Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Sạt nghiệp vì không có BHYT - Bài 2: Khi bác sĩ vừa chữa bệnh vừa làm từ thiện

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở khoa, hiện còn khoảng 25% bệnh nhân không có thẻ BHYT. Nhiều người trong số đó xin thôi điều trị để về nhà chờ chết.
Bệnh nhân bị ngộ độc nấm điều trị hết hàng trăm triệu đồng nhưng không có BHYT.Bệnh nhân bị ngộ độc nấm điều trị hết hàng trăm triệu đồng nhưng không có BHYT.

GS.TS Nguyễn Gia Bình cho hay, tại khoa thường xuyên có hàng chục bệnh nhân thập tử nhất sinh nên phải tiến hành lọc máu, dùng kháng sinh đặc trị, thậm chí phải dùng đến cả kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), trung bình mỗi ngày chi phí điều trị lên tới vài, ba chục triệu. Tuy nhiên, bác sĩ không thể khoanh tay nhìn bệnh nhân chờ chết vì không có tiền. Họ lại bằng các mối quan hệ với cộng đồng kêu gọi từ thiện để có tiền chữa cho bệnh nhân. Nhưng không thể  kéo dài việc từ thiện mãi bởi quá nhiều bệnh nhân nặng với chi phí lớn mà không có thẻ BHYT.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã phải xin miễn, giảm viện phí cho 4 trường hợp và chi phí cho mỗi trường hợp trung bình là 100 triệu đồng. Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã không ít lần tự đi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, trả viện phí cho các bệnh nhân nghèo, nặng, không có BHYT. Bác sĩ Cấp cho hay, mới đây một sản phụ sau sinh bị viêm gan, nhà quá nghèo không thể có hơn 80 triệu đồng để điều trị đã phải xin về. Tuy nhiên, các bác sĩ và nhân viên y tế trong khoa đã vận động để có tiền trả chi phí điều trị này vì không muốn bệnh nhân nặng thêm.

GS.TS Nguyễn Gia Bình cho rằng, về nguyên tắc khi bệnh nhân còn cơ hội điều trị thì bệnh viện phải điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều lúc bệnh viện cũng như các tổ chức xã hội cũng không thể hỗ trợ được hết các trường hợp, vì vậy BHYT rất cần thiết, bởi lẽ: “BHYT là loại hình bảo hiểm lúc khỏe mua để tích lũy cho lúc ốm, nhưng không ít người dân Việt Nam đến lúc ốm mới đi mua BHYT”, GS Bình nói.

Chứng kiến nhiều trường hợp phải bán cả nhà, vay mượn cũng không đủ tiền trả kinh phí nằm viện điều trị, bác sĩ Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo: “Không phải lúc nào cũng trông đợi vào các tấm lòng hảo tâm, từ thiện. Hãy dành cơ hội đó cho những người thực sự không đủ điều kiện tham gia BHYT. Tham gia BHYT là con đường chính thức và là cách tốt nhất giúp cho người dân khi không may bệnh, dù trước đó có thể cả năm không dùng đến nó”.

Mua BHYT, cứu mình giúp người

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, việc tăng giá lần này từ 1/6 chủ yếu tập trung vào tăng giá khám bệnh và giá giường nằm. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo ông Phúc, mức tăng này rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Ví dụ như chụp Xquang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng... Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng.

TS Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay một chiếc thẻ BHYT có mệnh giá là 650.000 đồng, nếu mua theo hộ gia đình thì từ người thứ 3 được giảm tới 40%. Theo ông Sơn, tham gia bảo hiểm mang tính chất nhân văn, phòng khi ốm đau để sử dụng, nếu may mắn không dùng đến thẻ BHYT thì cũng là cách giúp đỡ cộng đồng khi có người bệnh nặng.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, trong số gần 20 triệu người dân chưa có thẻ BHYT, ngoài trên 1 triệu người cận nghèo thì một tỷ lệ đáng kể là những nông dân, ngư dân, những người làm muối có thu nhập trung bình và cả người buôn bán nhỏ, người làm ăn kinh doanh ngoài.

Thái Hà/Tiền phong

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image