Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Sắp hết khổ vì “đoạn trường xét nghiệm”

Theo yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, từ ngày 1-7 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và từ 1-1-2018 liên thông giữa bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương. 

Sắp hết khổ vì “đoạn trường xét nghiệm” 

Nhân viên y tế làm xét nghiệm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội)

Quy trình liên thông ra sao, có đảm bảo được chất lượng khám chữa bệnh và vì sao nhiều bệnh viện kêu khó liên thông?

Tuy chưa bắt đầu thực hiện liên thông, nhưng đã có những ý kiến kêu khó về việc liên thông kết quả những loại xét nghiệm... Tuy nhiên chậm làm ngày nào thì người bệnh phải chịu khổ, tốn kém dài dài.

Nỗi khổ “đi đâu cũng... xét nghiệm”

Bà Nh., 58 tuổi, đang điều trị ung thư hạch ở Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, cho hay khoảng tháng 9-2016 bà bị sốt cao liên tục, đến Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) bà được chỉ định làm xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang ổ bụng nhưng không xác định được nguyên nhân.

Nằm điều trị tại đây một tuần dứt sốt, bà được về nhà nhưng ngay ngày hôm sau bị sốt trở lại. Lần này bà Nh. nhập viện 105 Sơn Tây, mặc dù bà có trình kết quả của lần thăm khám ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (nằm cùng địa bàn) nhưng bác sĩ chỉ xem qua và yêu cầu làm lại toàn bộ các loại xét nghiệm... như ban đầu.

Sau 10 ngày điều trị, bà Nh. được chẩn đoán bị suy tủy, được chuyển lên Viện Huyết học - truyền máu T.Ư. Tại đây, một lần nữa bà Nh. lại được chỉ định làm các xét nghiệm, chiếu chụp như ban đầu và được chỉ định làm thêm các xét nghiệm công thức máu khác...

Do giai đoạn mới nhập viện không có bảo hiểm y tế nên bà Nh. phải trả 100% viện phí với số tiền không nhỏ. Bà Nh. nói rằng giá như các bệnh viện sử dụng kết quả xét nghiệm đã làm thì bệnh nhân đỡ tốn tiền, lại không phải mất thời gian chờ đợi.

“Liên thông kết quả xét nghiệm cái được nhất là người bệnh được lợi, giảm được chi phí xét nghiệm có khi lên đến tiền triệu, xét nghiệm gen thì vài triệu. Liên thông kết quả cũng giúp giảm thời gian bệnh nhân phải chờ đợi vì có những xét nghiệm chờ hơn nửa ngày, thậm chí vài ngày mới có kết quả"

Ông Tạ Thành Văn

Tương tự, bà L.T.M., 69 tuổi, ở Ý Yên, Nam Định, đang nằm ở khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai cũng vất vả không kém. Chị Thanh, con gái bà M., cho biết ban đầu mẹ chị nhập viện Ninh Bình với lý do bị đau đầu nhiều. Tại đây, bà M. được chỉ định làm các xét nghiệm công thức máu, siêu âm, chụp chiếu ổ bụng, chụp cắt lớp và được chẩn đoán phình động mạch não.

Do bệnh viện ở Ninh Bình không có đủ điều kiện để phẫu thuật nên chuyển bà M. lên Bệnh viện Bạch Mai. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ không công nhận kết quả của Bệnh viện Ninh Bình trước đó có một ngày mà yêu cầu bà M. làm đủ các xét nghiệm, chiếu chụp như ban đầu, cuối cùng kết luận bà M. bị phình động mạch não và chỉ định phẫu thuật.

Chị Thanh cho biết do mẹ chị điều trị trái tuyến ở giai đoạn đầu nên không được thanh toán bảo hiểm y tế hoàn toàn, việc xét nghiệm lại toàn bộ gây mất rất nhiều thời gian cho người bệnh và cả người thân.

Số lượng xét nghiệm tăng hằng năm

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, chi phí dành cho chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán lên tới xấp xỉ 20% tổng chi khám chữa bệnh, 60% chi cho thuốc nên không còn nhiều để nâng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, số lượng xét nghiệm các loại tăng trung bình 10%/năm, như trong năm 2015 các bệnh viện trong cả nước đã thực hiện khoảng 450 triệu xét nghiệm các loại.

Cũng theo Bộ Y tế, chất lượng xét nghiệm đã được nâng dần, ở nhóm bệnh viện có kết quả xét nghiệm tốt nhất (kiểm chuẩn chất lượng để đánh giá chất lượng xét nghiệm - có trên 80% xét nghiệm chấp nhận được) thì năm 2016 có đến gần 54% bệnh viện được kiểm chuẩn đạt mốc này, cao hơn nhiều so với 2015 chỉ có trên 46% bệnh viện đạt.

Sắp hết khổ vì “đoạn trường xét nghiệm” 

Lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm

Ông Tạ Thành Văn, phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội kiêm trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho hay số đơn vị tham gia kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm đã tăng rất nhanh, năm 2012 mới có 74 bệnh viện tham gia ngoại kiểm đánh giá chất lượng xét nghiệm nhưng đến 2016 vừa qua đã có xấp xỉ 800 bệnh viện tham gia hoạt động này.

Ông Văn cho rằng thời điểm này liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tiến tới đầu năm 2018 liên thông giữa các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt và tương đương là có thể thực hiện được.

Chậm vì thiết bị xét nghiệm có vốn xã hội hóa?

Việc liên thông kết quả xét nghiệm cũng còn tùy thuộc vào chất lượng xét nghiệm, mà muốn vậy thì phải mở rộng kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm (đưa cho trung tâm ngoại kiểm bên ngoài đánh giá chất lượng kiểm tra, hiện VN có 3 trung tâm).

Tuy nhiên cũng có khu vực ít đơn vị tham gia việc này, như Sở Y tế Bắc Kạn có 10 bệnh viện trực thuộc nhưng mới có 1 đơn vị tham gia ngoại kiểm chất lượng xét nghiệm, Cao Bằng 1/21 bệnh viện tham gia, Thừa Thiên - Huế không có bệnh viện nào gửi kết quả ngoại kiểm xét nghiệm đến đơn vị phụ trách, Hải Phòng 8/50 bệnh viện tham gia...

Các bệnh viện còn lại chưa có cơ sở để đánh giá về chất lượng xét nghiệm.

Qua đánh giá chất lượng xét nghiệm, các chuyên gia cũng cho rằng chất lượng xét nghiệm ở tuyến huyện kém hơn so với tuyến tỉnh và T.Ư. Một trong những lý do là số lượng xét nghiệm ở tuyến này ít hơn, nhiều bệnh viện huyện không đủ chi phí để “chạy” máy tự nội kiểm chất lượng (tự cho chất mồi vào máy để kiểm định chất lượng).

Ngay trong năm 2016 vừa qua, còn đến trên 3% trong số gần 800 bệnh viện được kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm chỉ có dưới 40% xét nghiệm chấp nhận được, có nghĩa có đến 60% kết quả xét nghiệm ở những bệnh viện này là có sai sót/nhầm lẫn nên liên thông ngay thì chưa ổn cho người bệnh.

Một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng nhiều phòng xét nghiệm đang áp dụng ISO 15189, coi như một “chuẩn” với phòng xét nghiệm, nhưng có chưa đến 5%/3.000 phòng xét nghiệm đạt chuẩn này.

Ông Tạ Thành Văn cho rằng “khi các phòng xét nghiệm được kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm và được công nhận đạt chuẩn, các bác sĩ có lòng tin hơn nếu sử dụng xét nghiệm của bệnh viện trước đó”. Tuy nhiên số đơn vị tham gia kiểm chuẩn hay đạt chuẩn ISO 15189 lại chưa nhiều.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng hiện nay người bệnh bị mất nhiều thời gian và tiền bạc do trùng lặp xét nghiệm, nhưng tiến độ liên thông xét nghiệm lại quá chậm, đến tháng 7-2017 mới thực hiện ở nhóm bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Đến năm 2025 mới liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc.

Sự chậm trễ này một phần là do nhiều loại thiết bị chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán đặt tại bệnh viện đã mua từ nguồn vốn xã hội hóa.

Cụ thể một bệnh viện hạng đặc biệt ở Hà Nội có 100% máy sinh hóa và máy chụp cộng hưởng từ là vốn xã hội hóa. Và theo Bảo hiểm xã hội VN, họ đã phát hiện những hợp đồng bệnh viện cam kết cả về số lượng xét nghiệm và cam kết mua hóa chất. Nay liên thông kết quả thì chắc chắn số lượng xét nghiệm đã cam kết sẽ bị ảnh hưởng, bị giảm đi. Đây cũng là một trong những lý do khiến lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm bị kéo dài.

Liên thông, giảm 5-10% chi phí xét nghiệm

* Ông Phạm Lương Sơn (phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN): Khi liên thông kết quả xét nghiệm thì chắc chắn nhiều bên sẽ có lợi.

Thứ nhất tránh được sự lãng phí và tiêu cực liên quan đến chỉ định tràn lan xét nghiệm.

Thứ nữa là người bệnh sẽ đỡ mất thời gian và cả tiền bạc làm xét nghiệm, mỗi lần xét nghiệm lại một lần lấy bệnh phẩm, lấy máu, phải chờ đợi kết quả…

Một lợi ích nữa là giúp nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật vì liên thông thì có thể nhiều bệnh viện cùng sử dụng kết quả xét nghiệm ấy nên yêu cầu dịch vụ phải đạt chuẩn, chuẩn ở đây bao gồm cả chuẩn về thiết bị, về kỹ thuật viên và chuẩn về quy trình.

Khi liên thông thì chi phí sẽ giảm tùy loại xét nghiệm vì không bị trùng lặp nữa. Tôi không tính giá trị tuyệt đối nhưng giảm 5-10% số này là hoàn toàn có thể.

* Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ (trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM): Nếu có sự liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện cùng hạng sẽ rất tốt cho người bệnh. Hiện nay, khi chưa có quy định nên bệnh viện nào vẫn sử dụng kết quả xét nghiệm của bệnh viện đó.

Hiện hệ thống công nghệ thông tin ở nhiều bệnh viện đều thực hiện tốt, các bác sĩ có thể xem kết quả xét nghiệm của người bệnh trong suốt thời gian điều trị hoặc thời gian trước đây nếu đã từng khám, điều trị tại bệnh viện.

Nên muốn liên thông được kết quả xét nghiệm, các bệnh viện cần một hệ thống phần mềm chuẩn để các bệnh viện đưa thông tin lên, lưu trữ và tra cứu kết quả xét nghiệm.

* Ông Trần Bình Giang (giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội): Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Hiện chúng tôi vẫn sử dụng kết quả xét nghiệm, chụp phim điện quang, CT hay cộng hưởng từ ở nơi khác, nhưng phải chọn lọc những nơi có chất lượng xét nghiệm ổn và những phim chụp ở bệnh viện trước đó phải rõ ràng, đảm bảo cho các bác sĩ đọc được.

Nguồn Tuoitre.vn

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image