Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Siết chặt điều kiện hành nghề bác sỹ

Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế vừa đề xuất: Đối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ y khoa (giống như hệ bác sĩ đa khoa đào tạo 6 năm hiện nay). Sau đó, những người được cấp bằng này vẫn chưa được hành nghề ngay mà cần phải thêm 1 năm tiền hành nghề, thực hành tại các bệnh viện.
svthuctap.jpg
Sinh viên Y khoa thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai  

Quản lý chồng chéo, mở trường ồ ạt

Theo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, hiện đào tạo ngành y đang có nhiều tồn tại bất cập. Trước năm 2000, cả nước có 8 trường đại học (ĐH) đào tạo y, nhưng đến năm 2016 đã lên đến 24 trường. Việc thành lập mới nhiều trường trong thời gian ngắn, tiêu chí thành lập đơn giản như bệnh viện thực hành, chuyên môn của giảng viên  chưa  được đánh giá đúng mức.  Không những thế, số sinh viên tăng nhiều ở mỗi trường. Cơ chế kiểm soát chất lượng chưa rõ ràng. Kiểm định chất lượng mới chỉ tiếp cận kiểm định cơ sở đào tạo, chưa tiếp cận kiểm định chương trình đào tạo. Đánh giá sinh viên cũng chưa có chuẩn chung, nặng về kiến thức, chưa tiếp cận đánh giá theo năng lực.

Mặt khác, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cũng cho biết thêm, khó khăn nữa là hiện đang tồn tại song song hai hệ thống quản lý sau ĐH. Việt Nam vẫn đang lẫn lộn giữa hai hệ thống năng lực: Thực hành khám chữa bệnh và nghiên cứu hàn lâm. Đang cùng tồn tại song song 2 hệ thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ GD&ĐT quản lý,  hệ bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 do Bộ Y tế quản lý, song lại không có nhiều sự phân định, khác biệt rõ ràng giữa 2 chương trình. “Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng,… chỉ cần yêu cầu thực hành nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp mà không trải qua một kỳ thi sát hạch nào cả. Hơn nữa, chứng chỉ này được cấp 1 lần và sử dụng vĩnh viễn” - đại diện Bộ Y tế cho biết thêm.

Không những thế việc Chính phủ quyết định giao Bộ Lao động Thương binh, Xã hội quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ trung cấp đến cao đẳng cũng khiến các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng y dược đang trực thuộc Bộ GD&ĐT như “ngồi trên đống lửa” vì chưa biết sẽ chuyển đổi thế nào. Mặt khác, thông tư liên Bộ Y tế và Nội vụ quy định từ năm 2018 không tuyển sinh một số ngành y hệ trung cấp, 2021 dừng đào tạo một số ngành này cũng khiến các trường lao đao. Muốn không bị đóng cửa, các trường trung cấp đào tạo y dược phải được nâng cấp lên cao đẳng. “Về đội ngũ, chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng được theo quy định. Nhưng về cơ sở vật chất thì đúng là chúng tôi không biết xử lý thế nào. Theo quy định, trường phải có diện tích 5 ha mới đủ lên cao đẳng. Với những trường trung cấp ở thành phố lớn, quy định này đúng là khó như lên trời” - đại diện một trường trung cấp than thở.

Siết chặt điều kiện hành nghề bác sỹ

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nhân lực y tế được Bộ Y tế tổ chức vừa qua, những đề xuất về đổi mới đào tạo đã được đưa ra. Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đã đề xuất đổi mới mô hình đào tạo theo hướng bỏ đào tạo bác sĩ nội trú. Với y đa khoa, học xong 4 năm, người học sẽ được cấp bằng cử nhân y khoa. Tiếp đó, những người muốn học tiếp sẽ phân thành 2 hướng: Hệ hành nghề khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý và Hệ nghiên cứu do Bộ GD&ĐT quản lý. Những người không muốn học tiếp có thể trực tiếp tham gia thị trường lao động.

Theo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, hiện đào tạo ngành y đang có nhiều tồn tại bất cập. Trước năm 2000, cả nước có 8 trường đại học (ĐH) đào tạo ngành y, nhưng đến năm 2016 đã vọt lên tới 24 trường.

Đối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ Y khoa (giống như hệ bác sĩ đa khoa đào tạo 6 năm như hiện nay). Tuy nhiên, những người được cấp bằng này vẫn chưa được hành nghề mà cần phải trải qua thêm 1 năm tiền hành nghề thực hành tại các bệnh viện. Sau khi kết thúc một năm thực hành tại bệnh viện, những người này phải trải qua một kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi đa khoa.

Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ y khoa sẽ phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm 2-3 năm chuyên khoa, sau đó thi cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi chuyên khoa. Tiếp đó, để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu, phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm từ 2 năm trở lên và thi cấp chứng chỉ hành nghề một lần nữa. Đối với những người lựa chọn hướng nghiên cứu do Bộ GD quản lý thì phân thành 2 giai đoạn: Thạc sĩ 2 năm và nghiên cứu sinh 3-4 năm, lấy bằng tiến sĩ. Tham chiếu đối với khung trình độ quốc gia thì các cử nhân Y khoa tương đương với khung trình độ bậc 6. Các bác sĩ Y khoa tương đương khung trình độ bậc 7, còn các bác sĩ chuyên khoa tương đương khung trình độ bậc 8. Chính vì vậy, Bộ Y tế cũng đề xuất bác sĩ học 6 năm tương đương thạc sĩ (khung trình độ bậc 7) nên tăng bậc lương khởi điểm.

Trao đổi với Tiền Phong, thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng cho rằng sẽ phải có một kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề y cấp quốc gia. Có như thế, dù đào tạo ở trường nào, hệ nào thì khi hành nghề, các bác sĩ đều có chung một chuẩn. Còn lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng xong Dự thảo Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành y khoa, sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào thời gian tới.

Nguồn Tienphong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image