Ngày 20-5, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết vẫn chưa nhận được đơn của vợ chồng chị Trần Thị Phước Lộc (ngụ TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) về những kiến nghị đối với hoạt động thăm khám tại Phòng khám Thảo Nguyên (47 Phan Đình Phùng, TP Pleiku), do vợ chồng bác sĩ Trần Thị Thảo làm chủ.
Trong khi đó, sau khi Báo Người Lao Động ngày 20-5 đăng bài “Siêu âm bình thường, sinh con dị dạng”, nhiều bạn đọc tiếp tục phản ánh về chuyên môn của các bác sĩ tại Phòng khám Thảo Nguyên.
Chị Nguyễn Thị Minh Châu (ngụ xã Biển Hồ, TP Pleiku) cho biết khoảng ngày 15-3, khi thai ở tháng thứ 8, chị đến Phòng khám Thảo Nguyên, được bác sĩ Thảo trực tiếp siêu âm và thông báo nước ối ít, bào thai đã quay đầu nên về nhà cần phải uống nhiều nước, 2 tuần sau quay lại siêu âm. Ba ngày sau, khi phát hiện thai không quẫy đạp, chị lo lắng nên đi siêu âm tại phòng khám khác, được kết luận bị thai lưu (bào thai đã chết). Ngày 23-3, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, sau khi uống thuốc, chị Châu sinh nhưng thai đã tử vong.
“Những bác sĩ khác nói bị khô ối là rất nguy hiểm, hơn nữa, bào thai đã quay đầu, lúc đó cũng đã 8 tháng nên cần phẫu thuật lấy em bé ra ngay. Thế nhưng, bác sĩ Thảo siêu âm xong chỉ dặn uống nhiều nước và hẹn quay lại siêu âm” - chị Châu nói.
Kết quả siêu âm lần thứ hai cho con của vợ chồng chị Trần Thị Phước Lộc
Chị N.H.T (ngụ TP Pleiku) cho biết sau Tết Nguyên đán năm 2014, khi mới mang thai hơn 4 tuần tuổi, chị đến Phòng khám Thảo Nguyên siêu âm. Xong, bác sĩ Thảo nói không thấy thai nhi và yêu cầu làm siêu âm đầu dò thì thấy có thai trong tử cung. Thế nhưng, sau đó không lâu thì chị sẩy thai. Chị T. cho biết sức khỏe bản thân không tốt nên không trách bác sĩ nhưng sau khi nghe tư vấn thì được biết mới mang thai không nên siêu âm đầu dò vì dễ làm sẩy thai.
Nói về những trường hợp thai lưu khi đang ở tháng thứ 8, bác sĩ Thảo cho biết từ tháng thứ 6, thai nhi đã có thể quay đầu, đến tháng thứ 8 quay đầu là chuyện bình thường. Trong trường hợp chấp nhận được vẫn có thể cho uống nước. Đối với thai nhi ở tuần thứ 34 thì phổi chưa phát triển toàn diện. Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế như ở tỉnh Gia Lai, nếu lấy thai ra sẽ rất khó sống.
“Những trường hợp không quá khô ối, không quá cạn ối thì tôi sẽ tư vấn cho uống nước. Nếu nặng sẽ tư vấn cho vào bệnh viện để xử lý” - bác sĩ Thảo nói và cho biết nếu có trường hợp như báo nêu thì đây là rủi ro ngoài ý muốn. Có nhiều trường hợp đã mang thai tháng thứ 8, không khô ối nhưng chuyện đáng tiếc vẫn xảy ra.
Đối với trường hợp phản ánh bị sẩy thai sau khi siêu âm đầu dò, bác sĩ Thảo cho biết phương pháp này chỉ định cho những thai nhỏ để xác định thai nhi ở trong tử cung hay ngoài tử cung. “Thai ở thời kỳ 4 tuần siêu âm bụng không thấy trong tử cung thì buộc mình làm siêu âm đầu dò. Còn chuyện sẩy thai là vốn dĩ tự bào thai không chấp nhận người mẹ chứ không liên quan gì đến phương pháp siêu âm” - bác sĩ Thảo khẳng định.
Hay làm sẩy thai
Một lãnh đạo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Gia Lai phản biện rằng khi thai ở tháng thứ 8, nếu khô nước ối, thai nhi đã quay đầu thì chỉ trì hoãn được 48 giờ để tiêm thuốc trưởng thành phổi, sau đó sẽ can thiệp để lấy thai ra ngoài. Riêng phương pháp siêu âm đầu dò trong những tuần đầu tiên thì có thể thực hiện và có thể không. Điều kiện để thực hiện là xác định thai đó để nuôi hay để kế hoạch. Nếu kế hoạch thì siêu âm thoải mái vì kiểu gì thai cũng bị bỏ.
Vị này cũng khẳng định trường hợp siêu âm bụng không thấy thai mà có những triệu chứng nghi ngờ mang thai ngoài tử cung thì tiến hành siêu âm đầu dò. Siêu âm đầu dò trong âm đạo gây kích thích, làm co bóp tử cung, những thai nhi có nguy cơ sẽ dễ bị xẩy, do đó cần hết sức cẩn thận.