Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh tim mạch chủ đề: "Những điều cần biết về suy tim"

Sáng 11/5, Chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh tim mạch với chủ đề: "Tuân thủ thuốc trong điều tri suy tim - Chìa khoá vàng cho người bệnh" đã diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tham dự và chủ tọa chương trình có PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; TS.BS. Đồng Văn Thành, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phó trưởng khoa Khám bệnh; TS.BS. Hoàng Việt Anh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó trưởng phòng C2, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai…

PGS.TS Vũ Văn Giáp phát biểu khai mạc chương trình

Cùng với xu hướng mô hình bệnh tật chuyển dịch sang phát triển của các bệnh lý không lây nhiễm như Ung thư, Đái tháo đường…, các bệnh lý tim mạch cũng ngày càng phổ biến như Tăng huyết áp, Xơ vữa mạch máu, Bệnh van tim, Rối loạn nhịp tim.

Suy tim là một bệnh lý mạn tính, tiến triển trong đó cơ tim không đủ khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu cung cấp máu và oxy của cơ thể. Về cơ bản, làm cho hoạt động bơm máu của tim trở nên khó khăn hơn khiến người bệnh thường cảm thấy khó thở, mệt mỏi. Suy tim thường xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi và vẫn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, là hậu quả thường gặp của hầu hết các bệnh lý tim mạch (THA, NMCT, Rối loạn nhịp tim….) và là bệnh lý rất nguy hiểm. Bệnh phát triển một cách thầm lặng, âm ỉ, chỉ đến khi bệnh có biểu hiện ra bên ngoài thì lúc đó dường như đã quá nặng, khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Theo ước tính, trên thế giới có 60 triệu người bệnh suy tim, Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người gặp phải tình trạng này. Suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện và là nguyên nhân nhập viện số 1 ở người cao tuổi (Từ 65 tuổi). Tỷ lệ tái nhập viện cũng đến 30% trong vòng 3 tháng và mỗi lần tái nhập viện thì bệnh lại nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.

Tiến sĩ Hoàng Việt Anh, Phó trưởng phòng C2, Viện Tim mạch chia sẻ với người bệnh suy tim

Tiến sĩ Hoàng Việt Anh, Phó trưởng phòng C2, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 60 triệu người mắc suy tim, trong đó Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người gặp phải tình trạng này. Suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện và là nguyên nhân nhập viện số một ở người từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ tái nhập viện cũng đến 30% trong vòng 3 tháng, mỗi lần tái nhập viện thì bệnh lại nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Tỉ lệ tử vong trong đợt nhập viện do suy tim lên đến 10%. Những con số đáng quan ngại này cho thấy Suy tim là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh suy tim có thể kéo dài tuổi thọ và tận hưởng cuộc sống chất lượng hơn. Một trong những biện pháp quan trọng là tầm soát sức khoẻ sớm và định kỳ, điều chỉnh thói quen sinh hoạt lành mạnh và đặc biệt “Tuân thủ điều trị thuốc trong suy tim chính là Chìa khóa vàng cho người bệnh” và đó cũng là chủ đề bài tham luận của TS.BS. Hoàng Việt Anh trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh tim mạch.

Theo Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA) có bốn mức độ suy tim

Triệu chứng của suy tim và suy tim ứ dịch bao gồm: Đau ngực khi gắng sức, khó thở, chóng mặt, phù chân tay, tăng cân, nhanh mệt. Phân độ suy tim được chia thành 4 mức độ. Suy tim độ 1: Đây là mức độ nhẹ nhất, người bệnh vẫn có thể thực hiện các hoạt động thể chất bình thường mà không xuất hiện các triệu chứng của suy tim (như mệt mỏi, hồi hộp, khó thở…). Thông thường suy tim độ 1 không giới hạn hoạt động thể chất. Suy tim độ 2: Suy tim độ 2 là mức độ suy tim nhẹ, người bệnh có bị hạn chế trong các hoạt động thể chất. Lúc nghỉ ngơi thì không xuất hiện các triệu chứng của suy tim, nhưng khi hoạt động thể chất nặng thì có thể xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, khó thở hay hồi hộp. Nhìn chung, suy tim mức độ này chưa ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường ngày, chỉ ảnh hưởng khi người bệnh hoạt động gắng sức nhiều hoặc làm việc nặng. Suy tim độ 3: Lúc này, người bệnh cần lưu ý đến các hoạt động thể chất của mình vì chỉ cần hoạt động nhẹ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở, đánh trống ngực. Các hoạt động thông thường bị hạn chế nhiều, khi nghỉ ngơi thì mới khỏe. Lúc này người bệnh suy tim độ 3 cần được điều trị tích cực, dõi kỹ lưỡng, hoặc phải nhập viện do bị ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Suy tim độ 4: Các triệu chứng suy tim xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi, người bệnh có thể mệt mỏi, khó chịu, hồi hộp, khó thở với bất kỳ hoạt động thể chất nào dù rất nhẹ. Suy tim độ 4 là suy tim mức độ nặng, suy tim giai đoạn cuối hoặc suy tim kháng trị. Người bệnh cần được nhập viện để điều trị tích cực hoặc chuẩn bị vào danh sách chờ ghép tim.


Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi, thắc mắc của bệnh nhân và người nhà đã được TS. BS Đồng Văn Thành giải đáp, chia sẻ, giúp người bệnh có thể yên tâm hơn, tin tưởng vào phác đồ điều trị.

Nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa biến chứng

Tất cả các bệnh tim mạch hoặc các tổn thương tim đều dẫn tới hội chứng suy tim. Tiến sĩ Việt Anh cho biết: Nguyên nhân gây suy tim phổ biến bao gồm: Bệnh Huyết áp cao; Hẹp van tim hoặc hở van tim; Bệnh cơ tim; Bệnh mạch vành làm thu hẹp dòng chảy của máu tới nuôi cơ tim. Khi lòng động mạch vành bị tắc hẹp hoàn toàn, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây tổn thương vĩnh viễn cơ tim, làm suy giảm chức năng tim. Ngoài ra, suy tim còn có thể do một số nguyên nhân khác như bệnh tim bẩm sinh, biến chứng tiểu đường trên tim, rối loạn nhịp tim kéo dài nhiễm độc hóa chất, rượu, bệnh tự miễn, bệnh tuyến giáp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…

Với những bệnh nhân đã mắc suy tim, Tiến sĩ Việt Anh đưa ra lời khuyên: Người bệnh nên Giảm cân và giữ cân nặng cho phép, BMI không quá 23 kg/m2 (tối ưu); Giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày; Hạn chế uống rượu bia; Siêng năng tập thể dục hàng ngày; Bỏ hút thuốc lá; Hạn chế thức ăn có chứa chất béo và Ngủ đủ giấc. Đối trong lại, có một số điều bệnh nhân suy tim không nên làm. Đó là: Không thức khuya; Không hoạt động thể lực quá mức; Không sử dụng những chất kích thích như Amphetamin, Caffein (trà, cà phê), cocain; Không nên để bệnh nhân hường xuyên lo âu, căng thẳng tâm lý; Không được bỏ uống thuốc; Vận động thể lực phù hợp…

Buổi sinh hoạt đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người bệnh và người nhà người bệnh đang thăm khám và điều trị tại nhiều đơn vị trong Bệnh viện Bạch Mai như Viện Tim mạch, trung tâm Tiêu hoá, trung tâm Cơ xương khớp, trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, khoa Nội tiết – Đái tháo đường,  khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu…theo dõi tại hội trường và qua room trực tuyến. Chương trình với hoạt động tập Yoga cười dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ Phạm Quốc Vinh và các thành viên trong câu lạc bộ Yoga cười Hồ Gươm, khiến người bệnh và người nhà người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm và đầy năng lượng, giảm hẳn căng thẳng, mệt mỏi đều tan biến.

Trước khi vào chương trình, các đại biểu và người bệnh cùng tham gia liệu pháp Yoga cười giúp thư giãn và tinh thần sảng khoái

Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi, thắc mắc của bệnh nhân và người nhà đã được Tiến sĩ Đồng Văn Thành và Tiến sĩ Hoàng Việt Anh giải đáp, chia sẻ, giúp người bệnh có thể yên tâm hơn, tin tưởng vào phác đồ điều trị.

Câu lạc bộ người bệnh tim mạch thực sự đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho các người bệnh và người nhà người bệnh, là cầu nối yêu thương sẻ chia gần gũi, thân thiết giữa các nhân viên y tế và người bệnh, khiến cho việc điều trị được tốt hơn, là nơi gặp gỡ giao lưu giữa người bệnh với người bệnh, giữa bác sĩ và người bệnh, có thêm những đồng cảm, thấu hiểu, tương tác, kết nối rất nhân văn. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ người bệnh tim mạch, các bác sĩ đã cung cấp cho người bệnh nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, hiểu biết cần thiết để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và người nhà, cùng hợp tác trong suốt quá trình điều trị.

Đỗ Hằng - Thế Anh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image