Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Tẩy chay vắc xin: Hệ lụy cho cả cộng đồng

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Anti vắc xin (tẩy chay vắc xin) là vấn đề rất nguy hiểm. Bởi nếu không được tiêm vắc xin, trẻ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh truyền nhiễm, để lại di chứng suốt đời, thậm chí đe dọa tính mạng”.

Khoảng một tháng nay, khi dịch viêm não Nhật Bản, sởi tăng cao mà đa phần do các bậc phụ huynh thiếu hiểu biết không tiêm ngừa cho trẻ, thì lại xuất hiện những luồng thông tin cho rằng chính việc tiêm vắc xin mới khiến không ít trẻ gặp biến chứng.

Nhiều người bày tỏ quan điểm sẽ không tiêm phòng cho con, thậm chí còn lập facebook “anti vắc xin”. Các bác sĩ cho rằng, dù chỉ là thông tin trên mạng ảo, nhưng hậu quả để lại có thể ảnh hưởng cho cả cộng đồng.

anti vac xin gay he luy cho ca cong dong
Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa bệnh cho trẻ hiệu quả nhất.

PGS Dũng khẳng định, việc phát minh ra vắc xin được đánh giá là thành tựu y học vĩ đại của loài người trong thế kỷ 20. Vắc xin ra đời đã thật sự trở thành một loại vũ khí sắc bén, hữu hiệu để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Không có bất cứ can thiệp y tế nào đem lại hiệu quả to lớn như vắc xin trong việc giảm tỷ lệ mắc và chết vì bệnh truyền nhiễm.

Đến nay, có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Nhờ vắc xin, hằng năm thế giới đã cứu được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do các bệnh truyền nhiễm.

PGS Dũng cũng chia sẻ, việc anti vắc xin xuất hiện từ lâu, ở cả trong và ngoài nước. Sở dĩ gần đây tiếp tục rộ lên là do những thông tin chưa đúng về chuyện tai biến và tác dụng phụ của vắc xin. Đặc biệt, ở thời điểm khan hiếm vắc xin “5 trong 1”, “6 trong 1” dịch vụ, các phụ huynh bảo vệ con bằng cách không tiêm vắc xin. Dần dần gây ảnh hưởng đến người suy nghĩ bài trừ vắc xin của một số người.

Anti vắc xin là tình trạng đáng báo động, vì nó làm những người đang dao động bỏ vắc xin khiến bệnh quay trở lại. Cả cộng đồng bỏ tiêm vắc xin sẽ gây hậu quả rất lớn. Bệnh dịch quay lại không phải trả giá bình thường mà bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em”, PGS Dũng cảnh báo.

PGS Dũng dẫn chứng, điển hình như bài học dịch bệnh sởi năm 2014 khiến hàng chục trẻ tử vong. Đó là hậu quả của trào lưu bài trừ vắc xin sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng trước đó. Nguyên nhân chỉ vì vài ca tai biến mà hàng loạt phụ huynh không tiêm vắc xin cho con. Đến khi mùa dịch xảy ra, hậu quả thấy rõ, người ta mới vội vã đưa con đi tiêm ngừa. Những năm sau đó, khi tỷ lệ tiêm ngừa bao phủ, dịch bệnh được khống chế.

Theo các chuyên gia y tế, những người có tư tưởng chống lại tiêm vắc xin là do chưa hiểu hết vấn đề. Bởi vì, bất kỳ loại vắc xin nào dù tốt đến đâu cũng không bảo đảm an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.

anti vac xin gay he luy cho ca cong dong
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Mỗi cá thể sẽ có phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.

Thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng một lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin.

PGS Dũng nêu rõ, phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể, nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn; uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt uốn ván sơ sinh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%). Do vậy, việc tiêm chủng để phòng bệnh hết sức quan trọng, tránh xảy ra nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Bởi vậy, vì sức khỏe của con em mình, PGS Dũng khuyến cáo các bậc cha mẹ hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi đứa trẻ, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image