Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

“SÁT THỦ THẦM LẶNG TRONG GIẤC NGỦ”

Ngủ ngáy là một triệu chứng rất nhiều người trong chúng ta đã từng gặp. Đôi khi có những quan điểm sai lầm rằng ngủ ngáy là tốt, là khoẻ. Nhưng hãy hết sức lưu ý: ngáy có thể là dấu hiệu của hội chứng ngừng thở khi ngủ. Nếu bạn phát hiện thấy những người xung quanh bạn có các triệu chứng như ngủ ngáy, ngủ gật nhiều vào ban ngày, thức giấc trong tình trạng đầu đau như búa bổ, và đôi khi bạn quan sát thấy khi ngủ người đó có những giai đoạn ngưng không thở, sau đó thở rất nhanh và thở gấp gáp bù lại. Nếu câu trả lời là thì rất có thể họ đã mắc “HỘI CHỨNG NGỪNG THỞ KHI NGỦ”- một sát thủ thầm lặng khi chúng ta nhắm mắt và bắt đầu thư giãn.

Vậy hội chứng ngừng thở khi ngủ là gì?

Đây là tình trạng xuất hiện những cơn ngừng thở và/hoặc giảm thở trong khi ngủ. Những cơn ngừng thở này gây suy giảm oxy trong máu và gây một loạt các biến cố về sức khoẻ mà bản thân người bệnh không hề biết. Hội chứng ngừng thở này có thể gặp ở cả nam giới, nữ giới và trẻ em.

Hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Đầu tiên là do xuất hiện các cơn ngừng thở ban đêm khiến cho chất lượng giấc ngủ rất kém, người bệnh có biểu hiện buồn ngủ, rất hay ngủ gật ban ngày, gây giảm chất lượng cuộc sống, làm việc kém hiệu quả, nếu ở trẻ nhỏ thậm chí học hành giảm sút, giảm trí nhớ, mất tập trung, ngủ gật trong lớp học. Đặc biệt ở người lái xe bị hội chứng ngừng thở có thể gây tai nạn giao thông, cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và những người xung quanh. Theo các nghiên cứu đã được công bố thì nguy cơ gây tai nạn giao thông ở những bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ cao gấp 3 lần so với những người không mắc hội chứng này.

28.2.2022 ngu 1

Hình ảnh bác sỹ khám và tư vấn đo đa ký cho bệnh nhân tại Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai

Khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Từ đó gây nên một loạt các rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não, mạch máu ở tim và khắp cơ thể, dẫn đến bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não. Một trong các rối loạn chuyển hoá hay gặp trong hội chứng ngừng thở là đái tháo đường và kéo theo một loạt các biến chứng của đái tháo đường. Chính vì vậy, ngưng thở khi ngủ về lâu dài có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ gây đột quỵ, thậm chí đột tử trong đêm, người nhà không thể phát hiện hoặc đưa đi cấp cứu.

Nếu trong gia đình có người thường xuyên ngáy, ngáy to; hay buồn ngủ vào ban ngày; thức giấc nhiều lần trong đêm; đi tiểu đêm nhiều; đau đầu buổi sáng; không biết mình có ngủ được hay không; giảm trí nhớ, kém tập trung khi làm việc, thậm chí người khác quan sát thấy có hiện tượng ngưng hoặc giảm động tác thở khi ngủ ... thì nên đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán bệnh. Để phát hiện hội chứng ngừng thở khi ngủ, người bệnh sẽ được tiến hành đo đa ký hô hấp hoặc đo đa ký giấc ngủ để chẩn đoán. Kết quả đo đa ký sẽ được các bác sỹ phân tích và người bệnh sẽ được tư vấn về bệnh và phương pháp điều trị phù hợp sớm nhất.

28.2.2022 ngu 2

Hình ảnh kỹ thuật viên lắp điện cực não đo đa ký giấc ngủ cho bệnh nhân tại Trung tâm Hô hấp

------------ ------ -----------------

Để được chẩn đoán và tư vấn về Ngừng thở khi ngủ, cũng như đăng ký đo đa ký hô hấp, đo đa ký giấc ngủ, bạn có thể đến khám tại:

PHÒNG KHÁM TRUNG TÂM HÔ HẤP

Đ𝕚̣𝕒 𝕔𝕙𝕚̉: phòng 502 tầng 5 nhà K1 hoặc Phòng 204 (Tầng 2) - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai, 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội

Hoặc gọi điện đến 𝐇𝐎𝐓𝐋𝐈𝐍𝐄: 086.958.7731để đặt lịch khám và lịch đo đa ký.

Ths.BSNT Phan Thanh Thủy

Bộ môn Nội tổng hợp – Đại học Y Hà Nội

Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image