Dưới đây là bài viết của bác sĩ Hoàng Sầm - chủ tịch Viện nghiên cứu y học bản địa Việt Nam - về vụ việc hơn 200 nhân viên, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc.
Việc hơn 200 nhân viên, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc trong thời gian ngắn, cũng như câu chuyện đổi mới quản lý bệnh viện ở Bạch Mai đang là chủ đề gây xôn xao dư luận những ngày qua. Với mong muốn mang đến một góc nhìn khác về sự kiện, dưới đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bác sĩ Hoàng Sầm - chủ tịch Viện nghiên cứu y học bản địa Việt Nam.
---
Vừa rồi, một vị giáo sư, thầy dạy cũ của giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - nói ông Tuấn "nghiêm khắc quá" nên một số cán bộ nhân viên Bệnh viện xin thôi việc, chuyển công tác, xin nghỉ... Nhưng tôi lại thấy, sự "nghiêm khắc" của ông Tuấn, nếu có, thì không phải là không có lý do.
Bệnh viện Bạch Mai, theo năm tháng, nay đã trở nên "cũ kỹ" trên nhiều phương diện: cấu trúc hạ tầng, cách quản lý và cả trong cách nghĩ, cách làm.
1. Bạch Mai là một bệnh viện tuyến đặc biệt có thương hiệu từ thời Pháp. Bệnh viện ra đời năm 1911, ban đầu còn nhỏ bé và có tên là Nhà thương Cống Vọng. Năm 1935, Bệnh viện có tên Hospital de René Robin, quy mô lớn hơn, là cơ sở thực hành của trường Đại học Y khoa Đông Dương. Năm 1945, bệnh viện mới có tên là Bạch Mai.
Qua các đời thầy Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung và nhiều tiền bối khác, đây là bệnh viện lớn nhất nước và được nhà nước bao cấp, chữa bệnh không mất tiền. Những người thầy, những cây đa, cây đề như cố giáo sư Hồ Đắc Di, Đặng Văn Chung, Tôn Thất Tùng, Trịnh Ngọc Phan, Đỗ Đình Địch, rồi thầy Nhạc, thầy Khải, thầy Trạch, thầy Đính, thầy Chương, thầy Hinh ..., họ đã quản lý lý bệnh viện rất tốt, mang lại rất nhiều ích lợi cho người dân. Nhưng ngày đó khác bây giờ. Ngày đó, họ có "quyền lực đạo đức" giám sát, họ không nói nhiều, học theo Bác Hồ, cứ lợi cho người bệnh là hết mình làm việc.
2. Nhưng làm việc lâu trong môi trường bao cấp, một số cán bộ nhân viên bắt đầu có tư tưởng ỷ lại, dựa vào bao cấp và thương hiệu, uy tín sẵn có, ít nhiều có những dấu hiệu ban ơn cho người bệnh. Tôi cảm nhận được điều này, vì gần cuối thập niên 70 của thế kỉ trước tôi từng học và làm việc ở đây. Ngược lại, người bệnh có tâm lý rằng, nếu muốn an tâm khi điều trị, tốt nhất phải quen ai đó, càng quan hệ tốt với họ, quá trình điều trị càng yên tâm. Nếu không, chả lẽ không có chút lót tay, cảm ơn ...
3. Vì tính thương hiệu, tính uy tín, tính bao cấp, nên Bệnh viện Bạch Mai sau này có tới 55 đơn vị trực thuộc, trong đó có thêm các bệnh viện chuyên khoa như Viện Da liễu, Viện Huyết học - Truyền máu, Viện Nhiệt đới... chưa kể các bệnh viện vệ tinh khác nằm trong sự quản lý chung của Bạch Mai. Hay nói khác đi là nhiều "viện con" nằm trong "viện mẹ". Mỗi "viện con" lại có hệ thống tổ chức cán bộ riêng, giám đốc riêng, có hệ thống hậu cần riêng, có chính sách đãi ngộ riêng... Sự phân chia này dẫn đến phân quyền, phân mảnh chính sách đãi ngộ cán bộ, quản lý y đức, quản lý nhân sự, quản lý chuyên môn ... theo các mức độ khác nhau.
Đến khi Giám đốc, GS. Nguyễn Quang Tuấn về thì Bệnh viện Bạch Mai giống như công ty mẹ có nhiều công ty con vậy. Mỗi ngày hàng vài nghìn người bệnh đến khám, cấp cứu, hồi sức tích cực…, với khoảng 3.000 giường bệnh thực kê, mỗi giường có thể tới 2-3 người nằm, khả năng thanh toán của người bệnh lại khác nhau... Nói vậy để thấy tính phức tạp trong quản lý và điều hành Bệnh viện. Bạch Mai lại trực thuộc Bộ Y tế, muốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới, chỉnh sửa cấu trúc hạ tầng, thay đổi, áp dụng phương pháp điều trị mới... đều cần ý kiến của Bộ chủ quản.
4. Từ cuối năm 2019, Bạch Mai được cho thí điểm chuyển sang chế độ hoạt động tự chủ, mọi hoạt động của viện do Hội đồng bệnh viện tự quyết định nhanh chóng, thuận lợi. Thuận lợi chưa thấy đâu thì giữa năm 2020 xảy ra hai sự kiện: Giám đốc cũ bị điều tra, Giám đốc mới - GS Tuấn chân ướt chân ráo mới về đã phải chịu "một đòn" gây shock "lây nhiễm Covid-19". Giữa bộn bề vừa phải lập tức tự chủ kinh tế hoàn toàn, tự trả lương cho hàng nghìn cán bộ, nhân viên, vừa hỗ trợ các bệnh viện khác trong cơn dịch ... đồng thời chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế và pháp luật. Nếu theo mãi cơ chế cũ, nề nếp cũ, quản lý kiểu "cứ cách cũ mà làm", thì liệu Bạch Mai có tiếp tục là đầu ngành mãi được không?
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, đến mấy "ông lang bà mế" cũng sẵn sàng "giành" bệnh nhân với Bạch Mai, có lẽ đâu một loạt các bệnh viện tư giàu mạnh lại không cạnh tranh? Nếu cứ theo đà cũ, thì khoảng 10-15 năm nữa, Bạch Mai sẽ tụt hậu, phân mảng về quyền, nghĩa vụ, chuyên môn và trách nhiệm trước người bệnh.
Ngày nay người khôn của khó, đạo đức nghề nghiệp đã có nhiều chỗ xuống cấp..., liệu có thể áp dụng theo cách quản lý cũ trong môi trường tự chủ, cạnh tranh được nữa không? Trình độ các bác sĩ trẻ hiện giờ cũng rất giỏi, họ có môi trường học tốt, thầy tốt, nhưng thời nay, ngoài giỏi chuyên môn, họ còn phải giỏi cả tài chính kinh tế, trong khi không còn chịu sự giám sát của "quyền lực đạo đức" nữa. Như vậy, đổi mới quản lý, thiết kế, tái cấu trúc lại toàn diện là hoàn toàn cần thiết. Những bậc lão thành, các bậc tiền bối cũng nên đứng trên khuynh hướng, xu thế thời đại để nhìn nhận vấn đề, đặc biệt là vấn đề nhân sự.
Bác Hồ từng nói "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa". Như vậy, để Bệnh viện tự chủ được, trước hết phải có con người tự chủ và phải có tư tưởng tự chủ. Tất nhiên, việc đầu tiên là loại bỏ các "khẩu ăn theo".
5. Để Bệnh viện Bạch Mai mãi mãi là bệnh viện đầu ngành của Việt Nam, có thể sánh tầm quốc tế thì cần vẽ ra một viễn cảnh về Bệnh viện trong tương lai với tầm nhìn đến năm 2050, để phải "thay đổi" tư tưởng chiến lược, thay đổi chỗ đứng để có cách nhìn mới, cách quản lý, cách cạnh tranh, cách thực hành, thay đổi cả những nhân sự không phù hợp nữa, mà trước hết đổi mới tư duy, bỏ nếp nghĩ cũ... chỉ tuân theo sự chỉ dẫn của pháp luật và nhu cầu của thị trường dịch vụ y tế. Thay cũ đổi mới mà đúng khuynh hướng, xu thế của thời đại, có tầm nhìn xa là vô cùng cơ bản, quan trọng và khẩn thiết.
6. Tôi biết khi viết bài này sẽ bị một số người phản ứng. Tôi cũng chẳng quen biết gì ông Nguyễn Quang Tuấn, nhưng tôi cho rằng, ông đã dám làm những việc mà nhiều năm qua không ai dám làm. Đã làm thì sẽ có đúng, có sai, nếu mô hình mới mà đúng nhiều sai ít là tốt rồi, miễn là thấy sai thì sửa.
7. Các việc tái cấu trúc toàn diện là rất cần thiết, ví dụ như: 1) tái cấu trúc thống nhất quản lý cơ sở vật chất; 2) tái cấu trúc nhân sự và tuyển dụng nhân sự; 3) xây dựng các thiết chế quản lý mới kịp thời; 4) cán bộ, nhân viên tự đánh giá hạnh kiểm hàng tháng; 5) thành lập ban quan hệ công chúng để tiếp dân, lắng nghe, giải quyết các vướng mắc giữa người bệnh - bệnh viện; 6) tăng cường giám sát của Hội đồng bệnh viện và giám sát của nhân dân; 7) định kỳ tổ chức học tập đạo đức y học; 8) cử người đi học các nước tiên tiến về quản lý bệnh viện và tiếp thu, áp dụng kĩ thuật mới trên thế giới; 9) tổ chức cho khối nhân viên bảo vệ, dịch vụ khác không có tính chuyên môn học tập đạo đức y học và kĩ năng giao tiếp.
Làm tốt thì theo đó thu nhập của cán bộ, nhân viên sẽ tăng lên, an tâm làm việc và cống hiến. Người thụ hưởng các thành quả này trước hết chính là người bệnh và cán bộ bệnh viện.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Hoàng Sầm, chủ tịch Viện nghiên cứu y học bản địa Việt Nam