Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Tầm quan trọng của chăm sóc vết thương và chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh mổ

Sau sinh mổ, cơ thể sản phụ chưa hồi phục, cộng với đau vết mổ, khiến người mẹ có thể ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần. Phương pháp chăm sóc vết mổ và chế độ dinh dưỡng hợp lý, quyết định rất lớn đến tốc độ bình phục của người mẹ.

Những ngày đầu tiên sau mổ, sản phụ còn yếu, vết mổ đau, nên cần được nghỉ ngơi nhiều. Tuy nhiên, sản phụ cũng không nên nằm quá lâu một chỗ. Sản phụ sau sinh mổ, ngày đầu tiên nên vận động co duỗi chân tay tại giường hoặc ngồi dậy, thay đổi tư thế nhẹ nhàng. Từ ngày thứ 2, sản phụ nên có những vận động, di chuyển tăng dần, lúc đầu cần sự hỗ trợ của người thân và sau đó bản thân chủ động. Việc vận động vừa là để đẩy sản dịch ra ngoài, vừa giúp nhu động ruột phục hồi nhanh hơn và tránh được táo bón. Mặt khác, sản phụ cũng lưu ý tránh các hoạt động mạnh ảnh hưởng tới vết mổ. Việc tập thể dục quá sớm cũng dễ khiến cho vết thương dễ bị bục, rách gây nguy hiểm.

Tư vấn sức khoẻ sau mổ cho sản phụ và các bệnh nhân tại Khoa sản BV Bạch Mai

Bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh mổ cũng cần đảm bảo đủ 4 nhóm: Bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Sản phụ nên ăn sớm (sau 6h mổ đẻ) không phải đợi trung tiện.

Đó là những chia sẻ của các bác sĩ Khoa sản và Trung tâm dinh dưỡng lâm sàn, Bệnh viện Bạch Mai với các bệnh nhân tại buổi sinh hoạt tư vấn, hướng dẫn sau sinh thường kỳ.

Chăm sóc vết mổ quyết định 50% sự hồi phục của sản phụ

Theo Thạc sỹ điều dưỡng Lê Thu Hiền, Khoa Phụ Sản, BV Bạch Mai chia sẻ: Trong thời gian sản phụ nằm viện, kiểm tra thay băng sẽ được các y, bác sỹ thực hiện. Sau khi xuất viện, sản phụ cần giữ cho vết mổ sạch sẽ, khô ráo.

Nguyên tắc chăm sóc vết mổ: Kiểm tra, đánh giá tình trạng vết mổ để có chỉ định thay băng hợp lý. Thay băng vô khuẩn. Khi thay băng cần sử dụng dung dịch rửa vết mổ như: dung dịch betadin hoặc povidine Iod 10%, không tự ý bôi đắp lên vết mổ. Vết mổ ướt, nhiễm trùng thay băng hàng ngày theo chỉ định của Bác sỹ. Sản phụ mổ lần đầu, sau khoảng 5 -  7 ngày cắt chỉ. Sản phụ mổ từ lần 2 trở đi, cắt chỉ sau khoảng7 -  10 ngày. Điều dưỡng sẽ cắt từng đoạn theo mối khâu, sau đó kéo chỉ ra nhẹ nhàng. Thao tác này không tốn nhiều thời gian và không gây đau cho sản phụ. Đối với các vết mổ được khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần quá trình cắt chỉ này. Sau khi cắt chỉ (nếu vết mổ không có dấu hiệu nhiễm trùng) thì có thể không cần băng lại để khô tự nhiên.

Hạn chế tắm gội trong thời gian vết mổ chưa lành hẳn. Sản phụ có thể lau bằng nước ấm hoặc tắm nhanh, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Sau khi tắm xong nên dùng bông gòn thấm khô vết mổ, không băng kín vết mổ. Không nên tự ý tháo băng vết thương, hoặc gãi nhiều tại vùng da xung quanh vết mổ để tránh bị trầy xước. Nếu vết mổ sưng, nóng, đỏ, đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu cho thấy vết mổ có thể bị nhiễm trùng. Sản phụ nên đi khám, kiểm tra kịp thời. Một số người cơ địa sẹo lồi thì vết mổ sau khi liền sẽ lồi hẳn ra khỏi mặt da. Sản phụ có thể dùng thuốc chống sẹo lồi sau khi vết mổ khô hẳn và được cắt chỉ.

“Việc chăm sóc vết mổ đúng cách, quyết định đến 50% sự hồi phục của sản phụ sau sinh mổ”, Bác sỹ CKII Kiều Thị Thanh, Khoa Phụ sản cho hay.

 
 


Thạc sỹ điều dưỡng Lê Thu Hiền chăm sóc vết mổ cho sản phụ

Dinh dưỡng hợp lý, sản phụ nhanh phục hồi, nhiều sữa

Một chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý và cân đối có vai trò rất quan trọng với sức khỏe sản phụ sau sinh mổ. Điều này giúp người mẹ nhanh lành vết mổ, tránh nguy cơ nhiễm trùng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe, kiểm soát được cân nặng và có nguồn sữa dồi dào để nuôi con bú”. Cử nhân dinh dưỡng Hoàng Ngọc Phương, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàn, BV Bạch Mai nhấn mạnh.

Cũng theo cử nhân dinh dưỡng Ngọc Phương, chế độ dinh dưỡng cho sản phụ sau sinh mổ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn sau mổ (1 – 2 ngày đầu). Khoảng 6h sau sinh, sản phụ có thể bắt đầu tập ăn. Chế độ ăn từ lỏng, dễ tiêu hóa như nước cháo/ súp loãng, số lượng ít, sau đó tăng dần độ đặc và số lượng ở mỗi bữa ăn. Giai đoạn tiếp theo, từ ngày thứ 3 trở đi, sản phụ nên ăn đa dạng các nhóm thực phẩm. Nhóm tinh bột: Gạo, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ....; Nhóm chất đạm: thịt, cá nạc, tôm, trứng, sữa, đậu phụ...; Nhóm chất béo: Dầu ăn, mỡ...; Nhóm vitamin và khoáng chất: Các loại rau xanh và quả chín. Đặc biệt là vitamin A, C, E: Có nhiều ở các loại rau màu xanh/ đỏ đậm như súp lơ, rau ngót, cà rốt, các loại hoa quả, ngũ cốc..., Chất khoáng: kẽm, sắt...có nhiều trong các loại thịt, lòng đỏ trứng...

Tăng cường thực phẩm giàu chất đạm có tác dụng làm lành vết thương nhanh hơn, giúp tái tạo tế bào và những mô bị tổn thương sau mổ; Thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất giúp kích thích tổng hợp collagen thúc đẩy nhanh lành vết mổ và làm vững bền thành mạch. Tăng cường chất xơ từ rau xanh, quả chín để phòng ngừa táo bón. Phụ nữ sau sinh đang nuôi con bú cũng cần chú ý đến việc bổ sung đủ nước cho cơ thể, khoảng 2,5-3 lít/ ngày (Bao gồm nước canh, sữa, nước hoa quả, nước uống...). Thức ăn cần chế mềm dễ tiêu hóa và hấp thu. Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch và nấu chín kỹ trước khi ăn.

Bên cạnh đó, sản phụ không nên sử dụng các thực phẩm tái, sống không đảm bảo an toàn như rau sống, gỏi, thức ăn nấu chưa chín kỹ…Thực phẩm/gia vị cay nóng như ớt hoặc hạt tiêu…; Thực phẩm lên men như: Dưa muối, cà muối, các món chiên xào nhiều dầu mỡ; các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia rượu…

Ngoài những lưu ý trong việc chăm sóc sức khoẻ và chế độ dinh dưỡng, các bác sĩ Khoa sản BV Bạch Mai cũng lưu ý: Các sản phụ sau mổ nên nghỉ ngơi nhiều và ngủ đủ giấc, tránh lo lắng, suy nghĩ, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe. Cho bú ngay trong ngày đầu tiên để tránh mất sữa. Tránh lao động nặng trong 2 tháng đầu. Không giao hợp trong 5-6 tuần sau sinh vì có thể dẫn tới nhiễm khuẩn.

Nguyên Hà

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image