và khổ sở vì tình trạng táo bón, đi cầu như phân chuột nhiều lần trong ngày. Tiếp tục được làm thủ thuật nong hậu môn nhưng bệnh tình của chị H. gần như không được cải thiện. Chị H. cho biết chị được chẩn đoán bị trĩ vòng sau khi sinh con thứ 2 nhưng cũng có lẽ một phần do công việc văn phòng phải ngồi quá nhiều.

Kết quả hình ảnh cho bệnh trĩ

Bệnh trĩ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Hồng, Phó trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, cho biết biến chứng thường gặp nhất là các phẫu thuật vùng hậu môn, trực tràng như phẫu thuật trĩ hoặc do bôi thuốc để rụng búi trĩ. Thông thường, với những bệnh nhân biến chứng sau phẫu thuật trĩ, nhân viên y tế sẽ phải nong hậu môn để chỗ hẹp giãn ra từ từ sau đó mới can thiệp để giảm biến chứng.

Theo GS-TS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam, bệnh trĩ đứng hàng thứ 3 sau các bệnh viêm loét hậu môn, trực tràng. Tuy không gây nguy hiểm chết người nhưng lại là căn bệnh có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. “Trĩ là căn bệnh “khó nói” và nằm ở vùng nhạy cảm nên đa số bệnh nhân khi bị trĩ đều ngại đi khám bệnh hoặc đến khám khi bệnh đã rơi vào giai đoạn muộn, nhất là với phụ nữ. Trong khi đó với những triệu chứng bệnh trĩ như đi đại tiện ra máu, đau rát, luôn có cảm giác vướng, khó chịu, sờ thấy búi trĩ ở hậu môn… khiến người bệnh khổ sở, đau đớn, tinh thần không thoải mái” - GS Trạch nói.

GS Trạch cho biết bệnh trĩ rất phổ biến, trong đó những người làm việc văn phòng dễ mắc bệnh bởi thói quen ít vận động, ngồi nhiều. Khi có biểu hiện của táo bón nhiều ngày, đau rát hậu môn, bạn cần đi khám sớm để tìm phương pháp điều trị phù hợp, tránh sa búi trĩ.

Cần được điều trị đúng

Hiện có 3 phương pháp điều trị trĩ là bảo tồn, dụng cụ và phẫu thuật. Dù sử dụng phương tiện nào các bác sĩ cũng khuyến cáo nên điều trị ở những bệnh viện lớn. Với bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ, điều trị bảo tồn bằng phương pháp nội khoa luôn là chọn lựa đầu tiên. Nếu điều trị bằng thuốc thất bại mới chuyển qua điều trị bằng dụng cụ. Các bác sĩ cũng lưu ý có không ít trường hợp nghe theo quảng cáo, lời truyền miệng rồi đến thầy lang mua thuốc “gia truyền” tự điều trị. Trong khi các loại thuốc được cho là thuốc “gia truyền” (chưa được cơ quan y tế thẩm định, cấp phép) có tính chất gây hoại tử chỗ bôi, gây nhiễm trùng lan rộng hoặc sau đó lành sẹo sẽ tạo ra sẹo co rút gây hẹp hậu môn.

Giới chuyên môn cũng lưu ý bệnh trĩ thường xảy ra ở những người có cuộc sống vội vàng, ít lao động, lười tập thể dục, ít ăn rau, ít uống nước, lạm dụng những loại thực phẩm ăn nhanh (mì gói, bánh mì, đồ ăn nhanh) hoặc làm những công việc phải ngồi lâu, đứng lâu (nhân viên văn phòng, lái xe, nhân viên bán hàng...), bởi tư thế làm máu huyết ít lưu thông, dễ bị ứ trệ. Bệnh cũng thường gặp ở phụ nữ có thai, sinh đẻ... Do đó, để phòng bệnh, GS Trạch khuyên nên ngồi từ 45 phút đến 1 giờ là phải đứng lên vận động đi lại. Ngoài ra, nên ăn nhiều rau, củ quả để có chất xơ và uống đủ nước, hạn chế uống rượu, bia, ăn các thực phẩm cay, nóng và đồ ăn nhiều chất ngọt.

Ngọc Anh/NLĐ

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image